Đưa sản phẩm OCOP vào sản xuất phục vụ thị trường Tết

Chỉ còn hai tuần nữa là Tết Nguyên đán 2023, thời điểm này, tại các cơ sở OCOP ở Hà Tĩnh đang tăng ca, đẩy mạnh sản xuất sản phẩm để phục vụ khách hàng dịp Tết.

Những năm gần đây, tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các mặt hàng nông sản đặc trưng của địa phương đã nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã và phát triển thị trường, nhờ đó sản phẩm được biết đến nhiều hơn. 

Chú thích ảnh
Cơ sở bánh đa nem Nhật Thành đã đầu tư hệ thống phòng sấy để đảm bảo an toàn thực phẩm vừa chủ động nguồn hàng khi thời tiết không thuận lợi.

Bánh ram (bánh đa nem) là một trong những sản phẩm không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết của người Việt. Những ngày này, các cơ sở sản xuất bánh ram truyền thống Hà Tĩnh đều tăng ca sản xuất để kịp phục vụ nhu cầu khách hàng.

Tại cơ sở OCOP 3 sao của Công ty Sản xuất bánh đa nem Nhật Thành, ở thôn Tiến Giang ở xã Đồng Môn, thành phố Hà Tĩnh, những ngày này, 13 công nhân đều phải thay phiên nhau tăng ca liên tục đến 23 giờ tối. Dịp Tết nhu cầu khách hàng về bánh đa nem tăng cao hơn 40% so với ngày thường nên cả 4 tổ máy của cơ sở bánh đa nem Nhật Thành đều hoạt động hết công suất.

Anh Trần Văn Thành, Công ty Sản xuất bánh đa nem Nhật Thành cho biết, dịp này, khách hàng gọi lấy hàng liên tục nên cơ sở phải tăng ca sản xuất. Mỗi ngày cơ sở đều sản xuất từ 350 - 400 kg gạo, bán ra thị trường từ 600 – 700 tệp bánh đa nem.

Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và đảm bảo số lượng sản phẩm trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, cơ sở Nhật Thành đã đầu tư hệ thống phòng sấy bánh đa nem. Với chất lượng và đầu tư mẫu mã, phát triển thị trường, ngoài thị trường trong tỉnh bánh đa nem Nhật Thành đã phủ sóng khắp các thị trường lớn trong nước như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Vinh… và đang hướng đến xuất khẩu.

Chú thích ảnh
Công nhân tại cơ sở sản xuất cu đơ Phong Nga ở xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh đang khẩn trương sản xuất để kịp phục vụ thị trường Tết. 

Tại Cơ sở Sản xuất kẹo cu đơ Phong Nga ở xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà, không khí sản xuất khẩn trương cho vụ Tết đã bắt đầu từ những ngày đầu tháng 12 Dương lịch. Đây là một trong số những sản phẩm đầu tiên tham gia chương trình OCOP của tỉnh Hà Tĩnh, là  thương hiệu quen thuộc với khách hàng trong và ngoài tỉnh Hà Tĩnh.

Anh Nguyễn Văn Phong, chủ cơ sở kẹo cu đơ Phong Nga cho biết, số lượng sản phẩm bán ra dịp Tết là cao nhất. Đây cũng là chính vụ sản xuất Tết của kẹo cu đơ. Mỗi ngày, cơ sở bán ra gần 2.000 hộp kẹo cu đơ. Ngoài nhân lực chính với gần 15 người của cơ sở, dịp này cơ sở tăng cường thêm 5 em học sinh làm bán thời gian ngoài giờ học.

Kẹo cu đơ Phong Nga hiện được tiêu thụ tại hơn 30 tỉnh thành trong cả nước. Những năm qua, cơ sở luôn đa dạng mẫu mã, nâng cao chất lượng để thu hút khách hàng. Hiện nay, ngoài hương vị truyền thống, cơ sở kẹo cu đơ Phong Nga còn bổ sung thêm nguyên liệu mật ong làm cho kẹo có vị ngọt thanh hơn.

Chú thích ảnh
Các sản phẩm trầm hương được Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Linh Trang đa dạng về mẫu mã, chất lượng để phục vụ thị trường Tết. Đây là sản phẩm OCOP 4 sao của thành phố Hà Tĩnh

Riêng tại Công ty Thương mại dịch vụ Linh Trang ở thành phố Hà Tĩnh với các sản phẩm trầm hương Tâm Thiên Hương được công nhận OCOP 4 sao nên rất được thị trường ưa chuộng. Vào dịp Tết Nguyên đán, lượng tiêu thụ càng tăng cao đòi hỏi công ty phải có các giải pháp để nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Chị Nguyễn Thị Huyền Trang, Giám đốc Công ty Thương mại dịch vụ Linh Trang cho biết, vào mỗi dịp tết, lượng trầm hương tiêu thụ tăng gấp đôi so với bình thường. Để đáp ứng đủ số lượng phục vụ thị trường, ngay từ đầu năm khi xây dựng kế hoạch, công ty đã phải tính đến các phương án để cung ứng hàng cho dịp tết. Thay vì làm theo thời vụ như các đơn vị khác, công nhân đều làm quanh năm và phải có sự tập trung cao. Ngoài các sản phẩm truyền thống như: nụ trầm, nhang trầm, vòng tay trầm hương thì năm nay, công ty còn cho ra mắt sản phẩm nhang vòng 12 canh giờ.

Năm 2022, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tiếp tục được tỉnh Hà Tĩnh tập trung thực hiện. Các sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư máy móc trang thiết bị để nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhiều sản phẩm tiếp tục tìm kiếm được thị trường mới, như: Nhung hươu Việt đã mở gần 50 đại lý trên các tỉnh thành trong cả nước; Nhung Hươu Hiền Ngọc, Rượu sim Long Ngâm mở đại lý ở Đồng Nai, Bình Dương; Cu đơ Phong Nga mở thêm đại lý ở Gia Lai, Đăk Lăk; Rượu Minh Lương Gold rice mở đại lý độc quyền ở Hà Nội.

Một số cơ sở tiếp tục có đơn hàng xuất khẩu sang nước ngoài, như: Bánh đa vừng Nguyên Lâm, Sứa Mai Dung, bánh ram Anh Thu, Bánh đa Nem Nam Chi. Đến nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh có 249 sản phẩm đạt chuẩn OCOP.

Bài và ảnh: Hoàng Ngà (TTXVN)
Đồng Nai hướng đến phát triển chương trình OCOP nâng cao chất lượng, giá trị nông sản
Đồng Nai hướng đến phát triển chương trình OCOP nâng cao chất lượng, giá trị nông sản

Sau 3 năm thực hiện chương trình OCOP, Đồng Nai đã thu được nhiều thành quả đáng ghi nhận khi đã hình thành nhiều chuỗi giá trị sản phẩm OCOP từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN