Diễn đàn Cơ hội phát triển ngành dịch vụ kinh doanh dành cho người cao tuổi tại Việt Nam

Ngày 11/11, khoảng 100 đại diện từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã tham dự Diễn đàn trực tuyến "Cơ hội phát triển ngành dịch vụ kinh doanh dành cho người cao tuổi tại Việt Nam".

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế thực hiện khám sàng lọc cho người dân trước khi thực hiện tiêm chủng tại điểm tiêm UBND phường 9 (quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh). Ảnh minh họa: Thu Hương/TTXVN

Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiêm Giám đốc VCCI TP Hồ Chí Minh và bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam đồng chủ trì Diễn đàn.

Diễn đàn nằm trong chuỗi các hoạt động can thiệp do Chính phủ Nhật Bản tài trợ thông qua dự án mang tên "Giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đối với các nhóm dân cư dễ bị tổn thương - Đảm bảo tiến độ của quốc gia trong việc đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam", nhằm thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân trong việc phát triển ngành dịch vụ dành cho người cao tuổi tại Việt Nam.

Tham dự diễn đàn gồm các nhà quản lý đến từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các công ty và nhà sản xuất trong nước cũng như từ các công ty Nhật Bản; đại diện từ các phòng thương mại quốc tế và các cơ quan lãnh sự quốc tế tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, ông Võ Tân Thành chia sẻ, thị trường dịch vụ dành cho người cao tuổi của Việt Nam rất lớn và nhiều tiềm năng nhưng đang bị bỏ ngỏ. Cùng với đó, sự phát triển của các ngành dịch vụ dành cho người cao tuổi hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng và đa dạng của người cao tuổi.

Theo ông Võ Tân Thành, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó có thể kể đến sự chưa hoàn thiện về hạ tầng và chính sách khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp; hạn chế nguồn lực về tài chính, con người, công nghệ và sự thiếu vắng mô hình dịch vụ hiệu quả, phù hợp với văn hóa của người Việt Nam; chiến lược truyền thông thay đổi thói quen tiêu dùng của người cao tuổi chưa hiệu quả. Diễn đàn là cơ hội để các bên liên quan cùng thảo luận, khai thông các cơ hội kinh doanh trong ngành dịch vụ quan trọng, nhiều tiềm năng này.

Đề cao ý nghĩa quan trọng của diễn đàn doanh nghiệp lần này, bà Naomi Kitahara cho rằng, sự tham gia của các doanh nghiệp trong ngành dịch vụ chăm sóc người cao tuổi vẫn còn rất hạn chế ở Việt Nam. Bà Naomi Kitahara nhấn mạnh, tất cả mọi người thuộc mọi lứa tuổi đều có thể bị mắc COVID-19, tuy nhiên người cao tuổi và những người có bệnh lý nền sẽ có nguy cơ gặp nhiều biến chứng nghiêm trọng và có tỷ lệ tử vong cao hơn. Cùng với đó, tốc độ già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng ở Việt Nam và đất nước sẽ chuyển đổi từ xã hội “già hóa” sang xã hội có “dân số già” vào năm 2036. Việc người cao tuổi có nhu cầu được chăm sóc, hỗ trợ cũng đồng nghĩa với việc ngành dịch vụ chăm sóc sức khỏe có thể được tạo cơ hội kinh doanh. 

Chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc người cao tuổi ở Nhật Bản, ông Daisuke Okabe, Công sứ, đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết: Nhật Bản có chung xu hướng già hóa dân số và mức sinh thấp. Trong vài thập kỷ qua, ngành dịch vụ chăm sóc sức khỏe dành cho người cao tuổi ở Nhật Bản đã thu hút được sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp tư nhân, trong đó có những doanh nghiệp rất độc đáo và sáng tạo. Chính phủ Nhật Bản vinh dự hỗ trợ UNFPA và VCCI trong việc tạo một diễn đàn để các doanh nghiệp tham gia đối thoại với các nhà hoạch định chính sách, đặc biệt là về các chính sách quốc gia liên quan đến lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.

Tại diễn đàn, các doanh nghiệp đã thảo luận về thực trạng ngành dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi; nhu cầu về chăm sóc sức khỏe cũng như tiềm năng phát triển của thị trường này trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và Việt Nam chuyển sang trạng thái bình thường mới.

Báo cáo Triển vọng thị trường dịch vụ chăm sóc người cao tuổi tại Việt Nam được trình bày tại diễn đàn đã nêu bật những phát hiện cho thấy Việt Nam là một thị trường đầy hứa hẹn của các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, với 20 triệu "khách hàng tiềm năng" vào năm 2035. Người cao tuổi là tài sản quan trọng của quốc gia, cung cấp nguồn nhân lực, trí tuệ và kinh nghiệm vô cùng quý giá. Người cao tuổi cũng là động lực cốt yếu của một thị trường mới nổi, có thể tạo ra doanh số, thu nhập và việc làm cho xã hội.

Các doanh nghiệp cũng đã đối thoại thẳng thắn với các nhà hoạch định chính sách, đặc biệt là về các chính sách quốc gia liên quan đến lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Để tối đa hóa các cơ hội của tình trạng già hóa dân số, những người tham gia đã tìm hiểu các xu hướng và triển vọng trong tương lai, bao gồm các giải pháp sáng tạo cho ngành chăm sóc sức khỏe để đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Diễn đàn đã đưa ra các khuyến nghị về những bước tiếp theo nhằm đảm bảo rằng người cao tuổi phải được ưu tiên trong các nỗ lực vượt qua đại dịch COVID-19 của Việt Nam và không ai bị bỏ lại phía sau trong hoạt động ứng phó nhân đạo cũng như trong nỗ lực phát triển.

Già hóa dân số đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng ở Việt Nam. Năm 2020, tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm 8% dân số và ước tính đến năm 2036, Việt Nam sẽ chuyển đổi từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già với 14% dân số ở độ tuổi trên 65.

TTXVN/Báo Tin tức
Chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi, bảo đảm thích ứng với già hóa dân số
Chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi, bảo đảm thích ứng với già hóa dân số

Chất lượng đời sống được nâng cao và tuổi thọ trung bình của người dân tăng là những thành tựu quan trọng trong quá trình phát triển của đất nước. Tuy nhiên, già hóa dân số đang là một trong những thách thức của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN