Hiện nay, hàng trăm nông hộ có diện tích cà phê lớn cho thu hoạch từ 5 ha trở lên ở các vùng trọng điểm cà phê như Cư M’gar, Krông Pắk, Krông Búk, Ea H’Leo đã mạnh dạn đầu tư vốn mua sắm các loại máy sơ chế cà phê nhân theo công nghệ ướt, công nghệ khô. Các nông hộ cũng đã đầu tư hàng trăm triệu đồng tu bổ, xây dựng mới hàng chục ngàn mét vuông sân phơi, nhà kho nhằm hạn chế phơi cà phê quả tươi trên sân đất, đồng thời mua thêm hàng trăm ngàn chiếc bao bì, bạt mới… Các nông hộ cũng đã tu bổ lại hệ thống giao thông nông thôn, nhất là các tuyến đường nội bộ, đường bờ lô, sửa chữa lại hàng trăm phương tiện vận chuyển, rơ moóc… nhằm phục vụ tốt yêu cầu thu hoạch cà phê niên vụ mới.
Ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã hướng dẫn các nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê tăng cường bảo vệ để vườn cây đạt tỷ lệ quả chín từ 90% trở lên mới đưa vào thu hoạch đại trà, quy trình thu hái, sơ chế, phơi sấy, nhất là sau khi thu hái không được dồn đống, ủ cà phê quả tươi. Việc làm này không những gây thất thoát lớn sau thu hoạch mà còn giảm chất lượng cà phê nhân, thiệt hại lớn cho các nông hộ.
Các doanh nghiệp cũng đã đầu tư tu bổ, sửa chữa 39 cơ sở sơ chế, trong đó có 16 dây chuyền chế biến công nghệ ướt, 23 dây chuyền chế biến công nghệ khô, với tổng công suất 549.030 tấn cà phê nhân/năm, đồng thời kiểm tra lại hệ thống xử lý nước thải nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn.
Tỉnh Đắk Lắk có trên 204.000 ha cà phê, trong đó có gần 193.000 ha cà phê kinh doanh cho thu hoạch, với sản lượng ướt đạt trên 453.000 tấn cà phê nhân. Đây là địa phương có diện tích, sản lượng cà phê nhân nhiều nhất cả nước.