Đồng Nai hướng đến phát triển chương trình OCOP nâng cao chất lượng, giá trị nông sản

Sau 3 năm thực hiện chương trình OCOP, Đồng Nai đã thu được nhiều thành quả đáng ghi nhận khi đã hình thành nhiều chuỗi giá trị sản phẩm OCOP từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ.

Chú thích ảnh
Quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của tỉnh đến đông đảo người tiêu dùng.

Thời gian tới, khi số lượng các sản phẩm phát triển nhiều hơn, các địa phương cùng các chủ thể cần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá tiêu thụ sản phẩm; tham gia sàn thương mại điện tử, đưa sản phẩm vào các kênh tiêu thụ hiện đại.

150 sản phẩm TCP đã được công nhận

Chiều 28/12, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Đồng Nai đã tổ chức Hội nghị thẩm định, đánh giá sản phẩm OCOP tỉnh đợt 2-2022.

Có 47 sản phẩm của 32 chủ thể, thuộc 10 huyện, thành phố, tham gia thẩm định, đánh giá. Trong đó, có 41 sản phẩm đề nghị đánh giá, phân hạng mới, 2 sản phẩm nâng hạng sao và 4 sản phẩm đánh giá lại do sắp hết thời hạn Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP. Kết quả, 100% sản phẩm đều đạt chuẩn OCOP, gồm 12 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao, 35 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 150 sản phẩm OCOP.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi nhấn mạnh, chương trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 2-2022 đạt kết quả tốt, cho thấy sự nỗ lực lớn của các địa phương và các chủ thể tham gia chương trình. Đề nghị các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để thu hút nhiều chủ thể hơn nữa tham gia.

“Sắp tới, chương trình cần tiếp tục khắc phục những mặt còn hạn chế, tăng cường chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong triển khai thực hiện; tăng cường đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao trình độ nguồn nhân lực. Về phần các chủ thể OCOP cũng cần nỗ lực hơn trong đổi mới, sáng tạo, cố gắng nâng sao, nâng chất lượng, quy mô gắn với chuỗi liên kết bền vững", ông Võ Văn Phi nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, sau hơn 3 năm thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TU ngày 27/6/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ thị việc triển khai Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh, tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh đã được 150 sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Trong đó, đã có sản phẩm đạt chuẩn 5 sao là bột ca cao nguyên chất 3 trong 1 Bunga của Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (xã Phú Hòa, Định Quán). Nhờ vào việc tham gia chương trình, hiện nay Đồng Nai hình thành được nhiều chuỗi giá trị sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, giúp bà con nông dân có cuộc sống ổn định hơn.

Chương trình OCOP được Đồng Nai xác định là một trong những động lực khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất khai thác tiềm năng của các đặc sản, sản phẩm nông thôn tiêu biểu, đặc trưng. Tỉnh đặt ra mục tiêu cao cho chương trình, không chỉ phát triển về số lượng chủ thể, sản phẩm mà còn phải chú trọng cả về mặt chất lượng.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá tiêu thụ sản phẩm

Hiện các địa phương trong tỉnh đã và đang chung tay cùng các chủ thể đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá tiêu thụ sản phẩm, các sự kiện kết nối giao thương, hội chợ thương mại quảng bá, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP trên toàn quốc; tham gia sàn thương mại điện tử, đưa sản phẩm vào các kênh tiêu thụ hiện đại vì mục tiêu để các sản phẩm OCOP ngày càng đi xa hơn.

Từ khi bắt đầu triển khai, phong trào khởi nghiệp gắn với sản phẩm OCOP đã thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân, đặc biệt là các lực lượng thanh niên, phụ nữ, với các phong trào: Thanh niên nông thôn sáng tạo khởi nghiệp với chương trình OCOP, phụ nữ Đồng Nai khởi nghiệp đồng hành cùng sản phẩm OCOP.

Mục tiêu của tỉnh là đến năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 144 sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn 3 sao trở lên, ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã và 30% chủ thể là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đặc biệt, có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn gắn với vùng nguyên liệu ổn định.

Với những định hướng trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi nhấn mạnh các địa phương phải có lộ trình nâng cấp các sản phẩm OCOP đã đạt 3 sao lên 4 sao và 5 sao; khai thác hết lợi thế của những sản phẩm tiềm năng, có giá trị cao cho địa phương.

