Sức hút đầu tư từ vùng cực Nam Tổ quốc

Là tỉnh có ba mặt giáp biển, nằm ở cực Nam đất nước, tỉnh Cà Mau định hướng thu hút đầu tư để trở thành vùng phát triển năng động và toàn diện, đóng góp quan trọng vào chiến lược phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.

Chú thích ảnh
Du khách tham quan biểu tượng mũi tàu Cà Mau. Ảnh: Mạnh Linh/Báo Tin tức

Hút đầu tư vào dự án động lực

Đề cập về tiềm năng, thế mạnh thu hút các nhà đầu tư đến Cà Mau, ông Quách Văn Ấn - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (iPEC) cho biết, Cà Mau cách Tp. Hồ Chí Minh khoảng 370 km và có đường bờ biển trải dài 254 km là một trong những vùng kinh tế trọng điểm của Đồng bằng sông Cửu Long và thuộc hành lang kinh tế ven biển phía Đông của vùng biển Tây Nam Bộ và hành lang phát triển phía Nam (Bangkok, Thái Lan – Phnom Penh, Campuchia – Hà Tiên – Cà Mau, Việt Nam). Vị trí địa lý thuận lợi này mang lại cho Cà Mau tiềm năng phát triển kinh tế toàn diện, đặc biệt là kinh tế thủy sản, năng lượng, du lịch sinh thái, du lịch biển đảo.

Giai đoạn 2015 – 2020, Cà Mau đã mời gọi đầu tư trên nhiều lĩnh vực với các nhà đầu tư ngoại đến từ Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Australia, Thái Lan, Trung Quốc cũng như nhà đầu tư trong nước. Giai đoạn này, tỉnh đã thu hút được 204 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký trên 54.394 tỷ đồng, tăng 91% dự án so với giai đoạn 2011 - 2015 và thu hút được 7 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư gần 385 triệu USD.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cà Mau Phan Hoàng Vũ, tỉnh đã tích cực thu hút, mời gọi đầu tư vào các dự án động lực như: Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, đầu tư hạ tầng Khu phi thuế quan Khu kinh tế Năm Căn, đầu tư hạ tầng Trung tâm Tài chính - Thương mại Khu Kinh tế Năm Căn, dự án Khu du lịch Mũi Cà Mau. Cùng đó, ưu tiên xúc tiến đầu tư các dự án nông nghiệp công nghệ cao nhằm đáp ứng những yêu cầu nhập khẩu vào thị trường EU theo Hiệp định EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU).

Ước tính từ đầu năm 2021 đến nay, Cà Mau đã thu hút được 9 dự án vào các lĩnh vực như: xây dựng khu đô thị, điểm du lịch sinh thái, nhà máy xử lý chế biến phụ phẩm thủy hải sản, nhà máy xử lý nước thải tập trung... với tổng vốn đăng ký trên 3.314 tỷ đồng, tăng 3 dự án so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó có một dự án FDI với số vốn đăng ký lên đến 4,3 triệu USD.

Cà Mau cũng đã và đang quy hoạch xây dựng Khu công nghiệp Khánh An, Hòa Trung và Khu kinh tế Năm Căn. Đặc biệt, Khu công nghiệp Khánh An đã đầu tư tuyến đường N1 - con đường huyết mạch đấu nối tuyến đường Võ Văn Kiệt đến sông Cái Tàu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tập kết vật tư xây dựng các nhà máy, kho bãi. Hệ thống hạ tầng cơ bản hoàn chỉnh như: xây dựng tuyến đường D6, xây dựng hàng rào khu công nghiệp, hệ thống thoát nước, đắp bờ bao khu công nghiệp... Từ đó, Khu công nghiệp Khánh An được tạo nên diện mạo mới cùng các dự án lần lượt đăng ký đầu tư. Tính đến nay, Khu công nghiệp Khánh An thu hút 20 dự án đầu tư, tập trung vào các ngành công nghiệp xử lý khí, vật liệu xây dựng, sản xuất gỗ, bao bì. Các dự án đã thực hiện tốt tiến độ cam kết và dần đi vào hoạt động.

