Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Đặc biệt chú ý tới an toàn sinh học trong tái đàn lợn

Ngày 4/5, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra tình hình chăn nuôi lợn tại một số trang trại trên địa bàn Đồng Nai và làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai bàn giải pháp tái đàn lợn.

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Công Phong/TTXVN

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, Đồng Nai là tỉnh có đàn lợn lớn nhất cả nước, việc tái đàn lợn của tỉnh có ý nghĩa rất quan trọng, giúp tăng nguồn cung thịt lợn cho cả nước. Trong quá trình tái đàn, tỉnh cần đặc biệt chú ý vấn đề an toàn sinh học, khuyến khích doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn người dân kỹ thuật chăn nuôi an toàn.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Đồng Nai có nhiều trang trại chăn nuôi tập trung, đàn lợn nái sinh sản lớn với 215.000 con, đây là những điều kiện thuận lợi cho việc tái đàn. Chính quyền địa phương cần làm việc với ngân hàng, qua đó cung cấp vốn vay ưu đãi cho người chăn nuôi; đưa ra chính sách cụ thể hỗ trợ người nuôi lợn giống. Doanh nghiệp chăn nuôi lớn chia sẻ rộng rãi con giống trên thị trường. Thứ trưởng cũng chỉ đạo các thành viên trong Đoàn tiếp thu, xem xét những kiến nghị, đề xuất của Đồng Nai. 

Trong quá trình kiểm tra việc chăn nuôi tại các trang trại ở huyện Vĩnh Cửu và huyện Trảng Bom (Đồng Nai), Đoàn công tác nhận thấy, người chăn nuôi đang đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là tình trạng khan hiếm và giá con giống tăng cao (mỗi con giống có giá khoảng 3 triệu đồng); người dân không đủ khả năng tái đàn với quy mô lớn. Đoàn công tác yêu cầu, khi tái đàn, các trang trại phải tăng cường biện pháp đảm bảo an toàn sinh học. 

Theo ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai, do dịch tả lợn châu Phi, Đồng Nai phải tiêu hủy khoảng 450.000 con lợn với trọng lượng gần 24.000 tấn; chi gần 670 tỷ đồng hỗ trợ các hộ có lợn bị tiêu huỷ. 

Cuối tháng 3/2020, Đồng Nai công bố hết dịch tả lợn châu Phi, từ đó đến nay đã có gần 330 cơ sở chăn nuôi tái đàn với số lượng gần 220.000 con lợn. Hiện tổng đàn đàn lợn của tỉnh đạt gần 2,1 triệu con, tăng khoảng 14% so với tháng 1/2020; trong đó chăn nuôi trang trại chiếm hơn 90%, chăn nuôi nhỏ lẻ (hơn 6.000 hộ) chiếm gần 10% tổng đàn. 

Ông Vinh cho biết, tốc độ tái đàn lợn của Đồng Nai đang diễn ra nhanh, dự kiến cuối năm 2020, tổng đàn lợn của tỉnh sẽ đạt hơn 2,5 triệu con. Tỉnh xác định tái đàn lợn là nhiệm vụ cấp bách, song không tái đàn bằng mọi giá, chỉ tái đàn ở các trang trại đảm bảo an toàn sinh học, kiên quyết không tái đàn tại các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, nằm trong khu dân cư, không đảm bảo an toàn dịch bệnh. 

Tại buổi làm việc, UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các Trung tâm giống thuộc quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường sản xuất để cung cấp con giống cho các cơ sở chăn nuôi; đề ra cơ chế, chính sách hỗ trợ con giống trong giai đoạn hiện nay; chấp thuận cho Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai được xét nghiệm mẫu dịch tả lợn châu Phi.

Công Phong (TTXVN)
Nhiều tỉnh tái đàn lợn đạt 90% so với trước khi có dịch tả lợn châu Phi
Nhiều tỉnh tái đàn lợn đạt 90% so với trước khi có dịch tả lợn châu Phi

Từ cuối tháng 12/2019, nhiều địa phương đã mạnh dạn tái đàn ngay sau khi hết dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Đến nay, một số địa phương được xem là ít gặp tổn thất từ dịch bệnh đã đảm bảo đạt 90% số lượng lợn so với trước khi có dịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN