Ngăn dịch tả lợn châu Phi, hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi

Dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát mạnh và đang có chiều hướng lan rộng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Chính quyền, cơ quan chức năng địa phương đã thực hiện đồng bộ các biện pháp cấp bách để ngăn chặn dịch bệnh này, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi...

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: Chương Đài/TTXVN

Khó kiểm soát dịch bệnh

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng các địa phương trong tỉnh, từ đầu năm đến ngày 30/6, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại hơn 2.870 hộ/579 thôn/138 xã, phường ở tất cả 11 huyện, thành phố. Tổng số lợn ốm chết buộc phải tiêu hủy lên tới trên 9.500 con, trọng lượng hơn 434.230 kg. Các huyện chịu ảnh hưởng nặng nhất gồm Văn Quan, Văn Lãng, Chi Lăng... Hiện trên địa bàn tỉnh còn 118 xã, phường, thị trấn của 11 huyện, thành phố ghi nhận dịch tả lợn châu Phi chưa qua 21 ngày.

Theo bà Đinh Thị Thu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn, nguyên nhân chính làm dịch bệnh tiếp tục tái phát, lây lan ra diện rộng là do một số địa phương cấp huyện, cấp xã chưa thực sự quyết liệt trong phòng, chống dịch. Việc tổ chức công bố dịch và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định còn chậm, chưa đồng bộ, tổ chức xử lý, tiêu hủy lợn bệnh còn nhiều bất cập như hố chôn không đảm bảo, vệ sinh tiêu độc khử trùng tiêu diệt mầm bệnh chưa triệt để.

Đặc biệt, phòng, chống dịch bệnh gặp nhiều khó khăn, thách thức do chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh chủ yếu là nông hộ nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn sinh học; ý thức phòng, chống dịch bệnh của nhiều hộ chăn nuôi chưa cao. Một số hộ khi phát hiện lợn ốm, bỏ ăn không báo cáo cho chính quyền, thú y viên; vẫn có hiện tượng giấu dịch, bán chạy, không khai báo lợn ốm, lợn chết hoặc vứt xác lợn chết ra ngoài môi trường...

Nhiều xã chậm công bố dịch cấp xã khi đã đủ điều kiện theo quy định, dẫn đến triển khai chống dịch chưa hiệu quả. Hiện nay mới chỉ có 61 xã (của 7 huyện, thành phố gồm Bình Gia, Văn Quan, Lộc Bình, Văn Lãng, Chi Lăng, Tràng Định và thành phố Lạng Sơn) đã công bố dịch. Việc tiêu hủy lợn ốm, chết do mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi không triệt để, chưa tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chuyên môn...

Ghi nhận tại các địa phương trong tỉnh, từ trung tuần tháng 5/2024, dịch bệnh đã xảy ra trên diện rộng, lây lan nhanh, trong khi lực lượng chuyên môn mỏng, dẫn đến việc triển khai, hỗ trợ chống dịch tại cơ sở gặp rất nhiều khó khăn. Số lượng lợn chưa được tiêm vaccine phòng bệnh cao. Bên cạnh đó, giá thành vaccine dịch tả lợn châu Phi khá cao (khoảng 69.000 đồng/liều, chưa bao gồm công tiêm và vận chuyển) nên nhiều hộ còn chần chừ trong việc mua về tiêm cho đàn lợn...

Đẩy mạnh tiêm vaccine kết hợp chăn nuôi an toàn

Đánh giá về tình hình dịch bệnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho hay, dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh có nguy cơ tiếp tục phát sinh và lây lan nhanh, do tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ. Tỷ lệ tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi chưa cao. Cùng với đó, thời tiết diễn biến bất thường tạo điều kiện thuận lợi để dịch bệnh phát sinh, phát triển nhanh...

Cơ quan chuyên môn địa phương khẳng định, một trong những biện pháp hữu hiệu nhất trong chống dịch tả lợn châu Phi là tiêm phòng vaccine. Đây là giải pháp khá hiệu quả và tiết kiệm. Năm 2023, thực hiện hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tiêm phòng vaccine dịch tả lợn châu Phi, tỉnh đã tiêm thử nghiệm cho hơn 130 con lợn.

Kết quả đánh giá, vaccine này đáp ứng yêu cầu phòng bệnh tả lợn châu Phi trong thời điểm cấp bách. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành văn bản đề nghị, UBND các huyện, thành phố tuyên truyền, khuyến cáo người chăn nuôi triển khai tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi. Từ đó đến nay, các hộ chăn nuôi lợn đã tự mua vaccine tiêm phòng được hơn 4.900 liều vaccine dịch tả lợn châu Phi. Báo cáo từ hệ thống thú y cơ sở chỉ ra rằng, đàn lợn được tiêm vaccine phòng bệnh vẫn khỏe mạnh, phát triển bình thường. 

Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi có chiều hướng lây lan mạnh trên địa bàn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh liên hệ với Công ty AVAC Việt Nam đề nghị hỗ trợ 2.200 liều vaccine để triển khai tiêm phòng thử nghiệm trên diện rộng cho đàn lợn tại 3 xã: Vũ Lăng, Nhất Hòa, Nhất Tiến (huyện Bắc Sơn), là những xã chưa phát sinh dịch tả lợn châu Phi.

Từ ngày 25 - 26/6, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bắc Sơn triển khai tiêm phòng đồng loạt vaccine dịch tả lợn châu Phi trên 3 xã trên. Kết quả, đã tiêm được 1.860 con lợn, đạt trên 88% số lợn trong diện tiêm phòng (tiêm phòng lợn thịt từ 4 tuần tuổi trở lên, không tiêm cho lợn nái, lợn đực giống và lợn chuẩn bị đến kỳ xuất bán). Cơ quan Thú y đang theo dõi đàn lợn sau tiêm khoảng 3 tuần để đánh giá hiệu quả của vaccine phòng bệnh.

Dựa trên cơ sở kết quả tiêm phòng thử nghiệm vaccine dịch tả lợn châu Phi trên đàn lợn tại huyện Bắc Sơn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh trình UBND tỉnh xem xét, cấp kinh phí từ nguồn dự phòng mua vaccine dịch tả lợn châu Phi để hỗ trợ tiêm phòng cho các thôn chưa có dịch trên địa bàn toàn tỉnh. Dự kiến tiêm phòng cho khoảng 80-90.000 con lợn đủ điều kiện tiêm, kinh phí khoảng 7 tỷ đồng.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khuyến cáo, trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, song song với phòng, chống dịch bệnh, người chăn nuôi cần thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học theo quy trình khép kín, từ yêu cầu về chuồng nuôi, con giống, thức ăn, chế độ chăm sóc đến khâu vệ sinh chuồng trại, kiểm soát dịch bệnh, xử lý chất thải... phải hết sức chặt chẽ, đảm bảo quy chuẩn an toàn trong chăn nuôi.

Để xử lý ổ dịch, ngăn chặn dịch bệnh lây lan, từ đầu năm đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã cấp cho Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thành phố hơn 12.800 lít thuốc sát trùng để phun tiêu độc khử trùng, xử lý các ổ dịch theo quy định...

Nhằm phòng, chống dịch tả lợn châu Phi hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lương Trọng Quỳnh yêu cầu, UBND các huyện, xã chỉ đạo, tập trung lực lượng triển khai chống dịch; thành lập các tổ tiêu hủy, phun tiêu độc khử trùng. Căn cứ vào tình hình thực tế tại gia đình có lợn bị tiêu hủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn áp dụng việc tiêu hủy toàn bộ số lợn trong chuồng để tránh lây lan mầm bệnh.

Các địa phương tăng cường tuyên truyền giúp người dân chủ động phòng dịch tả lợn châu Phi, nhất là không giấu dịch, thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh; chủ động kinh phí từ ngân sách dự phòng địa phương hỗ trợ công tác phòng, chống dịch; thành lập các đoàn kiểm tra đôn đốc phòng, chống dịch bệnh động vật...

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục xây dựng kế hoạch mua vaccine, vật tư phục vụ phòng, chống dịch; tập trung chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra phòng, chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn; thực hiện nghiêm việc kiểm dịch tại gốc, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán động vật và sản phẩm động vật vào địa bàn.

Các xã có lợn mắc bệnh tả lợn châu Phi đủ điều kiện công bố dịch để khoanh vùng dịch, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn từ hộ có lợn ốm sang hộ có lợn khỏe, từ thôn, bản, khối phố có dịch sang nơi chưa có dịch.

Vũ Văn Đạt (TTXVN)
Quảng Ninh cấp bách phòng chống dịch tả lợn châu Phi
Quảng Ninh cấp bách phòng chống dịch tả lợn châu Phi

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh, nguyên nhân phát sinh dịch bệnh phần lớn do chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỉ lệ lớn, không bảo đảm các yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN