Đây được xem là sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị, toàn ngành giao thông vận tải để phấn đấu đến năm 2030, cả nước có 5.000km cao tốc.
Những ngày cuối năm cuối năm 2022, các Ban quản lý dự án (Bộ Giao thông vận tải) bận rộn với việc ký hợp đồng với các nhà thầu và hoàn thiện những thủ tục cuối cùng cho lễ khởi công dự án vào ngày đầu năm 2023. Trong khi đó, các nhà thầu tham gia cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 cũng khẩn trương huy động thiết bị, máy móc để có thể thi công ngay sau lễ khởi công.
Ông Phạm Văn Khôi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành (Phương Thành Tranconsin) cho hay, sau khi ký kết hợp đồng đến nay, Phương Thành Tranconsin đã huy động vào dự án thành phần Vũng Áng - Bùng khoảng 25 đầu máy, thiết bị. Sau lễ khởi công, máy móc, thiết bị sẽ được điều chuyển ngay đến vị trí có thể thi công được.
Trong khi đó, tại dự án thành phần Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả cho biết, hiện đơn vị cũng đã sẵn sàng nguồn lực thi công dự án. Trong thời gian qua, Tập đoàn Đèo Cả đã đầu tư bổ sung nhiều máy móc, thiết bị với giá trị trên 1.000 tỷ đồng, đặc biệt là các thiết bị thi công chuyên dụng như máy khoan hầm, máy phun vẩy, máy khoan nhồi đường kính lớn, máy đào, ô tô vận chuyển...
Tuy nhiên, để hoàn thành đúng tiến độ dự án, đại diện Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các Ban quản lý dự án khẩn trương phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công để đáp ứng tiến độ thi công trên hiện trường tổ chức làm việc với UBND các tỉnh sớm bàn giao mặt bằng, đặc biệt tại các phạm vi đường găng tiến độ như (nền đất yếu, các cửa hầm, cầu, nút giao…) đồng thời vận động nhân dân tại khu vực dự án thống nhất việc nhà thầu sử dụng các đường tiếp cận vào công trường.
Cùng với đó, đề nghị Ban quản lý dự án yêu cầu tư vấn giám sát khẩn trương huy động đầy đủ nhân lực đáp ứng với kế hoạch triển khai thi công của nhà thầu; đồng thời phải bố trí đủ nhân sự trong thời gian nhà thầu thi công xuyên Tết và các ngày nghỉ.
Là nhà thầu được chọn tham gia thi công xây lắp các dự án thành phần Bùng - Vạn Ninh, Hoài Nhơn - Quy Nhơn và Cần Thơ - Hậu Giang, ông Nguyễn Hữu Ngọc, Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn thông tin, ngay sau khi được lựa chọn là nhà thầu tham gia thi công một số gói thầu xây lắp các dự án thành phần cáo tốc Bắc – Nam giai đoạn 2, đơn vị đã khẩn trương huy động thiết bị (máy đào, máy ủi, ô tô), xây dựng lán trại.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, tính đến nay, các địa phương đã bàn giao mặt bằng được 516,3 trong tổng số 721,16km tuyến chính của dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2. Một số địa phương có tỷ lệ bàn giao cao như: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau.
Ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình thông tin, tiến độ giải phóng mặt bằng đã đáp ứng theo yêu cầu, tuy nhiên tỷ lệ vẫn còn thấp. Vì vậy, thời gian tới tỉnh yêu cầu các đơn vị liên quan cần bám sát để đốc thúc tiến độ. Về giải phóng mặt bằng các khu tái định cư, tỉnh đang đốc thúc các địa phương khẩn trương lập, phê duyệt dự án đầu tư các dự án để sớm thi công.
Theo ông Lê Quyết Tiến, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông vận tải), đây là lần đầu tiên Bộ Giao thông Vận tải tổ chức một lễ khởi công đồng loạt, kết nối trực tuyến 12 dự án thành phần có quy mô lớn thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2. Thách thức là rất lớn nhưng có thể khẳng định đến thời điểm này, dự án bước đầu đạt được nhiều kết quả khả quan.
Cụ thể, ông Lê Quyết Tiến cho hay, toàn bộ 25 gói thầu thuộc 12 dự án thành phần đã được phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán. Trong đó, 14 trong 25 gói thầu đã lựa chọn được nhà thầu xây lắp, thương thảo, ký hợp đồng trong tháng 12/2022. Ngày 1/1/2023, 12 gói thầu đầu tiên đồng loạt khởi công. 13 gói thầu còn lại, Bộ Giao thông Vận tải đang chỉ đạo các đơn vị hoàn thành các thủ tục, tổ chức thi công trước Tết Quý Mão.
"Việc đáp ứng đúng tiến độ khởi công cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 có sự nỗ lực rất lớn của 12 địa phương dự án đi qua trong việc bàn giao 70% diện tích mặt bằng các gói thầu xây lắp. Đây cũng là kết quả rất đáng được khích lệ, chưa một dự án giao thông lớn nào trong nửa năm, tỷ lệ bàn giao mặt bằng lớn như vậy", ông Lê Quyết Tiến chia sẻ thêm.
Tuy nhiên ông Lê Quyết Tiến cho rằng, mấu chốt để dự án thành công là mặt bằng, vật liệu, bãi đổ thải phải được đảm bảo. Nhiệm vụ đặt ra là phải xây dựng được tiến độ tổng thể, tiến độ chi tiết, xác định các hạng mục mang tính quyết định. Chỗ nào có công địa, mặt bằng, chỗ đó phải được tổ chức thi công ngay. Dự án muốn đảm bảo tiến độ, sự đồng hành, chia sẻ của các Bộ, ngành, địa phương vẫn đóng vai trò tiên quyết.
Liên quan đến nguồn vật liệu, đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng thông tin, tính đến nay, công tác khảo sát mỏ vật liệu xây dựng thông thường đã được tư vấn cơ bản hoàn thành, thỏa thuận với các địa phương và đưa vào hồ sơ mỏ vật liệu. Đối với 10 dự án thành phần từ tỉnh Hà Tĩnh đến tỉnh Khánh Hòa, hồ sơ khảo sát đã xác định 147 mỏ đất đắp nền đường với tổng trữ lượng khoảng hơn 187 triệu m3, đáp ứng đủ nhu cầu của dự án khoảng gần 60 triệu m3. 123 mỏ cát cũng đã được xác định với tổng trữ lượng khoảng gần 70 triệu m3, đáp ứng đủ nhu cầu của dự án khoảng hơn 11 triệu m3.
Trong đó, tại dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, số lượng trong phạm vi khoanh vùng là 14 mỏ. Sau khi rà soát, điều chỉnh bổ sung các mỏ vật liệu ở bước thiết kế kỹ thuật, tổng trữ lượng đất san lấp được địa phương chấp thuận cho dự án khoảng gần 15 triệu m3, trong khi theo tính toán nhu cầu của dự án chỉ cần hơn 9,6 triệu m3.
Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án Thăng Long (chủ đầu tư dự án thành phần Bãi Vọt - Hàm Nghi và Hàm Nghi - Vũng Áng), tại dự án Bãi Vọt - Hàm Nghi, nhu cầu trữ lượng đất cần hơn 3,9 triệu m3, công tác khảo sát được 13 vị trí với tổng trữ lượng hơn 15,4 triệu m3; vật liệu cát cần 450 nghìn m3, khảo sát được 5 vị trí với tổng trữ lượng hơn 935 nghìn m3; vật liệu đá cần 692 nghìn m3, khảo sát được 8 vị trí với tổng trữ lượng 11,7 triệu m3.
Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, 2 dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận làm chủ đầu tư, tính toán cho thấy nhu cầu cát đắp nền đường cần khoảng 18,5 triệu m3. Song, lãnh đạo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho hay đến nay, mới chỉ có tỉnh An Giang dự kiến cung cấp cấp khoảng 1,1 triệu m3 cát cho dự án từ nguồn tăng 50% công suất các mỏ đang khai thác.
Để giải quyết vấn đề này, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải thông tin, ngày 14/12 vừa qua, Bộ đã phối hợp Bộ Tài nguyên và Mỗi trường làm việc với các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có nguồn cát, đề nghị các địa phương có nguồn cát sông triển khai thủ tục giao mỏ mới, đăng ký khối lượng vật liệu cấp cho từng dự án theo nguyên tắc dự án nào triển khai trước sẽ được cấp trước. Song song với nguồn cát sông, Bộ đã chủ động chỉ đạo các đơn vị tham mưu nghiên cứu sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường.
Về công tác chuẩn bị cho lễ khởi công 12 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, trong 12 điểm cầu có 3 điểm chính tại các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Ngãi và Hậu Giang đại diện cho 3 khu vực (Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ). Trong đó, điểm cầu trung tâm đặt tại Quảng Ngãi (dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn). Theo đại diện các Ban quản lý dự án, công tác chuẩn bị đã hoàn tất sẵn sàng cho lễ khởi công vào ngày 1/1/2023.
Ghi nhận của phóng viên TTXVN tại Quảng Bình, tiến độ các hạng mục thi công phục vụ cho buổi lễ đã cơ bản hoàn thành. Trong khi đó, tại điểm cầu chính tại Quảng Ngãi, Ban Quản lý dự án 2 và Tập đoàn Đèo Cả đã hoàn thành xong các hạng mục như khu nhà bạt, nhà họp lễ, khu vực VIP, nhà diễn ra lễ khởi công...
Đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho biết, để đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải nhằm hoàn thành toàn bộ khu vực tổ chức lễ khởi công nên đơn vị đã thi công cả ngày lẫn đêm. Hiện tại khu nhà bạt và các yêu cầu liên quan bên trong đã cơ bản hoàn thiện sẵn sàng đưa vào hoạt động.
Tại UBND xã Đức Hòa nơi được lựa chọn làm địa điểm đầu cầu chính để tổ chức lễ khởi công dự án cao tốc Bắc-Nam, ghi nhận của phóng viên, bà con nơi đây rất vui và tự hào. Bởi, từ trước đến giờ ở địa phương chưa có sự kiện nào lớn như vậy nên người dân trông chờ ngày lễ khởi công diễn ra.
Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 dài 729 km đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau) gồm các đoạn: Hà Tĩnh - Quảng Trị dài 267 km, Quảng Ngãi - Nha Trang dài 353 km và Cần Thơ - Cà Mau dài 109 km. Sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 146.990 tỷ đồng.
Dự án được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập, cơ bản hoàn thành vào năm 2025 và đưa vào khai thác vận hành từ năm 2026; trong đó, 12 dự án thành phần được chia thành 25 gói thầu, gói thầu có giá trị lớn nhất là gần 8.000 tỷ đồng.