Phát biểu tại chương trình, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất của nhân loại trong thế kỷ XXI, gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu, nước biển dâng và các hiện tượng thời tiết cực đoan, đe dọa trực tiếp tới cuộc sống của con người, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã cam kết giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, ủng hộ những tuyên bố và sáng kiến quan trọng về bảo vệ rừng tại Hội nghị COP26; “Cam kết đi đôi với Hành động” tại COP27; đồng thời Việt Nam là quốc gia điển hình, tích cực hưởng ứng “Thập kỷ phục hồi Hệ sinh thái” do Liên Hợp quốc phát động…
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong quá trình thực hiện các cam kết, mục tiêu nói trên, cây và rừng đóng vai trò rất quan trọng, cây có thể lưu giữ và hấp thụ lượng lớn các-bon khỏi khí quyển. Theo số liệu trích dẫn của Viện Tài nguyên Thế giới, mỗi năm rừng hấp thụ 7,6 tỷ tấn các-bon.
Ở nước ta, theo thống kê, độ che phủ rừng đã tăng từ 28% vào năm 1990 và đến nay đã lên trên 42%. Hệ thống cây xanh đã hấp thụ được trên 70 triệu tấn các-bon. Đây là bằng chứng sinh động nhất cho thấy, Việt Nam là quốc gia tích cực, tham gia có trách nhiệm để góp phần thực thi hiệu quả các cam kết quốc tế về chống biến đổi khí hậu.
“Trong những năm qua, đã có nhiều tổ chức, doanh nghiệp khởi xướng và tham gia tích cực nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động, như trồng cây, phát triển hệ thống cây xanh, hỗ trợ sinh kế cho người dân; truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu… các hoạt động này đã đạt hiệu quả và tạo sức lan tỏa trên phạm vi cả nước. Trong đó, Công ty Vinamilk là một trong các đơn vị tích cực triển khai”, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết.
Để tiếp tục thúc đẩy hơn nữa các hoạt động của doanh nghiệp đồng hành cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao Báo Tài nguyên và Môi trường chủ động phối hợp với Công ty Vinamilk xây dựng và triển khai Dự án trồng cây hướng đến Net Zero - với mục tiêu gia tăng độ che phủ của cây xanh và rừng trên cả nước góp phần giảm tác động của biến đổi khí hậu và hấp thụ khí CO2. Đây là sáng kiến thiết thực tạo sự lan tỏa cao trong cộng đồng, chung tay hành động, góp phần hướng đến mục tiêu Net Zero.
Dự án trồng cây hướng đến Net Zero do Vinamilk và Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ được thực hiện trong 5 năm từ 2023-2027 với tổng ngân sách là 15 tỷ đồng.
Tại buổi lễ khởi động, đại diện Vinamilk và Báo Tài nguyên và Môi trường đã trao tặng hơn 1.000 cây xanh trưởng thành với giá trị gần 1,5 tỷ đồng trồng tại huyện Mê Linh (Hà Nội). Sau Hà Nội, hành trình năm 2023 sẽ được Vinamilk cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai nghiên cứu, lập kế hoạch và trồng cây tại các địa phương khác trên cả nước.