Thời gian tới, khi số lượng các sản phẩm phát triển nhiều hơn, các địa phương, đơn vị chức năng cần tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm OCOP cũng như đẩy mạnh tuyên truyền về các sản phẩm OCOP. Các địa phương phải phát huy tính sáng tạo, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của người dân, xây dựng mối liên kết phát triển kinh tế cộng đồng bền vững; góp phần thực hiện nội dung thứ 3 của chương trình xây dựng nông thôn mới là “tổ chức tiêu thụ sản phẩm cho nông dân”.

Để đạt mục tiêu chung do tỉnh đề ra trong giai đoạn 2021-2025, dự kiến huyện Vĩnh Cửu sẽ phát triển 15 chủ thể với 20 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Riêng trong năm 2021, huyện đã xây dựng kế hoạch hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn OCOP cho 4 chủ thể với 5 sản phẩm đăng ký. Tuy có kế hoạch phát triển cụ thể cho từng năm, nhưng địa phương này chủ yếu chỉ quan tâm đến phát triển về số lượng sản phẩm.

Để hỗ trợ cho việc tiêu thụ sản phẩm OCOP ra thị trường, Sở NN-PTNT đã phối hợp với Sở Công Thương cùng các sở, ngành của tỉnh triển khai thực hiện Kế hoạch kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản vào chợ, siêu thị, trường học, bệnh viện, bếp ăn tập thể, bếp ăn công nghiệp trên địa bàn như: Hỗ trợ DN, HTX, hộ sản xuất tham gia Hội chợ triển lãm Festival trái cây và sản phẩm OCOP tại tỉnh Sơn La; Hội chợ triển lãm nông nghiệp quốc tế lần thứ 22 - AgroViet tại Hà Nội; Hội chợ triển lãm giống, nông nghiệp công nghệ cao tại TP.HCM…

Một trong những chương trình lớn đã được hỗ trợ là hoạt động giới thiệu và bán sản phẩm tại sảnh Trung tâm MM Mega Market Biên Hòa với sự tham gia 11 chủ thể OCOP, sau 12 ngày triển khai chương trình đã tiêu thụ được hơn 10,3 ngàn sản phẩm với tổng doanh thu khoảng 114,5 triệu đồng.

Tham gia chương trình giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tỉnh Đồng Nai tại Trung tâm MM Mega Market Biên Hòa, cơ sở chế biến giò chả Thu Bình (huyện Long Thành) giới thiệu với người tiêu dùng các đặc sản: Chả cá trôi, chả cá thác lác, chả cá thu. Tại chương trình, bà Bùi Thu Bình, chủ cơ sở Chế biến giò chả Thu Bình chia sẻ: “Khách hàng đến tham quan chương trình thích thú được thưởng thức món chả vừa chiên còn nóng hổi, nghe chính chủ cơ sở giới thiệu về món ngon do mình làm ra. Chương trình là cơ hội để cơ sở quảng bá các đặc sản miền quê đến đông đảo người tiêu dùng thành phố. Đây là nhóm khách hàng sẵn sàng trả giá tốt để mua những thực phẩm tươi ngon, an toàn cho sức khỏe”.

Hiệu quả của chương trình này không chỉ dừng lại ở việc quảng bá, thu hút người tiêu dùng mua hàng, mà đã kết nối cho nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh vào Trung tâm MM Mega Market Biên Hòa.

Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai, chương trình giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tỉnh Đồng Nai tại Trung tâm MM Mega Market Biên Hòa là sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhằm giới thiệu và bán trực tiếp các sản phẩm OCOP của tỉnh đến đông đảo người tiêu dùng trên địa bàn TP.Biên Hòa. Chương trình này còn tạo cơ hội để các chủ thể OCOP đưa sản phẩm vào bán trong Trung tâm MM Mega Market Biên Hòa và các trung tâm của MM Mega Market trong cả nước. Hỗ trợ các chủ thể OCOP quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm; góp phần giải quyết đầu ra đối với các sản phẩm đạt chuẩn OCOP tỉnh Đồng Nai.

Bài và ảnh: Phúc Hằng
Ngành Nông nghiệp Đồng Nai tăng trưởng tốt dù đối mặt nhiều khó khăn
Ngành Nông nghiệp Đồng Nai tăng trưởng tốt dù đối mặt nhiều khó khăn

Năm 2022 có thể coi như là 1 năm cất cánh của ngành Nông nghiệp tỉnh Đồng Nai mặc dù bị ảnh hưởng nặng nên bởi hậu dịch COVID-19 và tác động của tình hình thế giới khiếm cho việc sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng nông sản của tỉnh cũng găp không ít khó khăn. Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp không những đạt mà còn vượt mục tiêu đề ra với giá trị sản xuất nông lâm thuỷ sản được hơn 47 ngàn tỉ đồng, tăng 3,94% so với cùng kỳ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN