Thị trường khởi sắc nhưng doanh nghiệp vẫn khó có lãi

Vượt qua nhiều khó khăn trong năm 2021, cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu có tâm thế vững vàng và đặt nhiều kỳ vọng trong năm 2022 khi số lượng đơn hàng gia tăng.

Tuy nhiên, chi phí sản xuất và logistics không ngừng tăng lên đang “bào mòn” lợi nhuận của doanh nghiệp.

Tín hiệu vui về xuất khẩu

Chú thích ảnh
Sản xuất hàng may mặc tại Công ty Cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu May Phương Nam (quận Gò Vấp). Ảnh minh họa: Thanh Vũ/TTXVN

Sau 3 tháng “bình thường mới” với việc nỗ lực phục hồi sản xuất, nhiều ngành ghi nhận tín hiệu tích cực từ thị trường khi có được nhiều đơn hàng xuất khẩu ngay từ đầu năm, một số doanh nghiệp đã có đơn hàng đến giữa năm.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Đồng Quản trị Công ty Cổ phần May Sài Gòn 3, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP Hồ Chí Minh thông tin, trong năm 2021, dù có thời gian các doanh nghiệp phía Nam bị gián đoạn sản xuất, phải dịch chuyển một số đơn hàng ra phía Bắc nhưng cơ bản vẫn đáp ứng được đơn hàng cho khách. Nhờ khả năng thích ứng linh hoạt nên dệt may Việt Nam vẫn được các đối tác đánh giá cao và tiếp tục ký các đơn hàng mới ngay khi sản xuất được khôi phục.

Ngay từ tháng 1 các doanh nghiệp dệt may đều đã có đơn hàng đến hết quý I, nhiều doanh nghiệp đã có đơn đến giữa năm và thỏa thuận với khách hàng kế hoạch sản xuất, cung ứng cho cả năm 2022. Với số lượng đơn hàng hiện có thì khả năng tăng trưởng dệt may năm 2022 sẽ ở mức trên 10% so với năm 2021, đạt mức từ 42 - 43 tỷ USD.

Riêng với Công ty Cổ phần May Sài Gòn 3, dự kiến doanh thu đạt khoảng 75 triệu USD, tăng khoảng 30% so với năm 2021. Mỹ và Nhật Bản vẫn là hai thị trường lớn nhất có đơn hàng ổn định và gia tăng.

Tương tự, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Việt Thắng Jean cho biết, là công ty có sản phẩm đặc trưng, sử dụng công nghệ cao nên số đơn hàng khá ổn định. Hiện nay, công ty đã có đơn hàng đến hết quý II/2022 và đang tập trung mở rộng sản xuất để tăng sản lượng xuất khẩu. Nếu duy trì được nhịp độ sản xuất như hiện nay thì năm 2022 khả năng tăng trưởng của công ty sẽ cao hơn năm 2021 trên 15%.

Với ngành nhựa tiêu dùng, ông Trần Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn cho hay, trong hơn 3 tháng sản xuất “3 tại chỗ” chỉ có khoảng từ 20-30% số doanh nghiệp duy trì sản xuất nhưng sản lượng cũng rất thấp, lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp trước đó đã được tiêu thụ hết trong khi nhu cầu tiêu dùng đang tăng. Chính vì vậy, khi khôi phục sản xuất trở lại hầu hết doanh nghiệp có đầu ra tốt.

Đầu năm 2022, Công ty Nam Thái Sơn đã có đơn hàng xuất khẩu liên tục, đáng chú ý nhất là đơn hàng khoảng 4.000 tấn đi thị trường châu Âu, với trị giá hơn 8 triệu USD. Ngoài ra, đơn hàng từ thị trường Mỹ cũng tăng rất nhiều. Điều này xuất phát từ việc ngành sản xuất tại Mỹ đang bị ảnh hưởng do số ca nhiễm COVID-19 tăng trở lại. Trong khi đó Trung Quốc là nhà cung cấp sản phẩm nhựa lớn cho thị trường Mỹ cũng giảm sản lượng nên đơn hàng đổ về Việt Nam.

Ở nhóm nông sản, xuất khẩu điều được dự báo tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm 2022 sau khi đã lập hai kỷ lục cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu trong năm 2021.

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, một trong những thị trường có dư địa tăng trưởng cao của hạt điều là EU, với sản lượng xuất khẩu tăng khoảng 15%, giá trị tăng khoảng 10%. Nhận định trên dựa trên yếu tố cung - cầu, giá xuất khẩu có xu hướng phục hồi từ cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Việt Nam hiện là nhà cung cấp hạt điều lớn nhất cho EU và Hiệp định EVFTA có hiệu lực đưa thuế nhập khẩu hạt điều chế biến từ Việt Nam vào EU về 0%. Đây là lợi thế giúp ngành điều Việt Nam gia tăng xuất khẩu vào EU và mở rộng thêm thị phần tại không chỉ tại thị trường chính mà ngay cả đối với các thị trường ngách.

Chi phí logistics “ăn mòn” lợi nhuận

Chú thích ảnh
Chế biến thủy sản tại Công ty Cổ phần Gò Đàng (AGD) tại Khu công nghiệp Mỹ Tho (Tiền Giang). Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản chia sẻ đang “đau đầu” vì đơn hàng xuất khẩu nhiều nhưng cước vận chuyển liên tục lập đỉnh mới. Cụ thể, cước vận tải biển đi Mỹ từ mức 3.000USD/container trước dịch COVID-19 hiện nay đã lên từ 13.000-14.000USD/container đi bờ Tây, còn đi bờ Đông là 17.000USD/container. Cước tàu đi châu Âu giao động từ 12.000-14.000USD/container. Tương tự, cước tàu đi Trung Đông hiện đã ở mức từ 10.000 – 11.000USD/container.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải chịu thêm hàng loạt phụ phí như phí xếp dỡ hàng, lưu kho, nhiên liệu sạch, cân bằng container…Thời gian vận chuyển cũng tăng trung bình 15-20 ngày so với trước đây, nhiều đơn hàng giao cho khách còn chậm tới 2 - 3 tháng khiến chất lượng giảm và thời gian sử dụng bị rút ngắn.

Ông Trương Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn (APT) cho biết: Chi phí đầu vào từ nguyên liệu, phụ liệu, bao bì đều tăng, cộng với chi phí logistics đường biển neo ở mức cao đang là thách thức lớn nhất của hầu hết doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hiện nay. Trước đây khi chi phí sản xuất bình ổn, doanh nghiệp thực phẩm có thể đạt lợi nhuận từ 7-10% là khá tốt nhưng hiện tại với việc chi phí đồng loạt tăng thì doanh nghiệp hầu như không có lợi nhuận.

Theo ông Trương Tiến Dũng, dù chi phí tăng nhưng doanh nghiệp thực phẩm khó nâng giá bán do đã ký hợp đồng xuất khẩu từ trước và giữ bình ổn giá cho sản phẩm tiêu dùng trong nước. Các doanh nghiệp đang cố gắng duy trì sản xuất để tạo việc làm cho người lao động và các khách hàng quan trọng nhưng hầu hết không có lợi nhuận, thậm chí nếu sản xuất nhiều có thể phải bù lỗ.

Trong khi đó, ông Trần Việt Anh chia sẻ, các doanh nghiệp hiện nay dù chạy hết công suất cũng không đủ hàng để giao nhưng thực tế chỉ sản xuất được khoảng 60% do thiếu lao động và nguyên liệu về chậm.

“Cước vận chuyển tăng liên tục trong gần 2 năm qua cộng với tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng do thiếu hụt container, tắc nghẽn cảng biển khiến nguyên liệu về Việt Nam bị chậm. Bản thân giá nguyên liệu cũng tăng từ 30-40% dẫn đến chi phí sản xuất bị đội lên cao.

Trong khi đó, giá bán hầu như không thay đổi khiến nhiều doanh nghiệp điều chỉnh nhịp độ sản xuất chậm lại để chờ giá nguyên liệu, cước vận chuyển “hạ nhiệt” có thể sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng chung.”, ông Trần Việt Anh nêu tình trạng chung.

Cùng quan điểm, ông Phạm Xuân Hồng cho biết, chi phí nguyên vật liệu, chi phí logistics đều tăng ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh về giá của dệt may Việt Nam. Giá thành sản xuất tăng nhưng việc đàm phán tăng giá bán hiện nay sẽ rất khó, nhất là trong bối cảnh người tiêu dùng toàn cầu đều bị ảnh hưởng thu nhập sau 2 năm đại dịch, dù nhu cầu mua sắm vẫn cao.

Theo ông Phạm Xuân Hồng, hầu hết doanh nghiệp đều phấn đấu ổn định sản xuất sau thời gian bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19, tạo việc làm và chăm lo cho người lao động đang là ưu tiên hàng đầu, lợi nhuận phải xếp sau. Do đó, doanh nghiệp chấp nhận lợi nhuận thấp, có thể hòa vốn ở thời điểm hiện nay để duy trì khả năng cạnh tranh và chờ thời điểm thích hợp mới điều chỉnh giá bán cho hợp lý.

Xuân Anh (TTXVN)
Rau cần Hoàng Lương hướng tới thị trường xuất khẩu
Rau cần Hoàng Lương hướng tới thị trường xuất khẩu

Rau cần Hoàng Lương ở xã Hoàng Lương (Hiệp Hòa, Bắc Giang) lâu nay đã nổi tiếng với chất lượng sạch, an toàn, có vị ngọt, giòn… đã được Cục sở hữu trí tuệ (Bộ khoa học & Công nghệ) cấp giấy chứng nhận "Chỉ dẫn địa lý" cho thương hiệu "Rau cần Hoàng Lương" năm 2014.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN