Trong thời gian đầu, việc giải phóng mặt bằng thực hiện dự án tại các địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, đến nay, việc chuẩn bị cho khởi công vào ngày 1/1/2023 đã sẵn sàng.
Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Lê Tấn Hổ - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên xung quanh nội dung này.
Thưa ông, để đảm bảo bàn giao mặt bằng kịp khởi công dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 vào ngày 01/01/2023, tỉnh Phú Yên đã có những giải pháp gì? Liệu việc bàn giao mặt bằng 70% theo Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/02/2022 của Chính phủ có đảm bảo?
Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng, ý nghĩa của việc triển khai xây dựng Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, tỉnh Phú Yên đã triển khai quyết liệt Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/02/2022 của Chính phủ. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 28/6/2022 và UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 152/KH-UBND ngày 17/8/2022 để chỉ đạo triển khai thực hiện dự án.
Dự án cao tốc phía Đông đoạn qua địa phận tỉnh Phú Yên có tổng chiều dài 90,122km, gồm 02 Dự án thành phần đi qua địa giới hành chính 24 xã, phường, thị trấn thuộc 06 địa phương với tổng diện tích đất sử dụng 885,57ha. Đây là lần đầu tiên tỉnh Phú Yên phải thực hiện khối lượng giải phóng mặt bằng lớn như vậy.
Thời gian đầu do nhiều nguyên nhân, nhất là vướng mắc trong việc xác định đơn giá bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nên tiến độ giải phóng mặt bằng còn chậm. Tuy nhiên với nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, đến ngày 27/12, đã bàn giao mặt bằng cho các chủ đầu tư với diện tích 348,97ha tương ứng theo chiều dài tuyến: 42,67km, đạt 48%. Tới ngày 31/12, trên toàn tuyến có thể không bàn giao đủ mặt bằng 70%. Thế nhưng, riêng 02 gói thầu khởi công dự án chắc chắn sẽ đảm bảo trên 70% diện tích.
Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị có liên quan phối hợp với chủ đầu tư quyết liệt triển khai áp giá; phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; chi trả tiền cho các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng để bàn giao mặt bằng theo đúng tiến độ khởi công dự án; đảm bảo giải ngân hết nguồn vốn được cấp trong năm 2022.
Đối với đất do Nhà nước quản lý và đất hộ gia đình đã đồng ý với dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sẽ bàn giao trước ngày 31/12/2022; đối với đất nông nghiệp, đất lúa bàn giao tối thiểu 70% diện tích trước ngày 31/01/2023; các loại đất khác bàn giao trước ngày 31/3/2023. Tỉnh Phú Yên quyết tâm hoàn thành bàn giao 100% mặt bằng cho chủ đầu tư dự án trước ngày 30/6/2023 theo yêu cầu tại Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/02/2022 của Chính phủ.
Việc tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án là rất quan trọng, xin ông cho biết vấn đề này đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp với chủ đầu tư chuẩn bị như thế nào?
Để thực hiện dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam, trên địa bàn tỉnh Phú Yên có tổng số 5.113 hộ, tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng. Số hộ dự kiến phải bố trí tái định cư là 407 hộ. Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên đã bố trí xây dựng 12 khu tái định cư tại 05 huyện, thị xã với diện tích 20,92ha.
Quan điểm của tỉnh Phú Yên, các hộ dân thuộc diện tái định cư sẽ bố trí vào nơi ở mới có điều kiện về giao thông, điện, nước… tốt hơn so với vị trí hiện tại. Đến nay, các địa phương tổ chức lấy ý kiến rộng rãi và được người dân đồng thuận về vị trí xây dựng khu tái định cư. Những vị trí đất này đều đã được địa phương đưa vào kế hoạch sử dụng đất cấp huyện năm 2023.
Việc xây dựng các khu tái định cư được thực hiện song song với giải phóng mặt bằng để kịp bàn giao trước 30/6/2023. Do tính khẩn trương rất cao nên các địa phương phải chủ động phối hợp với chủ đầu tư để làm các thủ tục cần thiết. Khi triển khai xây dựng hoàn thiện hạ tầng khu tái định cư, chính quyền địa phương phải nhanh chóng tổ chức bố trí các hộ dân vào ở.
Để dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam đoạn qua tỉnh Phú Yên hoàn thành đúng tiến độ cần cung cấp đủ vật liệu cho công trình. Vấn đề này đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên phối hợp với chủ đầu tư giải quyết ra sao, thưa ông?
Vấn đề này tỉnh Phú Yên rất chủ động từ cách đây hơn một năm khi Chính phủ có kế hoạch thực hiện dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam. Ủy ban nhân dân tỉnh đã có văn bản giới thiệu với các chủ đầu tư thuộc Bộ Giao thông Vận tải về hồ sơ khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ dự án.
Cụ thể, đã có 28 mỏ được đưa vào quy hoạch khoáng sản; trong đó, 12 mỏ cát/405,77 ha; 10 mỏ đất san lấp/234 ha; 06 mỏ đá xây dựng/30,84 ha. Các mỏ vật liệu này đều là những mỏ có trữ lượng lớn và “bám” theo hướng tuyến cao tốc được duyệt. Trong số mỏ này, chủ đầu tư có thể lựa chọn phù hợp với việc triển khai dự án để đảm bảo chi phí xây dựng.
Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn quy trình, thủ tục các bước để được khai thác các mỏ khoáng sản nằm trong hồ sơ khảo sát phục vụ dự án cao tốc. Mục tiêu là sau khi khởi công dự án sẽ có ngay vật liệu để nhà thầu thi công.
Về bãi thải, Ủy ban nhân dân tỉnh đã cập nhật, bổ sung bãi thải vật liệu xây dựng. Trên địa bàn tỉnh hiện có 56 vị trí với diện tích khoảng 385,91ha. Các chủ đầu tư có thể lựa chọn để đảm bảo tính kinh tế, kỹ thuật của dự án.
Xin cảm ơn ông!