Tỉnh đã phát huy tiềm năng kinh tế vườn quả đặc sản theo hướng hình thành vùng chuyên canh phù hợp với đặc thù thổ nhưỡng từng vùng, tiểu vùng và hệ sinh thái ngọt, nhiễm mặn, nhiễm phèn Đồng Tháp Mười. Cụ thể, vùng nhiễm mặn ven biển phía Đông và nhiễm phèn Đồng Tháp Mười khuyến khích nông dân trồng thanh long, dứa… là loại cây chịu được hạn, mặn và phèn.
Vùng ngọt ven sông Tiền trồng vú sữa lò rèn, hồng xiêm (sapoche), bưởi da xanh. Vùng kiểm soát lũ phía Tây định hướng phát triển vùng chuyên canh sầu riêng hoặc xoài cát Hòa Lộc, cây có múi khác tùy theo địa bàn, hướng đến phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết, địa phương đã xây dựng được vùng chuyên canh thanh long gần 9.000 ha, sầu riêng trên 20.000 ha, dứa Đồng Tháp Mười gần 15.400 ha... Những vùng chuyên canh cây ăn quả có giá trị kinh tế lớn này là nguồn hàng xuất khẩu quan trọng của địa phương.
Ngành nông nghiệp kết hợp chính quyền các huyện, thành, thị tăng cường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, khuyến khích nông dân ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất như: thâm canh theo hướng VietGAP, GlobalGAP; xử lý cho trái rải vụ cho thu hoạch vào thời điểm nghịch vụ, tránh thu hoạch rộ lúc chính vụ nhằm giảm nguy cơ trúng mùa, dội chợ, mất giá… Qua đó, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cây ăn quả đặc sản có lợi thế cạnh tranh như sầu riêng, dứa, thanh long… đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Cùng với việc hình thành hợp tác xã và tổ hợp tác quy tụ nông dân, tỉnh còn tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác theo hướng GAP cho ra sản phẩm an toàn cũng như truy xuất nguồn gốc; tăng cường quảng bá sản phẩm và xúc tiến thương mại cho nông sản hàng hóa...
Mặt khác, nắm bắt thời cơ nhiều loại trái cây có giá trị kinh tế cao được chấp nhận xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và các nước khác, Tiền Giang đẩy mạnh công tác quản lý, cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói trái cây xuất khẩu.
Hiện tỉnh có 279 mã số vùng trồng cây ăn quả được cấp và đang hoạt động với tổng diện tích trên 20.300 ha, chủ yếu là thanh long, sầu riêng, vú sữa…; có 307 cơ sở đóng gói được cấp mã số xuất khẩu. Tiền Giang phấn đấu đến năm 2025, toàn bộ diện tích vùng trồng chuyên canh cây ăn quả đặc sản đều được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu.
Điển hình Thanh long chợ Gạo, xoài cát Hòa Lộc và sầu riêng Ngũ Hiệp (Cai Lậy) đã được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chỉ dẫn xuất xứ địa lý, tạo thuận lợi cho tỉnh Tiền Giang khuếch trương thương hiệu trái cây đặc sản của mình.
Kinh tế hợp tác trên lĩnh vực nông nghiệp phát triển góp phần thúc đẩy liên kết sản xuất với doanh nghiệp, nhân rộng những mô hình chuỗi giá trị bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, nông dân hưởng lợi. Tỉnh hiện có 190 hợp tác xã sản xuất nông nghiệp - thủy sản; trong đó, trên lĩnh vực chuyên canh sầu riêng có 30 hợp tác xã thu hút 18.900 thành viên, 18 hợp tác xã hoạt động trên lĩnh vực trồng thanh long với 2.236 thành viên.
Năm 2023, các loại trái cây chủ lực đều có giá, giúp nông dân vùng chuyên canh tăng thêm nguồn thu nhập nên cuộc sống ổn định. Nhiều hộ trở thành tỷ phú nông thôn nhờ trúng mùa, trúng giá, bội thu. Hiện các vùng chuyên canh bắt đầu thu hoạch trái cây vụ nghịch. Giá sầu riêng, thanh long, dứa đang tăng mạnh, nông dân phấn khởi bởi hứa hẹn mang lại thu nhập cao từ vườn quả chuyên canh.
Giám đốc Hợp tác xã sầu riêng Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy) Huỳnh Tấn Lộc cho biết, những ngày qua, thương lái đang thu mua sầu riêng Mon thong với giá từ 110.000 - 130.000 đồng/kg, sầu riêng Ri 6 từ 100.000 - 110.000 đồng/kg tùy theo loại và chất lượng, tăng hơn tháng trước từ 24.000 đến 30.000 đồng/kg.
Xã Long Trung (huyện Cai Lậy), có gần 1.000 ha sầu riêng chuyên canh với sản lượng mỗi năm từ 20.000 tấn đến 30.000 tấn quả. Ông Dương Phước Hưng, Chủ tịch UBND xã Long Trung cho biết, giá sầu riêng đầu vụ nghịch tăng mạnh nên nông dân phấn khởi bởi cho lợi nhuận cao, giúp tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Với năng suất bình quân đạt 20 tấn - 24 tấn/ha, mỗi ha thu hoạch đúng thời điểm, nông dân thu lãi ròng hàng tỷ đồng, cao nhất trong các loại cây ăn quả đặc sản của địa phương.
Là vùng chuyên canh thanh long lớn nhất tỉnh Tiền Giang, tại huyện Chợ Gạo, thương lái thu mua tại vườn với giá 28.000 đồng/kg (loại I), 23.000 đồng (loại II), 18.000 đồng/kg (loại III); thanh long ruột trắng có giá từ 10.000 - 12.000 đồng/kg, tùy theo chất lượng và thời điểm, cao gấp 2-3 lần năm trước.
Chủ tịch UBND huyện Tân Phước cho biết, từ đầu năm đến nay, giá dứa luôn đứng ở mức 8.000 đến 9.500 đồng/kg, có lúc vượt lên trên 10.000 đồng/kg, cao gần gấp đôi so với năm trước. Với giá này, mỗi ha cho lợi nhuận ròng khoảng 100 triệu đồng, nông dân trúng mùa, trúng giá, bội thu. Nhờ thu nhập cao từ cây dứa, người dân Tân Phước vượt khó, thoát nghèo và tạo dựng cơ nghiệp vững vàng trên miền đất mới khai hoang Đồng Tháp Mười.
Ước tính, trong 11 tháng, Tiền Giang thu hoạch đạt sản lượng trái cây các loại trên 1,32 triệu tấn quả, tăng hơn 2,4% so cùng kỳ năm trước. Từ nay đến Tết Nguyên đán, nông dân Tiền Giang vào cao điểm thu hoạch rộ trái cây. Do vụ nghịch thường được mùa, được giá nên địa phương chú trọng chuyển giao kỹ thuật thâm canh, khuyến khích nông dân áp dụng đổng bộ biện pháp khoa học để đạt năng suất, sản lượng cao.
Theo ông Nguyễn Văn Mẫn, trái cây đặc sản được mùa, được giá nhờ các yếu tố quan trọng như kỹ thuật thâm canh, xử lý rải vụ, xây dựng mã số vùng trồng để xuất khẩu chính ngạch và phát triển kinh tế hợp tác kiểu mới liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản cho bà con vùng chuyên canh.
Nông dân trồng thanh long ruột trắng đạt lợi nhuận gần 100 triệu đồng/ha, thanh long ruột đỏ từ 230 - 300 triệu đồng/ha, sầu riêng từ 1,8-2 tỷ đồng/ha, dứa từ 80 - 100 triệu đồng/ha, các loại trái cây đặc sản khác cũng cho thu nhập gấp từ 2 – 3 lần trồng lúa năng suất cao.
Nhờ hiệu quả kinh tế - xã hội mang lại, vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản đang là một trong những nhân tố quan trọng giúp đổi mới mạnh mẽ nông nghiệp - nông dân - nông thôn tỉnh Tiền Giang.