“Trong điều kiện nợ công của Việt Nam tương đối cao và tiến tới trần cho phép, vấn đề quản lý bội chi, quản lý nợ công, nợ xây dựng cơ bản… là những vấn đề cấp bách hiện nay đòi hỏi phải tăng cường kỷ luật để duy trì an ninh tài chính quốc gia”. Đây là đánh giá của đại biểu Bùi Đức Thụ (Đoàn đại biểu tỉnh Lai Châu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội) bên lề kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIII.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu Bùi Đức Thụ phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN |
Liên quan đến vấn đề bội chi ngân sách qua quyết toán ngân sách năm 2013, đại biểu Thụ cho biết, trong bối cảnh kinh tế - xã hội năm 2013 khó khăn, số doanh nghiệp ngừng hoạt động rất lớn và một số khoản thu của ngân sách Trung ương không đạt.
Theo báo cáo của Chính phủ, đến nay số thu cân đối xuất nhập khẩu đạt 77% dự toán, hụt trên 37.000 tỷ đồng. Trong bối cảnh như vậy, Chính phủ đã trình Quốc hội cho phép nâng bội chi ngân sách năm 2013 từ 4,5% GDP lên 5,3% GDP và đến nay quyết toán lại, số bội chi ngân sách lên 6,6% GDP.
Đại biểu Thụ phân tích, phần bội chi tăng thêm từ 5,3% GDP lên 6,6% GDP tức là tăng hơn phần bội chi Quốc hội cho phép 41.000 tỷ đồng.
Qua xem xét báo cáo của Chính phủ, việc tăng bội chi ngân sách có hai yếu tố. Đó là tăng việc trả nợ quỹ hoàn thuế giá trị gia tăng phát sinh trong năm 2011 trên 13.000 tỷ đồng và khoản thứ hai là do đẩy mạnh việc giải ngân vốn ODA để đầu tư xây dựng một số dự án công trình giao thông quan trọng như đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải… đã làm tăng chi hơn 29.000 tỷ đồng.
Đứng ở giác độ tính hợp lý, đại biểu Thụ cho rằng, việc tăng chi trả nợ quỹ hoàn thuế để giảm nghĩa vụ nợ ngân sách làm minh bạch tài chính có hiệu quả tích cực.
Theo đại biểu Thụ, hiện tại nợ công đã được Quốc hội ra Nghị quyết quy định tăng cường, quản lý, hạn chế đối với nợ chính phủ, nợ chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, đối với việc triển khai trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản có đến hàng chục tỉnh có số nợ trên nghìn tỷ đồng. Nếu tính đầy đủ nghĩa vụ trả nợ của ngân sách địa phương đây là vấn đề ảnh hưởng rất lớn đến an ninh tài chính quốc gia.
Tuy nhiên, đứng trước tình hình trên, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 1792 về tăng cường, quản lý tài chính ngân sách, đặc biệt là trong lĩnh vực chi đầu tư phát triển. Việc bố trí chi căn cứ vào nguồn tài chính trong kế hoạch đã được quyết định để triển khai thực hiện.
Trên thực tế tình trạng vay thêm vượt kế hoạch được duyệt dẫn đến nợ xây dựng cơ bản và ảnh hưởng đến an ninh tài chính quốc gia đang ở mức đáng lo ngại. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ có chỉ thị số 07/CT-TTg về tăng cường các biện pháp xử lý và phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản và tập trung các nguồn lực để thanh toán các khoản nợ xây dựng cơ bản. Đây là việc làm cần thiết và cấp bách để thực hiện đúng Nghị quyết của Quốc hội nhằm bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.
Theo Luật Ngân sách Nhà nước năm 2002 có hiệu lực từ năm ngân sách 2004 quy định mỗi địa phương được quyền huy động thêm vốn để bổ sung xây dựng cơ sở hạ tầng nằm trong kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm đã được hội đồng nhân dân quyết định, nhưng trần không được vượt quá 30% vốn xây dựng cơ bản tập trung trong nước.
Thế nhưng, đại biểu Thụ cho biết: “Qua quyết toán ngân sách nhà nước 2013, chúng tôi thấy một điều bất hợp lý là nhiều Bộ, ngành, địa phương có nợ xây dựng cơ bản rất lớn, trong đó có 16 tỉnh có nợ xây dựng cơ bản trên 1.000 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn đầu tư xây dựng cơ bản của các Bộ, ngành, địa phương tiêu không hết phải chuyển nguồn sang năm sau”.
Đại biểu Thụ đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ, ngành phải rà soát việc này để phản ánh thực trạng tài chính của Bộ, ngành, địa phương; đồng thời cũng làm giảm áp lực nợ, đảm bảo an ninh tài chính Quốc gia.
Theo dự thảo của Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này và có hiệu lực đối với năm ngân sách 2017, một trong những nội dung sửa đổi đó là có dự kiến tính toán lại mức dư nợ cho vay của chính quyền địa phương tính toán có khác.
Khác ở chỗ không tính trần dư nợ cho vay theo tỷ lệ các tỉnh không quá 30%, trừ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh không quá 100% đối với vốn xây dựng cơ bản tập trung trong nước mà căn cứ vào tỷ trọng nguồn thu ngân sách của địa phương so với khả năng trả nợ (số thu ngân sách được phân cấp cho từng địa phương được hưởng).
Đây là cơ sở so sánh khác nhau, đảm bảo hạn chế tăng dư nợ chứ không phải cùng mẫu số. Tuy nhiên, việc tính toán mức cụ thể như thế nào đối với từng nhóm địa phương Quốc hội sẽ thảo luận.
Về hướng xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, đại biểu Thụ nhận định: “Đây là vấn đề khó, chúng ta đã quản lý không chặt để một số địa phương phát sinh nợ với một số nợ rất lớn, vấn đề xử lý nợ như thế nào cũng cần cân nhắc tính toán”.
Theo luật hiện hành, nhiệm vụ chi của cấp nào do ngân sách của cấp đó đảm bảo, việc phát sinh nợ của ngân sách địa phương trách nhiệm trả nợ phải là ngân sách địa phương. Ngân sách địa phương phải bố trí ưu tiên trả nợ ngân sách hàng năm.
Trường hợp quá lớn phải có lộ trình ưu tiên trả nợ trong một số năm. Trường hợp Trung ương hỗ trợ cũng phải cân nhắc bởi hiện tại việc cân đối ngân sách Trung ương hết sức khó khăn, nhiều nhiệm vụ bức thiết trong kế hoạch chưa được thực hiện.
Nếu ngân sách Trung ương phải “gánh” thêm nhiệm vụ này sẽ dẫn đến nguy cơ tăng áp lực nợ công, tăng bội chi ngân sách hàng năm, địa phương vượt kế hoạch vốn và kỷ luật tài chính không nghiêm.
Đại biểu Thụ cũng cho rằng, vấn đề quản lý nợ công nói riêng, quản lý tài chính, ngân sách nói chung trong vài năm gần đây đã được tăng cường. Luật đã được sửa đổi hoàn chỉnh chặt chẽ hơn, các văn bản dưới luật cũng quy định chặt chẽ hơn.
Những vấn đề phát sinh, Nghị quyết của Quốc hội hàng năm như Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước, nghị quyết về phân bổ ngân sách… đã quy định chặt chẽ hơn việc thi hành luật, đảm bảo kỷ cương tài chính. Tuy nhiên, tình trạng này có ngăn chặn được không còn phụ thuộc rất lớn vào việc quản lý điều hành.
Luật, Nghị quyết có nhưng việc thực thi chưa chặt chẽ dẫn đến nguy cơ tăng nợ công, nợ xây dựng cơ bản vẫn còn hiện hữu. "Để khắc phục tình trạng này, cần phải cá thể hóa trách nhiệm đối với những người quyết định về đầu tư làm vượt kế hoạch vốn. Chỉ trong trường hợp chúng ta phát hiện kịp thời, xử lý một cách kịp thời, xử lý công minh công khai thì mới ngăn chặn được tình trạng này", đại biểu Thụ khẳng định.