UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, cơ quan, đơn vị liên quan triển khai giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh; xử lý nghiêm những trường hợp giấu dịch, bán chạy lợn bệnh...
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh và các địa phương, từ đầu năm đến ngày 21/6, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 1.782 hộ/399 thôn của 94 xã/11 huyện, thành phố. Tổng số lợn mắc bệnh, bị chết, buộc phải tiêu hủy gần 5.800 con, trọng lượng trên 272.000 kg. Từ cuối tháng 5/2024 đến nay, dịch tả lợn châu Phi có chiều hướng lây lan nhanh. Tại một số huyện, dịch tả lợn châu phi đã xảy ra ở tất cả các xã, khiến nhiều hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn lao đao.
Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi bùng phát, lây lan nhanh và diễn biến phức tạp, UBND các huyện Lộc Bình, Văn Quan, Bình Gia đã công bố dịch ở 35 xã. Các huyện khác trong tỉnh đang theo sát diễn biến của dịch bệnh để chủ động phòng, chống dịch trên tinh thần phòng dịch là chính; nâng cao ý thức trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhất là người chăn nuôi, thực hiện nghiêm quy định trong phòng, chống dịch bệnh.
Cơ quan chức năng địa phương chỉ ra rằng, nguyên nhân chính làm dịch bệnh này tái phát, lây lan là do các ổ dịch cũ mầm bệnh vẫn còn tồn tại trong môi trường, khi gặp điều kiện thời tiết thay đổi, sức đề kháng của vật nuôi giảm làm phát sinh dịch bệnh. Chăn nuôi lợn trên địa bàn vẫn chủ yếu là nuôi nông hộ, nhỏ lẻ; tái đàn bằng những con giống không rõ nguồn gốc, được mua từ chợ hoặc các thương lái vận chuyển trực tiếp đến hộ chăn nuôi, không đảm bảo an toàn dịch bệnh. Đặc biệt, khi lợn bị mắc bệnh, một số hộ chăn nuôi đã giấu dịch, tự tiêu hủy, bán chạy hoặc giết mổ lợn để tiêu thụ; không xử lý chất thải, nước thải, xả thải trực tiếp ra môi trường xung quanh làm lây lan dịch bệnh. Việc phòng, chống dịch tại một số địa phương còn chưa được quyết liệt, triệt để…
Để tăng cường biện pháp ngăn chặn, phòng, chống hiệu quả không để dịch bệnh tả lợn châu Phi phát sinh, lây lan, giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi trên địa bàn, UBND tỉnh Lạng Sơn yêu cầu, sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai cấp bách, quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thường xuyên theo dõi, cập nhật kịp thời diễn biến dịch bệnh trên đàn vật nuôi trên các kênh thông tin, truyền thông để các ngành chức năng và người chăn nuôi biết, có các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, hiệu quả.
Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác giám sát phát hiện sớm các ổ dịch, lấy mẫu giám sát để kịp thời xác minh dịch bệnh, hướng dẫn người dân phòng, chống dịch, không để dịch lây lan ra diện rộng, hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra; chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất để phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả. Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng với các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật lưu thông ra, vào địa bàn; ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời thành lập các đoàn kiểm tra đôn đốc, hướng dẫn thực hiện việc phòng chống, dịch bệnh tại các địa bàn đang có dịch, địa bàn có nguy cơ cao; tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong phòng ngừa dịch bệnh.
Đối với những địa phương đang có ổ dịch tả lợn châu Phi, phát huy vai trò và trách nhiệm người đứng đầu trong công tác phòng, chống, khống chế dịch bệnh, tránh tình trạng chủ quan, lơ là để dịch bệnh tái phát, lây lan diện rộng; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và đội ngũ nhân viên thú y tại các xã, phường, thị trấn giám sát chặt dịch bệnh nhằm phát hiện nhanh, chính xác, kịp thời các ổ dịch, áp dụng các biện pháp kỹ thuật bao vây ổ dịch không để lây lan ra diện rộng. Chính quyền địa phương, cơ quan chức năng xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ, vứt xác lợn bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường dẫn đến dịch bệnh lây lan; chú trọng khắc phục những tồn tại, bất cập trong phòng, chống dịch bệnh.
UBND xã, phường, thị trấn khoanh vùng dịch, xác định vùng dịch, vùng đệm, vùng bị uy hiếp; thống kê và giám sát tổng đàn lợn trên địa bàn để có biện pháp phòng, chống dịch phù hợp; kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm tra lợn giống bán tại các chợ trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật; hỗ trợ hộ chăn nuôi tiêu hủy lợn theo đúng hướng dẫn của ngành thú y; phun thuốc sát trùng, rắc vôi xung quanh chuồng nuôi, lối ra vào khu vực chăn nuôi; đốt rác thải và ủ phân có trộn vôi bột để tiêu diệt mầm bệnh.
Các huyện, thành phố xem xét mức độ, phạm vi ảnh hưởng của ổ dịch để công bố dịch theo đúng quy định; huy động các lực lượng để chống dịch, thành lập các tổ phản ứng nhanh, báo cáo, xử lý ổ dịch khi mới phát hiện, tiêu hủy triệt để lợn bệnh, lợn chết đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo an toàn sinh học, tránh làm lây lan dịch bệnh. Những nơi chưa có dịch, chính quyền, cơ quan chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền đến người chăn nuôi chủ động phòng dịch; áp dụng nghiêm các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt, vệ sinh, sát trùng, phòng bệnh; phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh ở các thôn bản, cơ sở chăn nuôi. Cơ quan chức năng kiểm soát chặt hoạt động giết mổ, vệ sinh thú y tại các chợ buôn bán, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn; kiểm tra lợn giống bán tại các chợ, nhất là con giống vận chuyển từ các tỉnh, thành phố khác đến, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn kêu gọi, nhân dân khi phát hiện lợn ốm, chết bất thường cần báo ngay cho cơ quan thú y, phối hợp áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch, chủ động ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan; khuyến khích việc áp dụng, nhân rộng mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, phù hợp với điều kiện và quy mô chăn nuôi…
Theo thống kê, năm 2023, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra 76 ổ dịch tại 590 hộ/163 thôn/59 xã/10 huyện trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Tổng số lợn ốm, chết và buộc tiêu hủy hơn 2.300 con, chủ yếu là lợn con và lợn thịt.