Từ góc nhìn của nhà đầu tư, theo ông Đào Hồng Tuyển - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Tuần Châu (Tuần Châu Group), Cà Mau nhiều tiềm năng để có thể xây dựng “thành phố hải sản” với những khu vực như dịch vụ hậu cần, khu đấu giá thu mua hải sản, khu vui chơi giải trí phức hợp... Gần đây, Tuần Châu Group cùng 2 tập đoàn lớn là Nam Miền Trung Group và Hồ Gươm Group đã đến Cà Mau tìm hiểu cơ hội đầu tư và đề xuất ý tưởng với UBND tỉnh về việc đầu tư ngành hàng quy mô lớn, tổ chức lại ngành nghề, đồng bộ, gắn với cảng biển có tầm vóc, hình thành đô thị hải sản tại huyện Năm Căn.

"Cà Mau có thế mạnh là nơi tập trung lượng tàu thuyền khai thác, đánh bắt thủy sản trên biển đông đảo nhất khu vực vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đây cũng là nơi có nhiều tiềm năng, kinh nghiệm về nghiên cứu, nuôi trồng, chế biến hải sản. Do đó, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế nên về tỉnh Cà Mau nghiên cứu đầu tư", ông Tuyển đưa ra lời khuyên.

Cải thiện chỉ số PCI

Chú thích ảnh
Việc thực hiện giải quyết thủ tục hành chính qua tổng đài đã góp phần hạn chế tụ tập đông người nhằm để phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Kim Há/TTXVN

Theo kết quả công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Cà Mau năm 2020 xếp thứ 43/63 tỉnh, thành trong cả nước, tăng 2 hạng so với năm 2019, xếp thứ 8/13 tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Kết quả PCI năm 2020, đánh dấu 5 năm liên tục PCI của tỉnh Cà Mau chuyển biến tích cực về thứ hạng so với cả nước và 2 năm liên tục PCI của Cà Mau có những chuyển biến tích cực về thứ hạng so với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, đây là kết quả khiêm tốn và chưa tương xứng với những thế mạnh của tỉnh.

Ông Trần Hồng Quân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, giai đoạn 2020 - 2025, một trong những đột phá chiến lược của Cà Mau là đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tỉnh coi trọng phát triển chính quyền số, gắn với cách cách hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn, qua đó đẩy mạnh thu hút đầu tư.

Cà Mau đặt mục tiêu đến năm 2025 có 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh và 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện, 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng.

Cà Mau cũng huy động các nguồn lực đầu tư; trong đó, ưu tiên cho cơ sở hạ tầng, tăng cường xúc tiến đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cho tỉnh. Lãnh đạo tỉnh sẵn sàng tiếp xúc để giới thiệu các chính sách, dự án và hỗ trợ nhà đầu tư từ khâu thủ tục cho đến quá trình triển khai dự án...

Ông Quách Văn Ấn - Giám đốc iEPC cho biết, giai đoạn tới sẽ duy trì Chương trình Cà phê kết nối doanh nghiệp. Các buổi sáng hàng tuần là chương trình giải quyết khó khăn vướng mắc cho nhà đầu tư và doanh nghiệp. Thứ 7 là chương trình chuyên đề chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia, nhà đầu tư, doanh nghiệp quan tâm đến Cà Mau, doanh nghiệp là người con của Cà Mau thành công ở nhiều nơi, Start up khởi nghiệp thành công... Hàng tháng, sẽ tổ chức từ 1 - 2 lớp đào tạo kỹ năng cho doanh nghiệp; tổ chức chuyên đề lớn do tỉnh đăng cai như chương trình cà phê kết nối du lịch, kết nối ngành gỗ, kết nối ngành năng lượng tái tạo, chuyển đổi số cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản... theo quý.

Từ góc độ của doanh nghiệp, chị Lê Kiều Phương – Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại xây dựng Phúc Thịnh - chủ thương hiệu bánh phồng NaCaMa đánh giá, nhờ có các chương trình cải cách, tập huấn, hỗ trợ thường xuyên của tỉnh, đến nay, sản phẩm bánh phồng NaCaMa của công ty đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao, có thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường, duy trì được doanh số, doanh thu để trang trải trong đại dịch COVID-19.

Minh Hưng – Kim Há – Thanh Trà (TTXVN)
Đất Mũi Cà Mau rộn ràng trong Ngày hội non sông
Đất Mũi Cà Mau rộn ràng trong Ngày hội non sông

Ngày 23/5, tại nơi cực Nam Tổ quốc, cử tri ở ấp Mũi (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) đã đến điểm bỏ phiếu từ rất sớm nhằm thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình trong Ngày Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN