Thách thức kết nối doanh nghiệp với khách hàng

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam vẫn gặp khó và việc thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trở thành xu thế tất yếu của mọi doanh nghiệp. TS. Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam) cho rằng, để đảm bảo cam kết của Thủ tướng Chính phủ về Net Zero vào năm 2050, Việt Nam còn rất nhiều việc cần phải làm.

Chú thích ảnh
Dây chuyền đóng bao gạo xuất khẩu tại nhà máy của Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ). Ảnh tư liệu: Vũ Sinh/TTXVN

Theo đó, trước tiên chuyển tải được những khái niệm, cũng như tính cấp bách của thông điệp chuyển đổi xanh. Qua đó, giúp nâng cao nhận thức và để chuyển biến thành hành động cụ thể của các doanh nghiệp.

Hiện nay, với tổng số gần 900 nghìn doanh nghiệp hiện có tại Việt Nam với số lượng xấp xỉ 150 nghìn doanh nghiệp thành lập mới mỗi năm và số vốn đăng ký xấp xỉ 1.500 nghìn tỷ đồng đã cho thấy, doanh nghiệp thực sự trở thành lực lượng tiên phong trên con đường chuyển đổi xanh của đất nước.

TS Phạm Phú Ngọc Trai nhấn mạnh: "“Hành trình vẫn còn xa và nhiều thách thức, nhưng việc chuyển đổi để hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh chính là mục tiêu quan trọng mà Việt Nam cần phải thực thi trong những năm tới đây”. 

Qua thực tiễn rà soát, ghi nhận và tổng hợp ý kiến từ nhiều doanh nghiệp thành viên của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Phạm Hoàng Hải, Phụ trách Quan hệ đối tác, Ban Thư ký Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD) trực thuộc VCCI cho hay, những cải tiến và trình độ phát triển của khoa học kỹ thuật như công nghệ số, công nghệ chế tạo và các giải pháp tổng hợp đang tạo động lực mạnh mẽ cho sự chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn. Vai trò của doanh nghiệp trong thực hiện kinh tế tuần hoàn là thay đổi cách thức tạo ra sản phẩm, kiến tạo thị trường và kiến nghị chính sách.

Tuy nhiên, thực tế các doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình kết nối với khách hàng và với doanh nghiệp khác. Cụ thể là thách thức về quy định, khuôn khổ pháp lý liên quan đến quản lý chất thải, tái sản xuất và kiểm định chất lượng sản phẩm; nguồn vốn và hỗ trợ tài chính; cơ chế ứng dụng những công nghệ mới mang tính đột phá được sáng tạo bởi doanh nghiệp, nhằm bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Để triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, doanh nghiệp hiện nay phản ánh cần có khuôn khổ pháp lý hỗ trợ hoạt động thiết kế sinh thái cũng như trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất đối với quản lý chất thải và vật liệu thứ cấp. Các phương pháp tiếp cận mới về chính sách thuế, mua sắm, đầu tư công với yêu cầu ưu đãi cho các sản phẩm và dịch vụ áp dụng kinh tế tuần hoàn; cơ chế khuyến khích tiếp cận các ưu đãi tài chính và thực hiện lập, công bố báo cáo bền vững.

Ông David Riddle, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho biết, để kinh tế tuần hoàn đi vào đời sống là 1 quá trình có thể mất thời gian và đòi hỏi sự thay đổi tư duy trong nhiều thế hệ. Theo đó, cần có cách tiếp cận mới, thậm chí cần động lực có tính chất kinh tế để khuyến khích quá trình tái chế.

Là một trong những doanh nghiệp chủ trương chuyển đổi theo hướng xanh và bền vững từ rất sớm, ông Arghya Mandal, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần sữa TH bày tỏ, "chuyển đổi xanh" đã trở thành cấp thiết đối với các doanh nghiệp hiện nay. Đây là cơ hội lớn đối với những người biết "đón đầu" xu thế. Chỉ khi thực sự nghiêm túc đầu tư bài bản từ đầu, thì đương nhiên, thành quả đạt được sẽ là minh chứng cho sự lựa chọn đúng đắn. TH luôn kiên định với con đường đã chọn và quyết tâm cùng đồng hành và chung tay với Chính phủ biến cam kết Net Zero của Việt Nam thành hành động.

Với TH, ngay từ khi mới thành lập cho đến hôm nay, đã thường xuyên, liên tục thực hiện và mở rộng các sáng kiến thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Điều này bao gồm việc thực hiện đánh giá toàn diện các hoạt động vận hành của Tập đoàn TH để xác định đầy đủ nguồn phát thải CO2. Từ đó, thành lập đội ngũ chuyên nghiệp để tìm kiếm và tổ chức thực hiện các giải pháp thay đổi phù hợp.

Vượt qua rất nhiều khó khăn, TH đã đạt thành quả ở nhiều lĩnh vực như sản xuất năng lượng sạch; xử lý chất thải và nước thải; bảo tồn đa dạng sinh học; giảm thiểu phát thải, rác thải; tích cực thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) như tổ chức thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ và thu hồi năng lượng từ chất thải, thúc đẩy giải pháp tiêu dùng thân thiện với môi trường, lan tỏa và khuyến khích lối sống "xanh"...

Tuy nhiên, TH cũng mong đợi những chính sách mang tính đòn bẩy sẽ sớm được ban hành. Bởi đó sẽ vừa là cơ sở pháp lý để doanh nghiệp có căn cứ và các tiêu chuẩn cho mọi hành động cụ thể; cũng sẽ là những tín hiệu tích cực để cộng đồng thế giới nhìn thấy những hành động cụ thể và quyết liệt của Việt Nam trong cuộc đua hướng tới Net Zero.

Tập đoàn TH kỳ vọng sẽ truyền cảm hứng cũng như động lực để cộng đồng doanh nghiệp và người dân kiên định "cam kết đi đôi với hành động" trong bảo vệ môi trường vì một tương lai xanh cho đất nước, ông Arghya Mandal nhấn mạnh.

Ngọc Quỳnh (TTXVN)
Hướng tới mục tiêu net zero: Khoa học công nghệ là chìa khóa
Hướng tới mục tiêu net zero: Khoa học công nghệ là chìa khóa

Trước mục tiêu quốc gia được Thủ tướng Chính phủ đưa ra tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26), đến năm 2050, Việt Nam sẽ giảm phát thải khí nhà kính bằng 0, nhiều hành động thiết thực đã được Đảng, Nhà nước và Chính phủ đưa ra kịp thời với những nội dung sát yêu cầu đặt ra. Trong bối cảnh khoa học và công nghệ ngày càng có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực, trở thành động lực then chốt trong tăng trưởng kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ cũng chính là động lực, chìa khóa cho mục tiêu net zero của quốc gia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN