Theo số liệu của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng, tính đến ngày 28/7, dịch đã xuất hiện tại 33 hộ của 11 thôn trên địa bàn 3 huyện là Kiến Thụy, Thủy Nguyên và An Dương. Tổng số lợn bị nhiễm bệnh phải tiêu hủy là 552 con. Hiện dịch vẫn đang có nguy cơ lan rộng.
Cũng theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng, thực hiện Công văn số 4870/BNN-TY ngày 20/7/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc sử dụng vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi, ngày 15/8/2023 Sở Nông nghiệp và Phát triên nông thôn đã có Công văn số 2778/SNN-CNTY về việc sử dụng vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi gửi các địa phương, các hộ, cơ sở chăn nuôi, đồng thời phối hợp các đơn vị sản xuất vaccine tổ chức hội thảo hướng dẫn sử dụng vắc xin cho các hộ, cơ sở chăn nuôi trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên cho đến nay tỷ lệ lợn được tiêm vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn thành phố còn thấp, chỉ đạt 4.27 % so với tổng đàn lợn thịt là 131.772 con.
Ông Nguyễn Quang Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Lê Lợi, huyện An Dương, một trong những địa phương có dịch cho biết, trên địa bàn hiện nay chủ yếu là các hộ nuôi nhỏ lẻ. Do đó ý thức phòng dịch thấp hơn so với các doanh nghiệp, trang trại nuôi lợn quy mô lớn. Cùng với đó việc tiêm vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi lại chưa có quy định hỗ trợ chi phí mà hoàn toàn do người dân tự bỏ tiền tiêm từ đó dẫn đến tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh rất thấp, đạt khoảng 20% tổng số con.
Ông Phạm Minh Đức, thôn Trạm Bạc, xã Lê Lợi, một trong những hộ dân có lợn bị nhiễm bệnh phải tiêu hủy cho biết, gia đình có hai con lợn phải tiêu hủy. Gia đình cũng đã được tuyên truyền việc tiêm vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi nhưng do chi phí tiêm cao nên gia đình cũng chưa có kinh phí để tiêm phòng cho lợn.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng, hiện quá trình tiêm vaccine phòng chống dịch tả lợn châu Phi cũng còn gặp nhiều khó khăn do bệnh dịch chưa có trong danh mục các bệnh truyền nhiễm nguy hiêm ở động vật phải phòng bệnh bắt buộc bằng vaccine theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triên nông thôn. Do đó hiện chưa có các quy định hỗ trợ bà con chăn nuôi để tiêm phòng vaccine này. Bên cạnh đó vaccine được cấp phép lưu hành chỉ mới dùng cho lợn thịt, chưa phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn nái và đực giống. Cùng với đó, giá thành vaccine còn cao (khoảng 60.000 đồng/liều) làm tăng chi phí sản xuất nên người chăn nuôi còn tâm lý e ngại với loại vaccine mới, chưa thực sự tin tưởng vào hiệu quả phòng bệnh của vaccine.
Từ thực tế, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ sung bệnh dịch tả lợn châu Phi vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật phải phòng bệnh bắt buộc bằng vaccine, từ đó làm cơ sở đề các địa phương cân đối bố trí ngân sách hỗ trợ kinh phí tiêm vaccine phòng bệnh dịch cho đàn lợn trên địa bàn. Cùng với đó đề nghị các doanh nghiệp sản xuất vaccine tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn tại các địa phương tổ chức các cuộc hội thảo, hướng dẫn sử dụng vaccine cho các cơ sở chăn nuôi, qua đó cung cấp, cập nhật kiến thức, thông tin về hiệu quả của vaccine đã sử dụng tại thực địa để người chăn nuôi tin tưởng sử dụng phòng bệnh cho đàn lợn nuôi. Mặt khác, tiếp tục nghiên cứu sản xuất vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi cho cả lợn nái, lợn đực giống, giảm giá vaccine để chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi.
Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng, năm 2019, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Để dập được dịch, thành phố Hải Phòng đã phải chi ngân sách hỗ trợ hơn 451 tỷ đồng; trong đó hỗ trợ người chăn nuôi 346,7 tỷ đồng và kinh phí chống dịch là 104,8 tỷ đồng.