Đồng Nai khó tái đàn vì thiếu lợn giống

Nguồn lợn giống khan hiếm, giá bán cao cùng với nguy cơ tái phát dịch bệnh đang là những nguyên nhân khiến người chăn nuôi lợn tại Đồng Nai chưa mạnh dạn tái đàn.

Trước đợt dịch tả lợn châu Phi, gia đình ông Hoàng Văn Cảnh (xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất) nuôi 500 con lợn thịt. Từ giữa năm 2019 đến nay, gia đình ông Cảnh “treo chuồng” không dám tái đàn vì e ngại dịch tả lợn châu Phi. 

“Hiện nay do giá lợn đang ở mức cao, gia đình tôi có ý định tái đàn trở lại, nhưng nguồn lợn giống đang khan hiếm, giá lại rất cao nên vẫn lưỡng lự chưa dám mua”, ông Cảnh cho biết. 

Không chỉ gia đình ông Cảnh mà rất nhiều hộ chăn nuôi lợn tại “thủ phủ” chăn nuôi Đồng Nai đang rơi vào tình cảnh tương tự. 

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, hiện nay lợn giống đang là vấn đề căn cơ nhất để có thể tái đàn, góp phần cung ứng nguồn thịt lợn cho thị trường sau “bão” dịch tả lợn châu Phi. 

Theo ông Đoán, đối với lợn giống có trọng lượng từ 6 - 7 kg/con hiện người dân đang phải mua với giá từ 2,5 - 2,7 triệu đồng/con. Lợn trọng lượng 20 kg/con có giá trên 4 triệu đồng. 

“Với một con lợn giống người chăn nuôi mua với giá 4 triệu đồng, cộng với 2,5 triệu đồng tiền cám, 200 nghìn đồng thuốc thú y, cộng với chi phí chuồng trại, điện, nước và công chăm sóc, đã đẩy giá thành chăn nuôi lên rất cao. Đó là chưa nói, nếu dịch bệnh tái phát thì nguy cơ người chăn nuôi thua lỗ là không thể tránh khỏi”, ông Đoán cho biết. 

Hiện nay giá lợn giống tại Đồng Nai đang tăng cao hàng ngày. Tuần trước, giá bán lợn giống khoảng 185.000 đồng/kg, nhưng đến hôm nay giá đã lên trên 200.000 đồng/kg. 

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, do lượng lợn nái sau dịch hầu như không còn nên hiện nay người chăn nuôi đang tuyển lợn nái bằng cách lấy lợn bố mẹ từ đàn lợn thịt để nhân đàn. Việc sử dụng lợn nái và tái đàn như hiện nay là sai kỹ thuật và dễ dẫn tới nguy cơ tái phát dịch. 

Một khó khăn khác mà người chăn nuôi gặp phải đó là khó khăn tiếp cận nguồn vốn để tái đàn. Do nguy cơ về dịch bệnh vẫn còn, trong khi giá lợn giống quá cao, nguồn cung cấp thức ăn chăn nuôi thận trọng hơn, khiến người chăn nuôi khó tiếp cận được nguồn tín dụng ưu đãi.

Ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh vẫn ưu tiên và khuyến khích người dân tái đàn lợn. Tuy nhiên, việc tái đàn vẫn phải kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo điều kiện an toàn dịch bệnh chứ không thể tái đàn ồ ạt.

Theo nhận định của các chuyên gia, để giảm giá thịt lợn trên thị trường hiện nay thì vấn đề đầu tiên phải là đảm bảo nguồn cung bằng cách sớm tái đàn. Vấn đề thứ hai là nhập thịt từ thị trường nước ngoài để ổn định giá thị trường trong nước.

Trong khi đó, theo Cục Thống kê tỉnh Đồng Nai, hiện nay các doanh nghiệp chăn nuôi có quy mô lớn trên địa bàn bắt đầu tái đàn trở lại. Tuy nhiên, tốc độ tái đàn tại những doanh nghiệp này chậm, do không đủ điều kiện và giá con giống hiện đang quá cao.

Theo Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai, giá lợn hơi ngày 7/5 trên địa bàn giảm nhẹ so với tuần trước. Theo đó, giá lợn hơi do Công ty C.P bán ra 70.000 đồng/kg. Giá lợn hơi do thương lái mua tại huyện Thống Nhất và huyện Xuân Lộc với giá 85.000 đồng/kg (giảm 5.000 - 6.000 đồng/kg so với tuần trước). 

Theo thống kê, hiện nay đàn lợn tại “thủ phủ” chăn nuôi Đồng Nai còn khoảng 1,9 triệu con, giảm 500.000 con so với thời điểm trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi. Số lợn này chủ yếu từ các công ty, tập đoàn chăn nuôi lớn còn ở trong dân là rất ít.

Sỹ Tuyên (TTXVN)
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Tái đàn lợn nhanh nhưng phải cẩn trọng, an toàn
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Tái đàn lợn nhanh nhưng phải cẩn trọng, an toàn

Tại hội nghị "Thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn" ngày 6/5 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, đến nay, ngành chăn nuôi đã tái đàn được trên 80% so với tổng đàn lợn thời điểm trước khi bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN