Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Trần Hoàng Tựu, thời điểm hiện nay nhu cầu tiêu thụ thịt lợn tăng, nguồn cung giảm mạnh và giá thịt lợn đang ở mức cao. Do vậy, việc tái đàn lợn thời điểm này là rất cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng thịt lợn của người dân và ổn định thị trường. Tỉnh Vĩnh Long đặt mục tiêu đến cuối năm 2020 nâng tổng đàn lợn đạt trên 274.000 con
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long yêu cầu các ngành, địa phương không được chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch tả lợn châu Phi với mục tiêu không để dịch bệnh tái phát, ổn định sản xuất và từng bước khôi phục đàn lợn.
Ngành nông nghiệp tỉnh tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thận trọng trong việc tái đàn, chỉ được thực hiện khi nông hộ, trang trại, cơ sở chăn nuôi đảm bảo các điều kiện về an toàn sinh học trong chăn nuôi. Đồng thời, ngành nông nghiệp tổ chức tiêm vắc xin cho đàn vật nuôi để phòng các bệnh nguy hiểm; chủ động giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch mới phát sinh giúp người chăn nuôi an tâm sản xuất.
Ông Lê Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Vĩnh Long cho biết, tính đến tháng 4/2020, tổng đàn lợn toàn tỉnh là trên 232.500 con, giảm 31,6% (107.699 con) so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi với số lợn bệnh phải tiêu hủy là 35.074 con, chiếm 9,4% tổng đàn; phần còn lại chủ yếu là do người chăn nuôi giảm đàn trong giai đoạn xảy ra dịch bệnh để hạn chế thiệt hại.
Tuy nhiên, tình hình tái đàn lợn sau dịch tả lợn châu Phi của tỉnh hiện vẫn còn khá chậm. Đến nay, toàn tỉnh chỉ có 230 cơ sở tái đàn với trên 14.700 con, trong đó có 6.850 con của 8 cơ sở chăn nuôi FDI. Nguyên nhân là do nguồn cung cấp giống rất hạn chế bởi số lợn nái giảm mạnh sau dịch; chi phí đầu tư con giống, giá thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y tăng cao; người dân còn tâm lý lo ngại dịch bệnh tái phát và giá lợn thương phẩm giảm mạnh trong thời gian tới.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long Lê Văn Dũng, ngành nông nghiệp sẽ tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thận trọng việc tái đàn.
Theo đó, các cơ sở từng bước nuôi tái đàn với số lượng khoảng 10% tổng số lợn có thể nuôi. Sau khi nuôi tái đàn được 30 ngày, nếu đàn lợn khỏe mạnh, không có biểu hiện lâm sàn của bệnh dịch tả lợn châu Phi thì mới nuôi tái đàn 100%. Ngoài ra, ngành nông nghiệp hướng dẫn, giám sát các cơ sở chăn nuôi tập trung, cơ sở chăn nuôi lợn thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thực hành chăn nuôi tốt và kê khai hoạt động chăn nuôi theo đúng quy định.
Trong khi đó, để tăng cường các biện pháp ngăn chặn, phòng, chống hiệu quả không để dịch tả lợn châu Phi tái phát, lây lan và giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi trên địa bàn, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có công văn yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan liên quan triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch.
Theo đó, tỉnh nhấn mạnh đội ngũ thú y viên cơ sở tại các xã, phường, thị trấn là nòng cốt trong giám sát dịch bệnh nhằm phát hiện nhanh, chính xác, kịp thời các ổ dịch, áp dụng các biện pháp kỹ thuật bao vây ổ dịch không để lây lan ra diện rộng; xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ, vứt xác lợn bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường dẫn đến dịch bệnh lây lan.
Các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là khu vực biên giới và trên các tuyến giao thông quan trọng.
Đối với các địa phương chưa phát sinh các ổ bệnh cần tăng cường thông tin, tuyên truyền đến người chăn nuôi chủ động phòng, chống dịch bệnh với phương châm “phòng bệnh là chính”; áp dụng nghiêm các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt, vệ sinh, sát trùng, phòng bệnh.
Theo ghi nhận của cơ quan chuyên môn thú y tỉnh Lạng Sơn, nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát và lây lan ra diện rộng trong thời gian tới trên địa bàn là rất cao, đặc biệt trong điều kiện người dân đang gia tăng tái đàn lợn, việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học còn hết sức hạn chế ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lạng Sơn cho biết, hiện những ổ dịch tả lợn châu Phi tại địa bàn đều diễn ra tại những nơi xảy ra dịch năm 2019. Qua đó cho thấy, mầm bệnh vẫn còn tồn dư, nếu hộ chăn nuôi thực hiện tái đàn không đảm bảo các quy định về an toàn sinh học thì việc lợn bị tái nhiễm bệnh là rất cao. Cùng với đó là một số hộ chăn nuôi mua con giống không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch thú y khiến nguy cơ dịch bệnh càng phức tạp.
Tính từ cuối năm 2019 đến thời điểm đầu tháng 5/2020, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã xuất hiện, tái phát các ổ dịch tả lợn châu Phi tại 25 hộ thuộc 7 xã, thị trấn của 6 huyện là Văn Quan, Cao Lộc, Chi Lăng, Văn Lãng, Hữu Lũng và Lộc Bình; đã thực hiện tiêu hủy 77 con lợn với tổng trọng lượng là trên 2.600 kg.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lạng Sơn khuyến cáo các hộ chăn nuôi lợn cần chủ động thực hiện các biện pháp an toàn sinh học; nghiêm túc thực hiện việc phun tiêu độc khử trùng theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Đồng thời, chủ động tiêm phòng các loại vắc xin phòng bệnh cho lợn. Ngoài ra, người dân cần mua con giống có đầy đủ giấy tờ kiểm dịch thú y, không nên mua con giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc.