Khi ổ dịch tả lợn châu Phi tại TP Hồ Chí Minh xuất hiện đầu tiên tại quận 9, UBND TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu UBND quận 9 phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y triển khai tình huống ứng phó khẩn cấp với dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Đó là xử lý tiêu hủy lợn bệnh và lợn tiếp xúc mầm bệnh; khoanh vùng ổ dịch; thực hiện an toàn sinh học trong chăn nuôi; kiểm soát vận chuyển lợn và sản phẩm thịt lợn; giám sát và cảnh báo dịch bệnh.
Đại diện UBND quận 9 cho biết, ngoài việc bao vây ổ dịch tại hẻm 1019 phường Phú Hữu trong bán kính 3km, lực lượng chức năng cũng đã cấp thuốc sát trùng cho các hộ nuôi lợn để tiêu độc khử trùng. Quận 9 cũng đã tăng cường chốt chặn các cửa ngõ để ngăn lợn ngoại tỉnh xâm nhập vào thành phố cũng như lợn từ trong quận xuất ra cho các hộ nuôi lợn. Các chốt chặn này sẽ hoạt động 24/24 giờ cho đến khi hết dịch.
UBND TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các quận, huyện chưa có dịch cần triển khai rà soát, kiểm tra tình hình dịch bệnh trên địa bàn; kịp thời phát hiện ổ dịch để triển khai các biện pháp cách ly, khu trú, bao vây xử lý nhanh, khống chế ổ dịch; ngăn chặn việc đưa lợn bệnh, sản phẩm lợn ra khỏi vùng có dịch để tiêu thụ, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Tiếp tục thông tin, tuyên truyền khuyến cáo cơ sở, các trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học; tiêu độc, sát trùng vệ sinh thú y trong chăn nuôi; phải đảm bảo thông tin hướng dẫn phòng bệnh đến với toàn bộ người chăn nuôi và được áp dụng nghiêm ngặt.
Từ nguồn gốc lây lan dịch tả lợn châu Phi ở nhiều địa phương trong cả nước cho thấy việc sử dụng thức ăn thừa, con người và phương tiện vận chuyển mang mầm bệnh là các nguyên nhân phổ biến. Do đó, UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị UBND các quận, huyện khuyến cáo hộ chăn nuôi không sử dụng thức ăn thừa để nuôi lợn; ngưng toàn bộ hoạt động thăm viếng đối với người bên ngoài vào trại chăn nuôi; yêu cầu thương lái đến mua lợn phải thay ủng, toàn bộ phương tiện để bên ngoài và được tiêu độc, khử trùng kỹ lưỡng. Lợn được chủ hộ đưa ra ngoài xuất bán, không nên để người lạ vào khu vực chăn nuôi.
UBND TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với Ban Quản lý An toàn thực phẩm lấy mẫu giám sát chủ động bệnh dịch tả lợn châu Phi tại các trạm đầu mối giao thông, chợ đầu mối, chợ truyền thống, cơ sở giết mổ; giám sát thịt, sản phẩm thịt từ các tỉnh đưa vào thành phố. Tăng cường phối hợp với UBND các quận, huyện giám sát chặt chẽ tình hình chăn nuôi trên địa bàn; hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học, tiêu độc sát trùng tại các cơ sở chăn nuôi lợn. Phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành về phòng, chống dịch động vật của thành phố tăng mật độ kiểm tra, giám sát tình hình vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tại các cửa ngõ ra vào thành phố; tiếp tục phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y các tỉnh trong việc kiểm soát nguồn lợn an toàn đưa về thành phố tiêu thụ.
Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh bố trí đầy đủ lực lượng tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành chốt chặn 24/24. Tuyên truyền vận động các nhà hàng, quán ăn cam kết không sử dụng thịt lợn, phủ tạng lợn không rõ nguồn gốc để chế biến thực phẩm; đồng thời tăng cường kiểm tra nguồn thịt lợn tại các chợ đầu mối; phối hợp với UBND quận, huyện tăng cường kiểm tra các khu vực chợ truyền thống, chợ tự phát nhằm chủ động quản lý chặt chẽ nguồn động vật, sản phẩm động vật từ các tỉnh đưa về thành phố tiêu thụ. Phối hợp Chi cục Chăn nuôi và Thú y triển khai lấy mẫu xét nghiệm, giám sát chủ động bệnh dịch tả lợn châu Phi tại các chợ đầu mối nông sản tại thành phố.
UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã chỉ đạo Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị TP Hồ Chí Minh triển khai phương án tiếp nhận và xử lý lợn bệnh, chuẩn bị vị trí chôn lắp tại công trường Phước Hiệp (huyện Củ Chi) để kịp thời phối hợp với các đơn vị liên quan, đặc biệt trong các trường hợp phát hiện lợn bệnh với quy mô lớn.