Sản phẩm OCOP Hà Nội: Khẳng định vị thế, thị trường đón nhận

Năm 2022 là một năm nhiều khó khăn với ngành nông nghiệp nói chung, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nói riêng, nhưng với cách làm năng động, sáng tạo ngành nông nghiệp Hà Nội đã đưa các sản phẩm OCOP đến tay người tiêu dùng nhanh hơn bền vững hơn, dần dần khẳng định được vị thế và được thị trường đón nhận một cách tích cực. Đặc biệt, Chương trình OCOP được thành phố Hà Nội bình chọn là một trong mười sự kiện tiêu biểu của Thủ đô năm 2022.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo sở Công thương Hà Nội tham quan điểm giới thiệu sản phẩm OCOP tại 183 Ngô Gia Tự, Hà Nội, chiều 12/1/2022. Ảnh: Phương Anh/TTXVN

Khẳng định thương hiệu OCOP 

Tính đến nay, thành phố Hà Nội đã đánh giá, phân hạng và công nhận được thành phố hiện có 1.649 sản phẩm OCOP, gồm: 4 sản phẩm 5 sao; 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao đã được Trung ương đánh giá; 11 sản phẩm tiềm năng 5 sao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, phân hạng; 1.098 sản phẩm 4 sao và 534 sản phẩm 3 sao; trong đó, ngành thực phẩm 1.071 sản phẩm, ngành đồ uống 35 sản phẩm, ngành thảo dược 17 sản phẩm, ngành thủ công mỹ nghệ 492 sản phẩm, ngành vải và may mặc 34 sản phẩm.  

Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, các sản phẩm OCOP của thành phố nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận rất tích cực, giúp người nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Hà Nội có trên 9.900 sản phẩm nông sản thực phẩm đã gắn mã truy xuất nguồn gốc QR Code. Đó chính là lợi thế lớn đối với thành phố Hà Nội trong việc đánh giá, phân hạng sản phẩm cũng như giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP.

Chị Bùi Thị Thanh Hà, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà cho biết, hiện nay, hợp tác xã sản xuất nhiều loại rau nhưng chủ yếu là hai dòng sản phẩm chủ lực: Rau mầm, rau baby. Sản xuất rau mầm và rau baby năng suất không cao (300 kg rau/sào/lứa), bán giá ổn định ở mức 60.000 đồng/kg. Những ngày qua, khi giá rau xanh trên địa bàn thành phố tăng mạnh nhưng đơn vị vẫn giữ giá ổn định, vì 100% sản phẩm của hợp tác xã cung ứng theo chuỗi, theo đơn đặt hàng của các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch lớn.

Ðến nay, hợp tác xã có 30 sản phẩm rau được công nhận Chương trình Mỗi xã một sản phẩm đạt 4 sao và mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 200 tấn rau với doanh thu hơn 4 tỷ đồng/năm. Để chinh phục thị trường, ngay từ những ngày đầu sản xuất, rau mầm Thanh Hà đã lấy chất lượng làm tiêu chí đầu tiên. Đối với các loại rau mầm, hợp tác xã lựa chọn giá thể than bùn để loại bỏ tối đa thành phần độc tố. Để bảo đảm chất lượng, năng suất sản phẩm rau, hạt giống cần phải đạt tỷ lệ nảy mầm 90-95% trở lên so với rau ngoài đồng chỉ cần tỷ lệ 80%.

Do đó, hợp tác xã ký kết với các công ty cung cấp giống cây trồng, vì vậy, sản phẩm rau của hợp tác xã luôn bảo đảm chất lượng. Để có được rau mầm chất lượng tốt, thành viên hợp tác xã luôn tuân thủ khắt khe tiêu chí trong quy trình sản xuất, từ việc chọn giống, vệ sinh giá thể đến hệ thống nước tưới và chăm sóc rau.

Không chỉ có rau xanh, sạch đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm khẳng định thương hiệu OCOP mà các sản phẩm từ chăn nuôi gia súc gia cầm cũng đạt OCOP 4 sao. Cụ thể như sữa mang thương hiệu “My Farm”: Sữa tươi thanh trùng, sữa chua, caramen, bánh sữa… của Công ty cổ phần Sữa nông trại Ba Vì (huyện Ba Vì). Để có được kết quả này, Công ty CP Sữa nông trại Ba Vì đã đầu tư hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại, “bắt tay” với hàng chục nông hộ, thu mua sữa nguyên liệu để sản xuất, đóng gói các mặt hàng từ sữa. Quy trình sản xuất khép kín giúp doanh nghiệp tạo ra những sản phẩm có chất lượng.

Bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Công ty cổ phần Sữa nông trại Ba Vì cho biết, ngày mới đi vào hoạt động, việc kinh doanh của đơn vị còn nhiều khó khăn do chưa được thị trường biết đến quá nhiều. Với việc được thành phố Hà Nội chứng nhận là sản phẩm OCOP, các sản phẩm của doanh nghiệp đang ngày một tiếp cận dễ dàng hơn với hệ thống phân phối, các siêu thị, cửa hàng bán lẻ trên địa bàn Hà Nội cũng như cả nước.

Hiện nay, Hà Nội có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, có 185 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 45 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 54 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản và 1 mô hình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi; tập trung ở các huyện như: Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng… 

Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh thường trực, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội cho biết, Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm số lượng làng nghề lớn nhất toàn quốc, hội tụ 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước. Trong số đó, có 313 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND thành phố Hà Nội công nhận.

Mỗi làng nghề Hà Nội đều mang một bản sắc riêng với sự kết tinh sáng tạo của những bàn tay người thợ và tình yêu nghề, tạo ra những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Đó chính là lợi thế của Hà Nội để phát huy và bảo tồn các nghề quý của Hà Nội, tạo thương hiệu cho sản phẩm OCOP ngày một vươn xa. Đồng thời, các sản phẩm OCOP được tiêu thụ nhiều trên thị trường cũng góp phần vào việc xây dựng nông thôn mới thành công của Hà Nội. 

Đa dạng phương thức tiếp cận thị trường...

Để tạo điều kiện quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP Hà Nội và cả nước, Hà Nội đã tổ chức hàng trăm sự kiện- hội chợ thu hút hàng trăm nghìn sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền của Hà Nội, các tỉnh, thành  phố trong cả nước tham gia. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp Hà Nội còn đưa sản phẩm OCOP giới thiệu quảng bá và bán sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, trên trang mạng xã hội TikTok, áp dụng công nghệ số, khuyến khích các chủ thể tham gia chuyển đổi số, tạo ra điểm nhấn, sự khác biệt của nông sản Hà Nội nói chung và của sản phẩm OCOP nói riêng.
  
TikTok hiện đang là một trong những nền tảng giải trí hàng đầu thế giới và Việt Nam. Sứ mệnh của TikTok là khơi nguồn cảm hứng sáng tạo và mang đến những trải nghiệm vui vẻ, thú vị cho người dùng. Giải pháp thương mại điện tử (e-commerce) TikTok Shop tại thị trường Việt Nam là một giải pháp sáng tạo dành cho cả người mua, người bán và nhà sáng tạo nội dung, mang đến hệ sinh thái thương mại điện tử toàn diện, liền mạch ngay trên TikTok, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh cho các chủ thể OCOP, đồng thời cung cấp trải nghiệm mua sắm mới mẻ cho người dùng và cơ hội phát triển cho các nhà sáng tạo nội dung.

Được tích hợp trọn bộ ngay trên nền tảng, TikTok Shop giúp các chủ thể OCOP tối ưu quy trình tiếp cận người dùng, đồng thời có trải nghiệm thương mại điện tử liền mạch từ khâu tải sản phẩm lên nền tảng, quản lý đơn hàng, giao hàng và thanh toán.

Đặc biệt, với xu hướng mua sắm kết hợp giải trí, các doanh nghiệp vừa và nhỏ càng có thêm cơ hội để gắn kết với cộng đồng thông qua yếu tố giải trí và khả năng tương tác cao trong những nội dung giới thiệu hoặc tạo nhu cầu cho những sản phẩm mới.

"Trải nghiệm thương mại điện tử là mang đến những ưu đãi tốt nhất tới đúng đối tượng một cách hiệu quả nhất có thể. Tuy nhiên, thói quen mua hàng của người tiêu dùng đang thay đổi, và họ đang sử dụng internet để tìm kiếm niềm vui. Người tiêu dùng sẽ nói không với những lời chào hàng, nhưng họ sẽ nói có với những trải nghiệm giải trí," ông Sameer Singh, Giám đốc Giải pháp Kinh doanh Toàn cầu, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình nông thôn mới Hà Nội cho biết, một trong những nội dung và nhiệm vụ quan trọng nhất của Chương trình OCOP là tăng cường chuyển đổi số như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong truyền thông; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream), đặc biệt cho các sản phấm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản vùng miền, địa phương. Đồng thời, triển khai sáng kiến "Mỗi nông dân là một thương nhân" nhằm tối ưu hóa ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, thương mại sản phẩm OCOP.

Nam Giang (TTXVN)
Kết nối thị trường, phát huy sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh
Kết nối thị trường, phát huy sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh

Ngày 17/1, UBND tỉnh Tiền Giang đã tổ chức trao chứng nhận cho các sản phẩm đạt OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) cấp tỉnh đợt 3 và đợt 4/2022.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN