Nhằm đẩy mạnh hơn việc xây dựng thương hiệu cho tôm sú Cà Mau, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau phối hợp với Trung tâm Phát triển nông thôn xây dựng chỉ dẫn địa lý, logo chung cho tôm sú Cà Mau.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh cho biết, dự án Xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý Cà Mau cho sản phẩm tôm sú (được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt theo Quyết định số 665/QÐ-BKHCN ngày 13/3/2020, thuộc chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020), đến nay dự án đã hoàn thiện và đưa vào khai thác chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tôm của tỉnh. Thời gian tới đây, đơn vị chuyển giao các kiến thức về sở hữu trí tuệ và hệ thống công cụ quản lý chỉ dẫn địa lý tôm sú Cà Mau cho các địa phương tiếp nhận, đưa vào khai thác, sử dụng hiệu quả cao nhất đối với các sản phẩm tôm sú Cà Mau.
Ông Nguyễn Văn Ba, Trung tâm Phát triển nông thôn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, đơn vị chủ nhiệm dự án cho rằng, chỉ dẫn địa lý là một trong những cách làm tốt nhất hiện nay được nhiều nước trên thế giới áp dụng cho sản phẩm đặc sản để không bị lạm dụng danh tiếng trên thị trường trong nước và quốc tế. Một số quốc gia đang rất thành công trong việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý như Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Ấn Độ, Thái Lan... Hiện, Việt Nam đang quan tâm hơn về chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm của mình.
Ông Nguyễn Hoàng Ân, Giám đốc Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Cái Bát (huyện Cái Nước) cho biết, hợp tác xã đã đăng ký nhãn hiệu, logo được 6 sản phẩm tôm, cua và cá các loại. Ðặc biệt, danh tiếng của sản phẩm tôm sú, cua được cả nước biết đến và tin dùng. Do đó, việc đẩy mạnh thực hiện chỉ dẫn địa lý là cơ sở quan trọng để bảo vệ danh tiếng tránh hình thức xâm phạm về nguồn gốc, xuất xứ các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Đáng kể như thời gian qua là việc mạo danh cua, tôm Cà Mau rồi bán trôi nổi trên thị trường trong nước gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, chất lượng của sản phẩm địa phương.
Theo các chuyên gia, việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho con tôm Cà Mau là công việc ban đầu. Để giữ gìn thương hiệu tôm sú Cà Mau, những người sản xuất, doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước phải nỗ lực hơn nữa để quản lý tốt chất lượng công bố tiêu chuẩn chất lượng theo bảng mô tả của mình. Cụ thể, phải giữ gìn và phát huy được giá trị cốt lõi nhất của tôm sú Cà Mau, điển hình như: đảm bảo môi trường sinh thái, con giống, nguồn thức ăn và dinh dưỡng...
Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau đã tổ chức các lớp tập huấn phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ, đồng thời tổ chức các hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện hệ thống công cụ quản lý chỉ dẫn địa lý tôm sú Cà Mau. Qua đó, các khái niệm về nhãn hiệu, nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận, cách sử dụng cũng như việc phân biệt nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm, nhất là logo chỉ dẫn địa lý tôm sú Cà Mau cho các ngành, các cấp địa phương trong tỉnh nắm, triển khai thực hiện.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Ba cho biết thêm, các địa phương cấp huyện nên xây dựng logo, nhãn hiệu cho từng sản phẩm của riêng mình. "Chỉ dẫn địa lý sản phẩm tôm sú Cà Mau được triển khai sẽ là bước ngoặt lớn không những trong việc chống hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng mà nó còn mang lại giá trị to lớn hơn về thương hiệu của con tôm sú Cà Mau trên thị trường trong và ngoài nước", ông Nguyễn Văn Ba, đánh giá.
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau Thái Trường Giang cho biết, mục tiêu bảo hộ thành công chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tôm sú tự nhiên của địa phương là rất cần thiết, tạo cơ sở cho sản xuất bền vững, bảo vệ danh tiếng, giá trị sản phẩm tôm sú trên thị trường. Bên cạnh thúc đẩy quá trình ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong nuôi, bảo quản, chế biến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm tôm sú, đây cũng là cơ sở để đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu cho tôm sú Cà Mau.