Liên tiếp phát hiện các vụ kinh doanh kit test, thuốc điều trị COVID-19 không rõ nguồn gốc

Lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) các địa phương liên tiếp phát hiện và thu giữ hàng nghìn kit test COVID-19 và thuốc thuốc điều trị COVID-19 không rõ nguồn gốc.

Chú thích ảnh
Số thuốc COVID-19 được lực lượng chức năng thu giữ tại Hà Nội. Ảnh: QLTT.

Chiều 28/2, Đội QLTT số 17 (Cục QLTT Hà Nội) phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP Hà Nội tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh tại địa chỉ 115 Trung Phụng, Đống Đa, Hà Nội do bà Nguyễn Thị Ngân Hà (sinh năm 1992) làm chủ. 

Bước đầu kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở này đang kinh doanh các mặt hàng phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19, trong đó, theo lời chủ cơ sở có 3.030 sản phẩm có tác dụng hỗ trợ điều trị COVID-19.

Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận, bao bì hàng hóa có ghi chữ nước ngoài, không có nhãn phụ là tiếng Việt Nam. Chủ cơ sở kinh doanh chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ liên quan đến số hàng hóa trên. Đáng chú ý, chủ cơ sở này khai nhận, đã thu mua 3.030 sản phẩm “hỗ trợ điều trị COVID-19” trôi nổi trên mạng, về bán kiếm lời. 

Hiện, Đội QLTT số 17 tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật. Thời gian tới, Đội sẽ tiếp tục nắm bắt địa bàn, bám sát diễn biến dịch bệnh để kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh, ngăn chặn hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi.

Cùng ngày, Đội QLTT số 3, Cục QLTT Thái Nguyên đã phát hiện xe mô tô biển kiểm soát 20H-154.59 do ông Dương Đức G, có địa chỉ tại xã Thành Công, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên đang vận chuyển hàng hóa là kit test nhanh COVID-19, có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu.

Tiến hành kiểm tra phương tiện, đoàn kiểm tra phát hiện 400 bộ kit test nhanh COVID-19, do Trung Quốc sản xuất. Qua đấu tranh làm rõ, chủ hàng khai nhận, do diễn biến tình hình dịch bệnh tại địa phương và nhu cầu mua kit test COVID-19 tăng đột biến, nên đã đặt mua hàng trên mạng xã hội về bán và không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp của hàng hóa. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu. Cùng ngày, Đội trưởng Đội QLTT số 3 đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 16.000.000 đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa có trị giá 24.000.000 đồng.

Cũng trong ngày 28/2, Đội QLTT số 2 tiến hành kiểm tra đột xuất cửa hàng Sơn Hương do bà Lưu Thị Hương làm chủ, tại tổ 7, phường Quang Trung, TP Thái Nguyên, tại thời điểm kiểm tra, cửa hàng Sơn Hương đang bày bán 77 hộp sản phẩm màu xanh ngọc (bên trong hộp có 1 vỉ, trên vỉ có 10 viên dạng nén màu trắng), 9 hộp sản phẩm màu xanh dương (trong hộp có 1 vỉ, trên vỉ có 10 viên dạng con nhộng màu trắng vàng), 17 hộp sản phẩm màu đỏ (bên trong có 01 vỉ, trên vỉ có 10 viên dạng con nhộng màu trắng).

Tất cả các sản phẩm này đều cùng một nhãn hiệu, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Bà Hương không xuất trình được giấy tờ, hóa đơn, chứng từ liên quan đến số hàng hóa trên, trị giá lô hàng 103 hộp thuốc gần 30 triệu đồng. Đoàn Kiểm tra đã tiến hành lập biên bản vụ việc, tam giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm, tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Chú thích ảnh
Lực lượng QLTT kiểm tra số thuốc COVID-19 thu giữ. Ảnh: QL.

Theo đại diện Tổng cục QLTT, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhu cầu tiêu dùng mặt hàng dược phẩm, vật tư y tế của người dân sẽ tiếp tục tăng cao, rất nhiều đối tượng sẽ lợi dụng tình hình dịch bệnh để kinh doanh, vận chuyển hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng… 

Thủ đoạn của các đối tượng này rất tinh vi, thường không có địa điểm kinh doanh cố định. Phương thức giao hàng, nhận hàng ở những nơi khuất dân cư, hoặc gọi giao hàng qua các ứng dụng công nghệ. Điều này gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình nắm bắt, kiểm soát và phát hiện.

Thu Trang/Báo Tin tức
Giám sát chặt thị trường trước dịch COVID-19 và xung đột vũ trang tại Ukraine
Giám sát chặt thị trường trước dịch COVID-19 và xung đột vũ trang tại Ukraine

Bộ Công Thương vừa ban hành Công điện số 960/CĐ-BCT ngày 1/3/2022 gửi Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường trước tình hình ảnh hưởng của dịch COVID-19 và xung đột vũ trang tại Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN