Ông Ngô Đức Thạnh cho biết, theo chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Đồng Văn Lâm, ngành nông nghiệp tỉnh và cán bộ xã, khóm, ấp, bám sát địa bàn tuyên truyền, vận động hộ chăn nuôi lợn phun thuốc sát trùng và thực hiện phòng ngừa dịch tả lợn châu Phi. Các chốt kiểm dịch tại cửa ngõ ra vào tỉnh trên đường bộ, đường thủy được kiểm tra, giám sát 24/24 giờ.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh xuất nguồn kinh phí sự nghiệp gần 100 triệu đồng mua 9 máy bắt, giết lợn tự động, trang bị cho 9 huyện, thị xã và thành phố xử lý ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Tại Sóc Trăng: Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng, đơn vị đã tiêu hủy 44,1 tấn thịt lợn nhiễm dịch tả châu Phi. Hiện dịch tả lợn châu Phi đã lan rộng ra 6 huyện là Thạnh Trị, Châu Thành, Mỹ Xuyên, Cù Lao Dung, Trần Đề, Kế Sách và thành phố Sóc Trăng, trên tổng số 692 con của 40 hộ chăn nuôi lợn.
Để thực hiện tiêu hủy số lợn nhiễm dịch tả châu Phi nói trên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng đã sử dụng 225 lít hoá chất và 3.850 kg vôi bột để tiêu độc, khử trùng xung quanh khu vực có lợn nhiễm bệnh, trong vòng bán kính 1 km.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng đã phối hợp với Chi cục thú y Vùng 7 thực hiện công bố dịch tả lợn châu Phi đối với các địa phương thị trấn Mỹ Xuyên và xã Thạnh Phú theo Quyết định 2095/QĐ-UNND, ngày 6/6/2019, thị trấn Trần Đề và xã Trung Bình theo Quyết định 1742/QĐ-UBND, ban hành ngày 5/6/2019; xã Xuân Hoà, xã Đại Ngãi, huyện Kế Sách theo Quyết định 602/QĐ-UBND, ban hành ngày 10/6/2019.
Tất cả các hộ chăn nuôi lợn có lợn nhiễm dịch tả châu Phi bị tiêu hủy sẽ được hỗ trợ với giá 38.000 đồng/kg.
Trong cuối giờ chiều 12/6, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng tiếp tục tiêu hủy 28 con lợn mới được xác định dương tính với vi rút dịch tả châu Phi, ông Lâm Minh Hoàng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng cho biết thêm.
Tại Quảng Ngãi: Đến thời điểm này, tỉnh Quảng Ngãi xuất hiện 3 ổ dịch tả lợn châu Phi. Số lợn bị nhiễm bệnh trên 100 con. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh họp khẩn, công bố Quyết định số 772 ngày 6/6/2019 của UBND tỉnh về việc thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.
Sở Nông nghiệp đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì, phối hợp sở, ngành liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thông báo giá lợn hơi tại thời điểm xảy ra dịch để Ủy ban nhân dân các huyện có cơ sở đề xuất hỗ trợ hộ chăn nuôi khi có dịch.
Quy định về chế độ tài chính, phòng, chống dịch cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh đối với định mức phụ cấp khử trùng, tiêu độc chống dịch được sửa đổi, bổ sung.
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi có công văn đề nghị sở, ngành, huyện, thành phố huy động hệ thống chính trị vào cuộc, quyết liệt chỉ đạo, điều hành phòng, chống, dập dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi với phương châm “phòng, chống dịch như chống giặc”, “phòng là chính, cơ sở và người dân là chính”.
Hệ thống thú y các cấp được kiện toàn, củng cố theo đúng quy định, tăng năng lực hệ thống thú y, đảm bảo thực thi nhiệm vụ, chủ động tham mưu chính quyền cơ sở; tổ chức giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý lợn bệnh; tổ chức kiểm soát vận chuyển, kiểm soát giết mổ lợn theo đúng quy định.
Ngoài ra, tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh, sát trùng phòng dịch, không sử dụng thức ăn dư thừa để cho lợn ăn. Các trang trại, hộ chăn nuôi lớn không chủ quan, tăng cường hơn nữa các biện pháp an toàn sinh học để bảo vệ đàn lợn đặc biệt đàn giống để tái đàn sau khi hết dịch.
Theo thống kê sơ bộ, đến nay, cả nước đã có 55 tỉnh, thành phố bị dịch tả lợn châu Phi.