Tại TP Hồ Chí Minh: Ngày 12/6, Ban quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh đã gửi công văn tới các UBND các quận, huyện đề nghị tăng cường các biện pháp khẩn cấp trong công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn; trong đó, nhấn mạnh các quận, huyện cần triển khai ngay việc tuyên truyền, vận động người tiêu dùng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sơ chế, nhà hàng, quán ăn thực hiện cam kết không vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ thịt lợn, sản phẩm thịt lợn không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch.
Ban quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh yêu cầu đội quản lý an toàn thực phẩm liên quận/huyện tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình kinh doanh thịt lợn tại các chợ truyền thống, chợ tự phát, chợ tạm nhằm quản lý chặt chẽ nguồn lợn, thịt lợn t từ các tỉnh đưa về thành phố tiêu thụ.
Song song đó, Ban quản lý an toàn thực phẩm thành phố yêu cầu Ban quản lý các chợ chủ động tuyên truyền vận động tiểu thương chỉ kinh doanh sản phẩm thịt lợn đã qua kiểm dịch đúng quy định, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, kinh doanh lợn, thịt lợn không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.
Theo ông Lê Minh Hải, Phó trưởng ban Ban quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, mặc dù, ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên ở quận 9 đã được xử lý tiêu hủy ngay khi xác định nhiễm bệnh nhưng nguy cơ phát sinh ổ dịch mới là rất cao. Chính vì vậy, biện pháp phòng chống khẩn cấp hiện nay không chỉ là khống chế dịch bệnh lây lan ở vùng bị uy hiếp mà còn nhằm bảo vệ các hộ chăn nuôi, trang trại lợn giống khác trên địa bàn.
Tại Bạc Liêu: Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương quyết liệt trong việc khống chế dịch bệnh lây lan theo hai hướng.
Theo đó, đối với địa phương đang có dịch, ngoài thực hiện các các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên, tỉnh tập trung thực hiện một số giải pháp như: xử lý ổ dịch, giám sát chặt chẽ dịch bệnh đến từng hộ chăn nuôi, nếu phát hiện lợn có triệu chứng bệnh dịch thì tổ chức tiêu hủy kịp thời. Đồng thời, khoanh vùng dịch, xác định vùng uy hiếp, vùng nguy cơ cao để có giải pháp phòng, chống cụ thể…
Đối với các địa phương chưa có dịch, các ngành chức năng thống kê nắm tổng đàn heo thực tế tại địa phương, giám sát chặt chẽ dịch bệnh. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân, người chăn nuôi về phòng, chống dịch bệnh; hướng dẫn thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học; thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi; khuyến cáo trong thời gian có dịch không tái đàn để giảm thiệt hại cho người chăn nuôi.
Tỉnh cũng chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra liên ngành cấp huyện và thành lập các chốt kiểm dịch động vật ở đầu mối giao thông từ các tỉnh lân cận nhập lợn vào địa bàn và từ vùng có dịch bệnh sang, để kiểm tra việc vận chuyển, mua bán, lò giết mổ lợn và sản phẩm lợn trên địa bàn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật…
Tính đến 12/6, trên địa bàn có 46 hộ; 24 khóm, ấp thuộc 12 xã, phường, thị trấn của 3 huyện Vĩnh Lợi, Hòa Bình và thành phố Bạc Liêu có lợn bệnh chết dịch tả lợn châu Phi, với tổng số lợn bệnh, chết và tiêu hủy trên 850 con.
Tại Bình Thuận: Tính đến 12/6, Bình Thuận có 3 địa phương là huyện Tánh Linh, Đức Linh và thị xã La Gi công bố dịch tả lợn châu Phi.
Thông tin từ Cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bình Thuận, đến cuối ngày 11/6, tỉnh tiêu hủy 865 con lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi; trong đó, lợn nái sinh sản là 345 con. Số lượng lớn bị tiêu hủy nhiều nhất tại xã Đức Chính, huyện Đức Linh với 805 con. Địa phương sử dụng biện pháp chôn lấp để tiêu hủy lợn.
Việc kiểm tra, kiểm soát và giám sát vùng dịch triển khai quyết liệt tại ba địa phương xảy ra dịch. Số lượng chốt kiểm soát, tiêu độc khử trùng được thành lập là 24 tại hộ chăn nuôi, nơi công cộng, vùng giáp ranh vùng dịch. Các địa phương rải vôi, phun tiêu độc khử trùng môi trường toàn xã 1 lần/ngày tại các vùng dịch. Chính quyền địa phương thông báo và tạm ngưng hoạt động ở các hộ giết mổ, hoạt động kinh doanh, buôn bán lẻ thịt lợn và sản phẩm lợn tại các trục đường trên địa bàn xã nằm trong vùng dịch.
Hiện, tổng đàn lợn của Bình Thuận có trên 289.000 con. Tỉnh có 66 trang trại và trên 10.000 hộ chăn nuôi; trong đó, 8 cơ sở được công nhận an toàn dịch bệnh động vật.
Tại Gia Lai: Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Gia Lai, tính đến ngày 10/6, trên địa bàn tỉnh đã có 3 huyện ghi nhận trường hợp lợn dương tính với dịch tả lợn châu Phi, buộc tiêu hủy trên 1.000 con, tổng khối lượng gần 24 tấn. Đáng chú ý, tốc độ lây lan bệnh đang diễn ra nhanh và có chiều hướng phức tạp, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Gia Lai đang phối hợp với các địa phương đề ra phương án chuẩn bị cho các tình huống và ngăn ngừa lây bệnh sang các địa phương khác.
Các vùng có dịch trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã sử dụng trên 500 lít hóa chất Benkocid và hơn 30 tấn vôi bột để phun, rắc quanh các khu vực có dịch. Bên cạnh đó, thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc mỗi ngày một lần trong vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp. Ngoài ra, các huyện lân cận cũng tăng cường công tác phòng, chống dịch lây lan, đặc biệt tại các xã giáp ranh.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng thành lập hai chốt kiểm dịch tại xã Ia Le và thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh và UBND các huyện xuất hiện dịch cũng thành lập 14 chốt chặn kiểm soát dịch bệnh tạm thời để ngăn chặn dịch lây lan.
Tại Hà Tĩnh: Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Tĩnh, tính đến sáng 12/6, trên địa bàn tỉnh này đã có 11 xã, thị trấn của hai huyện Cẩm Xuyên và Lộc Hà có lợn ốm chết vì dịch tả lợn châu Phi, buộc phải tiêu hủy 138 con với trọng lượng trên 7.000 kg.
Nhằm khống chế và ngăn chặn, không cho dịch lây lan trên diện rộng, sáng 12/6, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cũng đã tổ chức hội nghị trực tuyến nhằm bổ cứu cấp bách các nhiệm vụ, biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn toàn tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh này cũng đã ban hành nhiều công điện, chỉ thị và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như: cấp gần 10.000 lít hóa chất để tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, phát 1.000 sổ tay chỉ đạo phòng, chống dịch và 15.000 tờ rơi trực tiếp cho người chăn nuôi; đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi về tính chết nguy hiểm, các dấu hiệu nhận biết của dịch bệnh để chủ động phòng chống dịch bệnh.
Theo thống kê sơ bộ, hiện cả nước có 55 tỉnh, thành phố xuất hiện dịch tả lợn châu Phi với số lợn tiêu hủy trên 2,3 triệu con.