Thực hiện chiến dịch kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng chức năng, nhất là lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện hàng chục vụ việc vận chuyển kinh doanh các loại vật tư y tế, thuốc chữa bệnh COVID-19 trên thị trường với nhiều loại khác nhau.
Cụ thể, ngày 1/3, Đội Quản lý thị trường số 5, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội phối hợp Công an quận Hai Bà Trưng kiểm tra đối tượng vận chuyển hàng hóa tại địa chỉ số 902 Bạch Đằng - phường Thanh Lương - quận Hai Bà Trưng.
Sau quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 900 bộ kit test COVID-19. Chủ hàng hoá là Nguyễn Văn Hiếu (sinh năm 2001) không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp pháp. Lô hàng có tổng trị giá khoảng 27 triệu đồng.
Do vậy, Đội Quản lý thị trường số 5 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 16 triệu đồng; đồng thời tịch thu toàn bộ số hàng hóa vi phạm để xử lý theo quy định.
Cùng với đó, Đội Quản lý thị trường số 5 thuộc Cục vừa phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Tuyên Quang kiểm tra xe ô tô mang biển số 22A-118.21 trên Quốc lộ 2 (thuộc địa phận thành phố Tuyên Quang).
Qua kiểm tra phát hiện trên xe có 1.000 bộ kit test nhanh xuất xứ Trung Quốc có dấu hiệu nhập lậu, chủ hàng là bà Nguyễn Thị V.T.
Qua làm việc với cơ quan chức năng, bà V.T khai nhận, toàn bộ số kít test nhanh COVID-19 trên là do bà đặt trên mạng xã hội facebook của một người không rõ tên tuổi địa chỉ với tổng giá trị hàng hoá gần 50 triệu đồng và bên bán sẽ gửi xe khách tuyến Hà Nội - Tuyên Quang lên thành phố Tuyên Quang cho bà V.T. Sau khi lấy hàng hoá xong, trên đường vận chuyển về nhà thì lực lượng chức năng kiểm tra tạm giữ số hàng hóa trên để xử lý.
Lực lượng quản lý thị trường Tuyên Quang đã xử phạt vi phạm hành chính vụ việc với số tiền 30 triệu đồng, tịch thu toàn bộ hàng hoá vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.
Đây chỉ là một số vụ việc trong hàng chục vụ kiểm tra, xử lý đối với các mặt hàng này của quản lý thị trường xử lý trong mấy ngày qua; trong đó điển hình là các loại thuốc mang thương hiệu Lianhua Qingwen jiaonang" (còn gọi là "Liên hoa thanh ôn" (loại 24 viên/hộp (2 vỉ /hộp) do Trung Quốc sản xuất; Arbidol, Areplivir do Nga sản xuất; kit test nhanh COVID-19 thương hiệu Rapid Antigen…
Đánh giá chung từ các Cục Quản lý thị trường địa phương cho thấy, nắm bắt được tâm lý muốn mua thuốc của ngừoi tiêu dùng cũng như dấu hiệu quá tải tại một số hệ thống y tế, các đối tượng đã tìm cách tuồn sản phẩm nhập lậu về thị trường nội địa như bộ đồ bảo hộ chống dịch, khẩu trang y tế, thuốc điều trị COVID-19, máy tạo oxy, kit xét nghiệm, nước sát khuẩn, găng tay y tế đã qua sử dụng…
Hầu hết các sản phẩm này đều được bán trôi nổi tại các trang Zalo, Facebook và hoàn toàn không có chứng chỉ hành nghề dược (chủ yếu bán hàng online) không có kiến thức về y tế, không nhận biết được đâu là hàng chất lượng đã được kiểm định, đâu là hàng trôi nổi để tư vấn cho người mua.
Đây cũng là lý do khiến không ít người tiêu dùng đã mua phải sản phẩm kém chất lượng, khiến tiền mất, tật mang do tin vào những lời quảng cáo về chất lượng sản phẩm và nghĩ rằng đây đều là hàng xách tay.
Chị Đặng Mai Linh, nhân viên văn phòng tại quận Hai Bà Trưng-Hà Nội chia sẻ, do gia đình có 6 người đều F0 nên không thể ra ngoài mua thuốc điều trị. Bởi vậy, gia đình đã lên mạng tìm địa chỉ và đặt mua thuốc. Thế nhưng khi nhận hàng thì sản phẩm có tem và nhãn mác nước ngoài, không có nhãn phụ.
Hơn nữa, que thử kist test cho hai kết quả khác nhau khi sử dụng vào cùng một thời điểm. Điều này cho thấy chất lượng hàng không đủ tiêu chuẩn chưa kể đó là hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Để đảm bảo quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã có công văn gửi Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường kiểm tra, kiểm soát mặt hàng kit test COVID-19 và các sản phẩm thuốc điều trị COVID-19 chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành, có dấu hiệu nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng.
Theo đó, Tổng cục Quản lý thị trường yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện nghiêm các nội dung tại các công văn số 3005/TCQLTT-CNV ngày 30 tháng 12 năm 2021 về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát mặt hàng thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19; Công văn số 846/TCQLTT-CNV ngày 10 tháng 5 năm 2021 vể việc tiếp tục tăng cường phòng chống dịch COVID-19.
Các Cục Quản lý thị trường địa phương cũng đã có văn bản chỉ đạo các đội trên địa bàn tăng cường tập trung kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong kinh doanh vật tư, thiết bị y tế, các loại thuốc hỗ trợ, điều trị COVID-19 trên địa bàn.
Bên cạnh đó, giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng tình hình dịch COVID-19 để đầu cơ, găm hàng, tăng giá hàng hóa, định giá mua, giá bán bất hợp lý các mặt hàng là vật tư, trang thiết bị y tế; buôn bán thuốc hỗ trợ, điều trị COVID-19 các loại chưa được phép lưu hành, sử dụng.
Đồng thời lực lượng quản lý thị trường chủ động, phối hợp các sở, ngành chức năng, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường tuyên truyền pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh và cộng đồng trong phòng chống dịch COVID-19.