Một chiều cuối tháng 9/2021, tại điểm tiêm chủng vaccine COVID-19 phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, mặc dù trời mưa nhưng nhiều người cao tuổi vẫn đến tiêm. Đây là buổi tiêm với nhiều mũi ưu tiên cho các cụ cao tuổi trong phường.

Được con chở đến điểm tiêm, cụ Phạm Thu Liên, 72 tuổi, hăng hái vào đăng ký, khám sàng lọc và theo hướng dẫn nhanh chóng hoàn thành mũi tiêm thứ 2.

Người cao tuổi trên cả nước được ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19.

 

Cụ Phạm Thu Liên cho biết: “Chúng tôi ở nhà theo dõi và thấy dịch COVID-19 vô cùng nguy hiểm, nhất là với những người có sức khoẻ yếu như người già. Vì vậy khi được phường thông báo đi tiêm vaccine COVID-19, ưu tiên cho người cao tuổi, chúng tôi mừng lắm, bảo con cháu sắp xếp đi tiêm ngay cho đúng lịch. Ra điểm tiêm đông người, tôi cũng thực hiện đầy đủ các quy định phòng dịch, đeo khẩu trang, mang theo cả nước sát khuẩn”.

Cụ Liên và nhiều người cao tuổi ở đây vốn đã mắc sẵn các bệnh nền như: Huyết áp, tim mạch, tiểu đường... những bệnh nguy hiểm dễ gây biến chứng nặng khi chẳng may nhiễm virus SARS-CoV-2. Những lo lắng về nguy cơ đó khiến hầu hết các cụ đều tham gia tiêm chủng đầy đủ khi đến lượt; tại các điểm tiêm được khám sàng lọc kỹ lưỡng, tư vấn về chăm sóc sức khoẻ khi tiêm vaccine phòng bệnh.

Những mũi tiêm vaccine kịp thời để phòng chống COVID-19 mang lại niềm hạnh phúc cho người cao tuổi.

“Khi dịch bắt đầu lây lan trong cộng đồng, chúng tôi đã rất lo lắng; tuy người cao tuổi chủ yếu ở nhà, ít đi lại, và bản thân chúng tôi cũng đã dừng hết các hoạt động tập thể dục ngoài trời; nhưng hầu hết con cháu sống cùng vẫn ra ngoài, đi làm việc, đi nhiều nơi nên nguy cơ không nhỏ. Bởi vậy, người cao tuổi chúng tôi rất cần được quan tâm, theo dõi sức khoẻ đầy đủ. Rất may, cả người thân trong gia đình và chính quyền các cấp đều rất quan tâm đến lứa tuổi chúng tôi, trong từng giai đoạn đều có những hành động thiết thực để bảo vệ sức khoẻ người cao tuổi”, ông Đoàn Xuân Bùi, 75 tuổi, ở phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ.

Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện Việt Nam có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi, chiếm gần 12% dân số cả nước; phần lớn người cao tuổi mắc các bệnh mạn tính như: Đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh mạch vành...

Nghiên cứu của Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho thấy, người cao tuổi trung bình có từ 3 bệnh lý mạn tính trở lên, trong đó có các bệnh hay gặp, như: Tăng huyết áp, đái tháo đường, xương khớp, phổi mạn tính.

 

BS. Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa trung ương cho biết: “Do mắc các bệnh lý nền nên sức đề kháng của người cao tuổi giảm hơn so với các nhóm tuổi khác. Vì vậy, nếu người cao tuổi bị nhiễm virus SARS-CoV-2 sẽ làm thúc đẩy các bệnh mạn tính đó chuyển thành giai đoạn cấp, dẫn đến bệnh nhân rất dễ tử vong”.

Để chủ động phòng bệnh cho người cao tuổi, vừa qua, các địa phương nhất là các điểm nóng dịch như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội… đã ưu tiên tiêm vaccine COVID-19 cho người từ 65 tuổi trở lên tại các trung tâm y tế, các bệnh viện với tiêu chí an toàn đặt lên hàng đầu; được tiêm loại vaccine có chỉ định phù hợp.

TP Hồ Chí Minh triển khai “đi từng ngõ, gõ từng nhà” động viên người cao tuổi đi tiêm chủng phòng COVID-19.

Tại TP Hồ Chí Minh, công tác tiêm chủng cho người cao tuổi được bố trí tại các điểm tiêm phù hợp; nhân viên y tế “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để thông báo và động viên người cao tuổi đi tiêm chủng phòng COVID-19. Với đặc thù của người cao tuổi, hầu hết tại các điểm tiêm, những người già có bệnh nền được khám trước tiêm rất kỹ lưỡng. Những trường hợp đang được điều trị ổn mới được chỉ định tiêm. Trước tiêm, nhân viên y tế cũng phải hỏi kỹ lưỡng về tiền sử dị ứng thuốc và thức ăn, đồng thời nhân viên y tế cũng phải theo dõi chặt 30 phút sau tiêm.

 

“Quan tâm tới sức khỏe của người cao tuổi là một ưu tiên của chúng tôi; điều này thể hiện qua việc thực hiện tiêm chủng an toàn cho người cao tuổi. Bệnh viện đã có đủ phương tiện, máy móc hiện đại, đội ngũ tiêm được tập huấn rất kỹ nên bất cứ ai có phản ứng nặng sau tiêm, chúng tôi đều có đủ khả năng để xử lý tốt”, BS. Nguyễn Duy Tài, Phó Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, một điểm tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người cao tuổi chia sẻ.

 

Ngày cụ bà N.T.Đ, 92 tuổi, ở TP Hồ Chí Minh, xuất viện cũng là ngày vui nhất với các thầy thuốc Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai và gia đình. Đây cũng là bệnh nhân cao tuổi nhất được điều trị tại đây.

Con ngõ nhỏ đón từng bước chân của cụ bà 92 tuổi trở về sau hành trình dài vượt qua dịch bệnh.

 

Nhìn cụ bà tuổi cao vẫn khoẻ mạnh từng bước chân trên con ngõ nhỏ trở về nhà sau thời gian dài nằm điều trị COVID-19, con cháu cụ không khỏi ngưỡng mộ và xúc động, gửi từng hình ảnh cập nhật ngày cụ trở về nhà để “báo cáo” với các y bác sĩ.

Cụ bà N.T.Đ phát hiện mắc COVID-19 vào ngày 12/8, được theo dõi và điều trị tại nhà, nhưng tình trạng bệnh trở nặng, khó thở nhiều hơn, nên đã được chuyển tới Trung tâm Hồi sức tích cực của Bệnh viện Bạch Mai (TP Hồ Chí Minh) ngày 19/8. Bệnh nhân được hỗ trợ thở oxy mask, điều trị bằng thuốc kháng virus, corticoid, kháng sinh, dinh dưỡng.

Lực lượng y tế tuyến đầu nỗ lực mỗi ngày để giành lại sự sống cho người mắc COVID-19.

Là người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, BS. Hoàng Công Tùng chia sẻ: “Trong quá trình điều trị cho bệnh nhân, các y bác sỹ tại Trung tâm gặp rất nhiều khó khăn do bệnh nhân cao tuổi, lại có nhiều bệnh nền: Tăng huyết áp, đái tháo đường. Bệnh nhân xuất hiện rối loạn đường máu nặng do thuốc kèm theo lẫn, tiểu tiện không tự chủ do rối loạn cơ tròn. Rất may sau nhiều ngày nỗ lực điều trị, bệnh nhân hồi phục dần”.

Mới đây, cụ ông T.V.T, 83 tuổi, là một trong những bệnh nhân COVID-19 cao tuổi nhất tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 thuộc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tại TP Hồ Chí Minh, cũng chiến thắng COVID-19 sau hơn nửa tháng phải nằm điều trị tích cực.

 Bộ Y tế kịp thời đưa ra những hướng dẫn chăm sóc tại nhà người cao tuổi nhiễm COVID-19.

 

Mặc dù việc điều trị COVID-19 với người già thực sự khó khăn, nhưng nhờ nỗ lực của các y bác sĩ, hệ thống y tế nhiều bệnh nhân cao tuổi đã chiến thắng được COVID-19. Đặc biệt, cụ ông từng có thể trạng yếu, trước đó từng trải qua 1 cuộc phẫu thuật kèm nhiều bệnh lý nền như: Tăng huyết áp, đái tháo đường...

Theo BS. Hoàng Công Tùng, với bệnh nhân COVID-19 cao tuổi, nhiều bệnh nền, vấn đề điều trị, chăm sóc và chế độ dinh dưỡng cũng rất được các bác sỹ rất quan tâm. Bên cạnh đó, thấu hiểu khó khăn của người già khi không có người thân bên cạnh, các nhân viên công tác xã hội của Bệnh viện liên tục gọi điện để thông báo tình hình của bệnh nhân cho gia đình và còn kết nối Zalo để các con cháu có thể nhìn và trò chuyện với bệnh nhân.

Nhờ những nỗ lực của các y bác sĩ, hệ thống y tế nhiều bệnh nhân cao tuổi đã chiến thắng được COVID-19.

Các bác sĩ cũng chia sẻ, với điều trị cho người cao tuổi mắc COVID-19, hàng ngày ngoài việc chăm sóc cho bệnh nhân, các y bác sĩ còn dành thời gian động viên tinh thần để người bệnh sớm hồi phục sức khoẻ trở về bên gia đình.

Minh chứng là trong thời gian qua, rất nhiều người già mắc COVID-19 đã được chữa khỏi, đặc biệt là nhiều bệnh nhân rất nặng nguy kịch ở các bệnh viện tuyến cuối điều trị COVID-19 đã được cứu chữa thành công.

 

 

BS. Trần Thị Diễm Hằng, thuộc Mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” (do Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và Tổ thông tin Đáp ứng nhanh phòng, chống COVID-19 thành lập) cho biết: “Những người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) cần đặc biệt được chú ý bởi tuổi càng cao, nguy cơ mắc bệnh mức độ càng cao. Người cao tuổi và người chăm sóc cần biết, theo dõi để phòng, tránh nguy cơ diễn biến nặng và cần chuyển cấp cứu kịp thời tại bệnh viện trên địa bàn khi có các dấu hiệu cảnh báo khẩn cấp; thực hiện nếp sống sinh hoạt lành mạnh; có chế độ ăn dinh dưỡng (1.700-1.900 Kcal/ngày). Nếu như người bệnh ăn uống không đủ, cần uống thêm các loại sữa bổ sung dinh dưỡng. Người già cũng là đối tượng mắc nhiều bệnh lý nền; vì vậy cần thực hiện nghiêm ngặt chế độ dinh dưỡng bệnh lý và sử dụng thuốc đang điều trị bệnh sẵn có theo chỉ định của bác sĩ điều trị (không bỏ thuốc); kết hợp tăng cường luyện tập tại phòng cách ly, trên giường tùy theo điều kiện bằng các bài tập phục hồi chức năng, xoa bóp, hỗ trợ tập luyện để nâng cao sức khỏe”.

 

Tại Hà Nội, sau khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, từ đầu tháng 9/2021, Hà Nội cũng đã ưu tiên vaccine phòng COVID-19 cho người trên 65 tuổi, người mắc bệnh mạn tính. Tại các điểm tiêm, người cao tuổi được khám sàng lọc, đo huyết áp, chỉ định thuốc ngay tại chỗ, tiêm chủng đúng quy trình đảm bảo an toàn theo chỉ đạo của Thành phố.

Với những đặc điểm là nhóm rất dễ bị tổn thương trong đại dịch; bên cạnh việc có nguy cơ mắc bệnh và diễn biến nặng cao hơn; còn nhiều người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện chăm sóc sức khoẻ đầy đủ, nhất là ở những nơi phải giãn cách, cách ly phòng bệnh.

 

Trong giai đoạn dịch bệnh, nhiều hoạt động quan tâm, chăm sóc người cao tuổi cũng đã được đẩy mạnh góp phần hỗ trợ, động viên, giúp họ vượt qua khó khăn.

Vừa qua Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam đã có nhiều hoạt động thăm hỏi, hỗ trợ cho người cao tuổi gặp khó khăn ở các điểm nóng dịch như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, các tỉnh phía Nam…

Tại TP Hồ Chí Minh, các suất quà hỗ trợ được trao tại: Thành phố Thủ Đức (5 suất); các quận, huyện như: Củ Chi, Bình Chánh, Bình Thạnh, (mỗi đơn vị 3 suất); và 18 quận, huyện còn lại (mỗi đơn vị 2 suất). Các suất quà là tiền hỗ trợ được Ban Đại diện Hội Người cao tuổi TP Hồ Chí Minh trao bằng hình thức chuyển khoản đến từng cá nhân.

Tại Hà Nội, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam cũng đã trao 250 suất quà, mỗi suất trị giá 550 nghìn đồng cho những người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Đông Anh. Mới đây, Quỹ Chăm sóc và Phát huy vai trò Người cao tuổi Trung ương Hội Người cao tuổi cùng các nhà hảo tâm cũng trao 300 suất quà, mỗi suất (gồm gạo, mì tôm, thuốc) trị giá 550 nghìn đồng cho những người cao tuổi khó khăn trong đại dịch COVID-19 tại phường Ngọc Thụy (quận Long Biên), xã Hiền Giang (huyện Thường Tín).

 

Những món quà nhỏ nhưng là nguồn động viên tinh thần lớn lao đối với người cao tuổi nghèo, người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ, chung tay cùng người cao tuổi vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Tại các địa bàn, nhiều hoạt động thiết thực cũng được triển khai, quan tâm tới từng hoàn cảnh của người cao tuổi trong dịch bệnh.

 

Ông Đỗ Văn Vẻ, Phó chủ tịch Hội người cao tuổi phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết: “Đa số người cao tuổi trên địa bàn chúng tôi đều được con cháu quan tâm, chăm sóc đầy đủ; tuy nhiên vẫn có một số người có hoàn cảnh khó khăn, không có lương hưu, ốm đau bệnh tật, nằm lâu một chỗ… Chúng tôi phải rà soát từng trường hợp, lên danh sách để xin các suất quà hỗ trợ, động viên, thăm hỏi, cùng các tổ chức chính trị xã hội phối hợp động viên các cụ trong lúc căng thẳng dịch bệnh. Vừa qua chúng tôi đã xin được cho một số cụ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường các phần quà hiện vật như: Gạo mì tôm nước mắm... và các suất quà khoảng 500.000 đồng; các cụ đều cảm thấy rất phấn khởi vì được quan tâm kịp thời”.

Cũng theo ông Đỗ Văn Vẻ, đứng trước dịch bệnh, ngoài động viên các hội viên thực hiện đầy đủ các chủ trương, làm gương, nhắc nhở con cháu trong thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng bệnh; Hội người cao tuổi của phường cũng lập danh sách những người trên 65 tuổi tại địa bàn để đề xuất ưu tiên tiêm chủng phòng COVID-19. Đồng thời Hội cũng có có vận động, tác động để đề nghị các gia đình đưa người già trong nhà đi tiêm chủng đúng lịch, đầy đủ.

Bên cạnh các hoạt động hỗ trợ trực tiếp trong dịch bệnh; thời gian qua nhiều hoạt động thiết thực trong việc chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi cũng đang vẫn được duy trì, đẩy mạnh trong bối cảnh dân số già hoá nhanh chóng.

 

Tại Hà Nội, trong năm 2021, Thành phố vẫn tiếp tục triển khai thực hiện Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017 - 2025; duy trì mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng của các quận, huyện, thị xã; tiếp tục hỗ trợ hoạt động của các câu lạc bộ người cao tuổi tự giúp nhau trên địa bàn.  

Sở Y tế Hà Nội đã tăng cường nâng cao năng lực cho hệ thống y tế cơ sở, bao gồm cả trạm y tế xã, phường, thị trấn trong thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi. Trong đó chú trọng chỉ đạo các trung tâm y tế thường xuyên tổ chức thực hiện chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại trạm y tế xã, phường, thị trấn với các hoạt động như: Khám, chữa bệnh cho người cao tuổi; lập hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cho người cao tuổi; tổ chức các hoạt động quản lý, tư vấn bệnh nhân cao tuổi mắc tăng huyết áp, đái tháo đường tại các trạm y tế. Lồng ghép với hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức về rèn luyện thân thể, tăng cường sức khỏe, dinh dưỡng để phòng bệnh, nhất là những bệnh thường gặp ở người cao tuổi.

Đồng thời, Hà Nội cũng duy trì các hoạt động của mạng lưới cộng tác viên dân số tham gia công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi như thực hiện chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại hộ gia đình được phân công; theo dõi, ghi chép tình hình sức khỏe của người cao tuổi được phụ trách; tập huấn nâng cao năng lực cho cộng tác viên dân số về kiến thức và kỹ năng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Những hoạt động này góp phần nâng cao vị thế người cao tuổi, trách nhiệm các tổ chức và cộng đồng đối với người cao tuổi.

 

Theo Bộ Y tế, Chính phủ và ngành Y tế luôn coi người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính là đối tượng ưu tiên trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Vì vậy, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có Hướng dẫn chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính ở tuyến y tế cơ sở trong bối cảnh dịch COVID-19. Hướng dẫn nhằm giúp cán bộ y tế cơ sở phối hợp với chính quyền và các ban ngành đoàn thể địa phương, y tế tuyến trên, các cơ sở nuôi dưỡng và chăm sóc người cao tuổi và các hộ gia đình trong việc quản lý, chăm sóc sức khỏe, dự phòng lây nhiễm COVID-19 cho người cao tuổi và người mắc bệnh mạn tính tại cộng đồng trong bối cảnh phòng chống dịch COVID-19. Trong đó có hướng dẫn cụ thể về tuyên truyền phòng bệnh cho người cao tuổi, các biện pháp sự phòng nâng cao sức khoẻ cho người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính.

 

Đăc biệt, để triển khai quản lý điều trị bệnh nhân mắc bệnh mãn tính trong bối cảnh dịch bệnh, Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở y tế dự trù và bảo đảm đủ thuốc cho nhu cầu điều trị của bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính trên địa bàn, kể cả những bệnh nhân do tuyến trên chuyển về, bệnh nhân có và không có bảo hiểm y tế.

Người nhà của bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính có thể đến nhận thuốc tại trạm y tế với thời gian tối đa không qua 3 tháng/đợt; thực hiện cấp phát thuốc tại nhà cho các trường hợp không có người đến nhận thuốc tại trạm y tế.

 

Đồng thời y tế cơ sở triển khai thăm khám sức khoẻ, đánh giá kết quả điều trị định kỳ tại nhà phù hợp với nhu cầu bệnh tật để bảo đảm quản lý điều trị có hiệu quả trong bối cảnh phòng chống dịch. Y tế cơ sở cũng phát hiện và xử trí kịp thời các tình huống phát sinh; thực hiện hội chẩn, tư vấn chuyên môn với y tế tuyến trên khi cần. Cho phép chuyển bệnh nhân vượt tuyến theo nhu cầu bệnh tật, sau khi tư vấn chuyên môn với y tế tuyến trên…

 

Để phòng dịch COVID-19 đối với người cao tuổi, Ths.BS Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị khuyến cáo: “Trong mùa dịch, quan trọng nhất là người cao tuổi cần phải nâng cao thể trạng, tuân thủ việc điều trị bệnh mạn tính hiện có theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Đặc biệt, với những người mắc bệnh tăng huyết áp, tim mạch, đái tháo đường nên kiểm soát tốt huyết áp, đường máu, duy trì ổn định bệnh lý tim mạch... Bên cạnh đó, người già cần chú ý ăn đủ chất và tránh áp dụng chế độ ăn kiêng quá ngặt nghèo, vì sẽ làm cho cơ thể thiếu chất gây suy yếu hệ miễn dịch; bổ sung đủ nước hằng ngày; bảo đảm môi trường sinh hoạt trong gia đình nên thông thoáng, thường xuyên mở cửa sổ, tránh sử dụng điều hòa…”

Theo các chuyên gia, với người già, việc động viên, đồng hành trong dịch bệnh cũng rất quan trọng. Dịch COVID-19 là cú sốc tâm lý rất lớn đối với những người cao tuổi. Đặc biệt, trong thời gian qua, thông tin về các ca tử vong chủ yếu là người có tuổi, có bệnh nền càng khiến họ cảm thấy lo lắng, bất an hơn. Thêm vào đó, do ảnh hưởng của dịch nên người cao tuổi chỉ ở trong nhà, không giao lưu với bên ngoài, ít vận động… thậm chí cả điều kiện kinh tế eo hẹp cũng đã tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của người cao tuổi.  

Người cao tuổi là đối tượng ưu tiên trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Theo PGS.TS Tô Thanh Phương, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần trung ương I, trong mùa dịch, thay vì ngồi xem ti vi quá nhiều, người cao tuổi cần tìm đến những thú vui nhỏ, như: Tập thể dục tại nhà, chăm cây, nuôi cá… Con cái, người nhà cần hạn chế kể về những khó khăn, các thông tin tiêu cực liên quan tới dịch bệnh, tránh lo sợ thái quá. Khi thấy người già xuất hiện những biểu hiện khác thường, thay đổi tâm lý, nhất là có các dấu hiệu mất ngủ, chán nản, kém ăn… cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để điều trị kịp thời, tránh kéo dài khiến bệnh nặng, khó điều trị.

 

Bài: Tạ Nguyên
Ảnh, clip: TTXVN, Bộ Y tế, Nhóm phóng viên báo Tin tức. Đồ họa: TTXVN
Trình bày: Tuệ Thy

 

01/10/2021 09:44