Quảng Ninh cấp bách phòng chống dịch tả lợn châu Phi

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh, nguyên nhân phát sinh dịch bệnh phần lớn do chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỉ lệ lớn, không bảo đảm các yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học.

Sau khi kiểm tra thực tế tại thành phố Móng Cái, một trong 6 địa phương của tỉnh Quảng Ninh chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch tả lợn châu Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Nghiêm Xuân Cường vừa có chỉ đạo, yêu cầu thành phố Móng Cái cần thực hiện nghiêm các giải pháp cấp bách phòng chống dịch tả lợn châu Phi nhằm kiểm soát các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới trên địa bàn; xử lý tiêu hủy lợn dịch theo quy định; duy trì tốt các chốt kiểm dịch động vật tạm thời (cấp xã). 

Ông Nghiêm Xuân Cường yêu cầu thành phố Móng Cái tổ chức phun hóa chất tiêu độc, khử trùng vùng dịch, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định; đảm bảo 100% các chủ cơ sở ký cam kết nghiêm thực hiện “5 không” (không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ tiêu thụ; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt; không vứt lợn chết ra môi trường).

Đối với việc thực hiện hỗ trợ thiệt hại cho các hộ chăn nuôi bị thiệt hại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo cần xác định đầy đủ chính xác về đối tượng, mức hỗ trợ, khối lượng theo đúng quy định của pháp luật.

Dịch bệnh tả lợn châu Phi trên địa bàn thành phố Móng Cái phát sinh từ ngày 16/5 đến ngày 27/6, tại 75 hộ gia đình của 7 thôn, ở 4 xã trong đó làm chết và tiêu hủy 898 con lợn bằng 57.791,6kg.

Ngay sau khi xuất hiện dịch bệnh, thành phố đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp trong phòng chống, khoanh vùng dập dịch và kiểm soát dịch bệnh tả lợn châu Phi nhằm giảm thiểu mức độ thiệt hại.

Xuất hiện đầu tiên tại thị xã Quảng Yên hồi tháng 5, đến nay dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi đã lan rộng ra thêm 5 địa phương (thị xã Quảng Yên, huyện Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên và thành phố Uông Bí) khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh với hàng trăm hộ dân, thiệt hại hàng nghìn con lợn.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh, nguyên nhân phát sinh dịch bệnh phần lớn do chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỉ lệ lớn, không bảo đảm các yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học; virus bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn lưu hành ngoài môi trường và trên lợn nhập từ các tỉnh về; thời tiết diễn biến phức tạp, gây bất lợi cho sức khỏe đàn vật nuôi và tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút sinh sôi bệnh dịch tả lợn châu Phi và gây bệnh.

Ngành nông nghiệp cũng như chính quyền từ cấp tỉnh tới cấp huyện của Quảng Ninh có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn phòng chống dịch tả lợn châu Phi, tuy nhiên, tình hình dịch trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp, nguy cơ dịch bùng phát, lan rộng còn hiện hữu. Hiện các địa phương đã có kế hoạch chủ động phòng chống dịch, chuẩn bị sẵn sàng vật tư, hóa chất và huy động mọi nguồn lực của địa phương để tổ chức triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch với mục tiêu cao nhất là khoanh vùng, dập dịch, nhanh chóng kiểm soát các ổ dịch, không để lây lan diện rộng trên địa bàn.

Đồng thời, chuẩn bị tốt các điều kiện để khôi phục chăn nuôi lợn ngay sau khi dịch bệnh được khống chế và đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc khác, gia cầm, thuỷ sản để bảo đảm nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Tại các chốt kiểm dịch động vật tạm thời (cấp xã) lập hàng rào, biển báo, phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ kiểm soát chặt chẽ lợn, sản phẩm lợn ra, vào vùng dịch.

Văn Đức (TTXVN)
Ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm lây lan
Ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm lây lan

Nhiều địa phương trên cả nước đang triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi, dịch gia cầm cũng như các loại dịch bệnh khác trên động vật lây lan diện rộng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN