Áp dụng công nghệ cao vào nông nghiệp
Với dự báo từ trước về những khó khăn, ngay từ đầu năm, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh tập trung triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp đồng bộ để thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững. Đặc biệt, chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, chế biến nông sản; xây dựng chuỗi liên kết; nhân rộng các mô hình sản xuất; hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản.
Trong năm 2022, tỉnh đã triển khai 38 chương trình, đề án, dự án; ngoài ra 14 đề án, dự án đang xây dựng và 100 chính sách đang được ngành tập trung tổ chức triển khai thực hiện, góp phần phục hồi phát triển kinh tế của ngành và bảo đảm an ninh lương thực, an sinh xã hội.
Dự ước các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của ngành được Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh giao trong năm 2022 có 4/6 chỉ tiêu vượt mục tiêu nghị quyết đề ra. Cụ thể, giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản đạt 47 ngàn tỷ đồng, tăng 3,94% so với năm 2021. Tỉ trọng giá trị sản xuất của ngành chuyển dịch đúng hướng trong tổng GRDP toàn tỉnh, giảm từ 10,51% năm 2021 xuống còn 9,28% năm 2022. Trong đó, thu nhập bình quân của người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh năm 2022 ước đạt 64,67 triệu đồng/người/năm, tăng 7,44 % so với năm 2021.
Là người được hưởng lợi do những chính sách của tỉnh mang lại, ông Than Văn Tú, ngụ xã Sông Thao, huyện Trảng Bom một trong những nông nhân đã sử dụng men vi sinh bản địa IMO để sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học trên diện tích 8ha đất trồng bưởi cho biết. Cách làm này giúp gia đình ông giảm 60-80% chi phí đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Ông tin rằng đây là hướng phát triển an toàn, bền vững trong sản xuất và nhận định này là có cơ sở khi đang được Hội nông dân huyện triển khai, tuyên truyền nhân rộng trong hội viên nông dân.
“Khi bắt tay vào làm chế phẩm IMO này thì gặp không ít khó khăn do chưa quen các bước kĩ thuật nên khiến cho lứa đầu tiên không đạt chất lượng. Khi đã quen thì việc dùng IMO đem lại hiệu quả rất cao, tiết kiệm đến 2/3 chi phí so với dùng phân bón hoá học. Từ đó giảm giá thành khi trước đây bưởi xuất ra thị trường giá 20 ngàn/kg thì nay chỉ cần bán với giá 12 ngàn/kg là đã có lãi. Qua 2 năm triển khai, đến nay mô hình của tôi bước đầu mang lại hiệu quả nhờ tận dụng các nguồn có sẵn nên không tốn chi phí đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên với giá bán từ 18-20 ngàn/kg, hằng năm cho thu nhập trên 2 tỷ đồng”, ông Tú chia sẻ.
Chiến lược trong ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp
Với việc xác đụng gia đoạn 2021-2025, mục tiêu của tỉnh Đồng Nai là phát triển nông nghiệp bền vững trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động. Phát triển hài hòa giữa kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tập trung vào phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với thị trường. Phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm…
Theo ông Nguyễn Văn Thắng, PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh, Đồng Nai có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi xây dựng, được liên kết chuỗi với người chăn nuôi theo hình thức gia công. Trong đó, doanh nghiệp cung ứng con giống, thức ăn, hỗ trợ kỹ thuật, thuốc thú y và bao tiêu toàn bộ sản phẩm... Hiện không ít HTX chăn nuôi có chuyển biến rõ nét trong tổ chức sản xuất theo hướng công nghiệp với chuỗi liên kết chặt chẽ từ sản xuất đến tiêu thụ. Từ doanh nghiệp đến các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đều quan tâm cải thiện năng suất, chăn nuôi an toàn, tham gia chuỗi liên kết để sản phẩm không chỉ đáp ứng tốt thị trường nội địa mà còn hướng đến xuất khẩu.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 52 chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi an toàn với sự tham gia của 15 HTX và 252 tổ hợp tác gồm: 4 chuỗi trứng gà, 13 chuỗi thịt gà, 29 chuỗi thịt heo, 3 chuỗi chế biến sản phẩm từ thịt heo, 2 chuỗi thịt bò, 1 chuỗi yến. Nổi bật có các mô hình đang được triển khai và nhân rộng. Cụ thể như các mô hình như chuỗi thịt gà chế biến xuất khẩu của Công ty TNHH Koyu & Unitek (TP.Biên Hòa) bình quân xuất khẩu 250 tấn thịt gà chế biến/tháng sang thị trường Nhật Bản. Chuỗi ca cao của Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán) với sản phẩm ca cao chế biến được chứng nhận OCOP 4 sao. Chuỗi lúa của Công ty TNHH DVNN Lộc Trời (TP.HCM), quy mô 168ha với sự tham gia của 123 nông hộ trên địa bàn H.Định Quán. Chuỗi bắp cây làm thức ăn chăn nuôi của HTX Đông Tây, H.Cẩm Mỹ với quy mô trên 400ha…
Theo ông Lê Văn Quyết - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ, nhờ tham gia chuỗi liên kết nuôi gà cung cấp cho doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản nên các thành viên của HTX được đảm bảo về lợi nhuận ngay cả những thời điểm giá gà công nghiệp giảm sâu do ảnh hưởng dịch COVID-19. Trong giai đoạn áp lực cạnh tranh ngày càng tăng cao khi hội nhập sâu, chăn nuôi muốn tồn tại được phải tham gia chuỗi liên kết.
Ông Đặng Tường Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức cho biết, kể từ khi thực hiện chuỗi liên kết với bà con nông dân, doanh nghiệp luôn cố gắng tạo điều kiện và hướng dẫn bà con chăm sóc cây ca cao đạt hiệu quả cao nhất. Nhờ đó, người dân yên tâm bởi sản phẩm đầu ra được doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn mặt bằng chung ngoài thị trường.