Hội thảo do Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Thành ủy Đà Nẵng, Đại học Đà Nẵng tổ chức. Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cùng đại diện một số đơn vị liên quan trì hội thảo.
Hội thảo có sự tham gia của 250 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; một số địa phương có ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng cao; các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên; các hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế...
Theo Ban tổ chức Hội thảo, trên cơ sở triển khai chương trình công tác của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Bộ Chính trị đã giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trình Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII. Hội thảo lần này sẽ cung cấp thêm các luận cứ khoa học, cơ sở lý luận, kinh nghiệm quốc tế và một số đề xuất về chủ trương, mô hình, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam, góp phần phục vụ xây dựng Đề án.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, hội thảo có ý nghĩa quan trọng, để làm rõ hơn các cơ sở khoa học và thực tiễn. Các báo cáo, tham luận tại hội thảo sẽ đưa ra được những giải pháp, những ý kiến góp ý thiết thực để hoàn thiện được những chủ trương, chính sách về phát triển ngành dịch vụ phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bí thư Nguyễn Văn Quảng cho rằng, kết quả của hội thảo là một trong những cơ sở để Ban Chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện Đề án trình Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII sắp tới; đồng thời, cũng là cơ sở quan trọng để thành phố Đà Nẵng nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình thực hiện các mục tiêu xây dựng thành phố theo yêu cầu Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra.
Tại hội thảo các đại biểu đã tập trung đi sâu, phân tích, làm rõ kết quả đóng góp của ngành dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam trong 35 năm đổi mới, nhất là từ năm 2010 đến nay; đồng thời, nhận diện những xu thế phát triển và vận động chuyển dịch cơ cấu các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển các ngành dịch vụ trong đó bao gồm ngành dịch vụ mới trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển hạ tầng và thúc đẩy chuyển đổi số cho phát triển các ngành dịch vụ…
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết: Thực hiện nhiệm vụ Bộ Chính trị giao, Ban Kinh tế Trung ương đang chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" trình Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII vào tháng 10 tới. Đây là Đề án có quy mô lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nước ta để thực hiện thành công mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021 - 2030.
Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát triển ngành dịch vụ là động lực quan trọng thúc đẩy thực hiện các mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Kết quả đánh giá công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn vừa qua đã cho thấy cùng với sự phát triển chung của nền kinh tế, khu vực dịch vụ đã có bước tăng trưởng đáng kể về quy mô, đóng góp lớn vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Các ngành dịch vụ đã phát triển đa dạng hơn, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của sản xuất và đời sống.
Theo số liệu thống kê tỷ trọng của khu vực dịch vụ trong GDP tăng dần qua các năm, hiện chiếm trên 40% GDP. Thương mại truyền thống tiếp tục phát triển mạnh, Việt Nam đang trở thành một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất toàn cầu, đứng vị trí thứ 6 trong nhóm 30 quốc gia có tiềm năng và mức độ hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ toàn cầu. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển ngành dịch vụ cũng có nhiều vấn đề lớn đặt ra như Việt Nam luôn nhập siêu trong các cán cân thương mại dịch vụ, nhất là với dịch vụ có hàm lượng công nghệ và trí thức cao.
Trước thực tế trên, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời gian tới cần thay đổi để phù hợp với bối cảnh mới. Cụ thể, công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nên tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với yêu cầu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và bao trùm, trọng tâm là chuyển đổi số toàn diện các ngành, lĩnh vực đặt con người vào vị trí trung tâm, xác định rõ nhân dân là đối tượng phục vụ, thụ hưởng, đồng thời khẳng định công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng là sự nghiệp toàn dân.
Để nâng cao hiệu quả đóng góp của ngành dịch vụ, Việt Nam cần phát triển dịch vụ công nghệ cao, hình thành được các ngành dịch vụ mới trên cơ sở ứng dụng công nghệ số, nền tảng số; chú trọng cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên phát triển các loại dịch vụ mới có tính liên ngành. Việt Nam cần tiếp tục chú trọng phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, phát triển mạnh ngành công nghiệp văn hóa và các dịch vụ khoa học và công nghệ, thông tin truyền thông, đặc biệt cần chú trọng, phát triển có hiệu quả hệ thống dịch vụ việc làm và an sinh xã hội...
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng các báo cáo, tham luận tại hội thảo đã phản ánh sát những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra về phát triển ngành dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần thiết thực, hữu ích phục vụ cho việc hoàn thiện Đề án; đề nghị Tổ Biên tập xây dựng Đề án tổng hợp và tiếp thu đầy đủ các ý kiến, tham luận đề hoàn thiện nội dung dự thảo Đề án trình Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII tới đây.