Cho ý kiến về nội dung này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản nhấn mạnh: Quan điểm của tỉnh trong chỉ đạo phòng chống dịch là kiên quyết không để dịch xảy ra ở quy mô lớn.
Theo đó, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm giám sát dịch trên địa bàn, kịp thời phát hiện dịch nếu có, nhanh chóng cảnh báo để các lực lượng tập trung dập dịch, không để lây lan dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân cấp huyện và Giám đốc Sở Nông nghiệp chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác phòng chống dịch. Người đứng đầu chính quyền các địa phương chịu trách nhiệm nếu không phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời ổ dịch để bùng phát dịch bệnh trên địa bàn, phạm vi phụ trách.
Các ý kiến tại cuộc họp cũng đặt vấn đề từ kinh nghiệm chống dịch năm 2019, cần kiểm soát tốt việc kiểm tra, tiêu hủy lợn mắc dịch; các địa phương cần đầu tư thỏa đáng để làm tốt tuyên truyền, đánh giá tình hình dịch
Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương cơ bản nhất trí với tờ trình Kế hoạch triển khai Chỉ thị của Thủ tướng về thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình. Ông Lưu Văn Bản yêu cầu Sở tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp, hoàn thiện, ban hành kế hoạch trong ngày 1/8 để tập trung triển khai.
Trong đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cần đặt lên hàng đầu; Những bất cập trong lần chống dịch trước cần được chỉ ra, làm rõ, tránh đi vào những vết xe đổ của năm 2019. Năm 2019, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố của Hải Dương với trên 392.000 con lợn bị tiêu hủy.
Theo tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, nhu cầu vaccine của các địa phương là khoảng 60.000 liều. Lãnh đạo tỉnh Hải Dương giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để mua vaccine, phối hợp Sở Tài chính xác định nguồn kinh phí mua vaccine và vật tư cần thiết cho công tác phòng chống dịch.
Theo tờ trình của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, nội dung kế hoạch nêu rõ, công tác tuyên truyền phải triển khai sâu rộng bằng nhiều hình thức về tính chất nguy hiểm của dịch bệnh, vận động các cơ sở chăn nuôi chủ động tiêm phòng vaccine dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn thịt.
Cùng với đó, hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên theo dõi đàn lợn, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; Thực hiện tiêu độc, khử trùng khu vực chuống nuôi và khu vực xug quanh có nguy cơ cao. Phân công lực lượng kiểm tra, giám sát dịch đến tận thôn, khu dân cư để kịp thời phát hiện, xử lý; Kiểm soát, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn bệnh, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch; Kiểm soát quản lý giết mổ lợn và việc tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn.
Cùng đó triển khai tiêm đánh giá vaccine dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn thịt, đánh giá vaccine để làm cơ sở triển khai diện rộng; thống kê tổng đàn lợn và nhu cầu tiêm vắc xin để thực hiện mua vaccine và triển khai tiêm đồng bộ, cùng thời điểm.
Chủ động giám sát tình hình dịch, phát hiện sớm, cảnh báo kịp thời, xử lý triệt để ổ dịch, không để xảy ra lây lan diện rộng; Triển khai hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại theo đúng quy định của pháp luật...
Trước đó, ngày 14/7/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg về việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành thông báo 1601-KL/TU về công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh.