Tuy nhiên, người nuôi vẫn dè dặt do các chi phí đều tăng cao từ con giống, thức ăn chăn nuôi... đến chi phí phòng chống dịch bệnh. Mục tiêu tỉnh đặt ra là tái đàn phải bền vững, kiểm soát được dịch bệnh.
Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại Thái Nguyên từ khoảng giữa năm 2019, buộc phải tiêu hủy hơn 158.000 con lợn với trọng lượng khoảng 9.000 tấn. Để khuyến khích các hộ dân tái đàn, Thái Nguyên đã thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách hỗ trợ người nuôi có lợn mắc bệnh buộc tiêu hủy với số tiền gần 266 tỷ đồng từ trước Tết Nguyên đán 2020. Hiện giá thịt lợn ở mức cao, các bếp ăn tập thể đã hoạt động trở lại sau thời gian giãn cách bởi dịch COVID-19 nhưng người chăn nuôi vẫn chưa mặn mà quay trở lại.
Ông Lê Văn Tâm ở xóm Hòa Bình, xã Quân Chu, huyện Đại Từ chia sẻ, trang trại của ông trước nuôi 500 con lợn thịt. Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên giờ khu vực chuồng trại cũ vẫn bỏ không, gia đình mượn tạm khu trại mới của người nhà và đang nuôi 100 con; trong đó có 20 con nái. Để gây lại được đàn lợn như trước đây chắc phải mất ít nhất gần 2 năm.
Nhiều hộ chăn nuôi cũng cho rằng, sau dịch, số lượng đầu nái giảm. Các hộ nuôi chỉ đủ lợn giống để đáp ứng nhu cầu trang trại gia đình chứ không xuất bán ra ngoài, mặc dù giá lợn giống hiện đang khá cao, khoảng 2.000.000 đồng/con.
Theo kế hoạch, tỉnh sẽ tái đàn khoảng 650.000 con lợn; trong đó, có 150.000 nái và đực giống. Hiện tổng đàn lợn của Thái Nguyên là 541.000 con; trong đó có 100.000 nái và đực giống. Con số này tương đương với tổng đàn lợn tại Thái Nguyên vào thời điểm của năm 2016 và 2017.
Số đầu lợn hiện đủ cung cấp sản lượng thịt lợn cho toàn tỉnh với dân số 1,3 triệu người, bao gồm cả hơn 100.000 công nhân và 60.000 sinh viên. Sản lượng thịt lợn của Thái Nguyên cung cấp cho thị trường trong quý I/2020 đạt 38.000 tấn, chỉ hụt 2.000 tấn so với cùng kỳ.
Ông Hoàng Văn Dũng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên cho biết, sản lượng sản xuất hiện tại đảm bảo cung ứng đủ cho thị trường địa phương. Việc tăng thêm để đạt kế hoạch đề ra chủ yếu phục vụ cung ứng cho thị trường ngoài tỉnh và xuất khẩu.
Để đảm bảo tái đàn an toàn, ngành thú y Thái Nguyên đã triển khai tiêm phòng đợt 1 trên toàn bộ đàn gia súc, gia cầm; đồng thời, chỉ đạo các địa phương tổ chức tháng vệ sinh khử trùng tiêu độc tại các khu vực có ổ bệnh trước đây cũng như khu vực chợ, khu buôn bán động vật, sản phẩm động vật... Tỉnh cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người chăn nuôi thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn lợn.
"Muốn tái đàn an toàn cần đẩy mạnh triển khai Luật Chăn nuôi, chú trọng phòng bệnh, lập kế hoạch vùng sản xuất an toàn theo hướng giám sát dịch bệnh tận gốc. Song hành với việc thực thi các yêu cầu trên là hệ thống cơ chế chính sách ràng buộc cũng như hỗ trợ người chăn nuôi về vắcxin, hóa chất khử trùng tiêu độc, giám sát, lấy mẫu huyết thanh...", ông Dũng nhấn mạnh.
Hiện nay, mặc dù dịch tả lợn châu Phi đã được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tái bùng phát. Vì vậy, cơ quan chức năng khuyến cáo người nuôi trong quá trình đầu tư tái đàn cần thực hiện theo đúng hướng dẫn của ngành chuyên môn; đảm bảo đủ điều kiện vệ sinh thú y, phòng dịch và đăng ký kê khai số lượng với địa phương; đồng thời, thực hiện tốt biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, tránh tái đàn ồ ạt và không chủ quan với dịch bệnh.