Kết nối thị trường, phát huy sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh

Ngày 17/1, UBND tỉnh Tiền Giang đã tổ chức trao chứng nhận cho các sản phẩm đạt OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) cấp tỉnh đợt 3 và đợt 4/2022.

Chú thích ảnh
Các đại biểu xem xét, đánh giá các sản phẩm đạt OCOP. 

Trong đợt này, UBND tỉnh Tiền Giang đã công nhận thêm 60 sản phầm của 41 chủ thể đạt OCOP cấp tỉnh. Theo đó, đến nay, Tiền Giang đã có tổng cộng 174 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, Chủ tịch Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đánh giá cao và biểu dương các chủ thể tích cực hưởng ứng Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, đã có nhiều sản phẩm đạt OCOP tỉnh.

Đây là những tín hiệu đáng mừng cho thấy sức lan tỏa của chương trình, góp phần tạo động lực cho nền nông nghiệp hàng hóa, khôi phục và phát triển các ngành nghề truyền thống, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho nông dân, đưa đến thành công chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Theo đó, để có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh, các chủ thể đã đầu tư trang thiết bị, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì, phục vụ tốt nhu cầu người tiêu dùng, kết nối doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, chiếm lĩnh thị trường.

Ông Phạm Văn Trọng cũng yêu cầu các chủ thể có sản phẩm sau khi được đánh giá, chứng nhận phân hạng OCOP cần khuếch trương thương hiệu, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, chiếm lĩnh thị trường. Đặc biệt là quan tâm xúc tiến thương mại, kết nối thị trường, gắn kết doanh nghiệp nhằm đưa thêm nhiều sản phẩm vào siêu thị, các cửa hàng tiện ích, các giỏ quà tặng vào các dịp lễ, tết hoặc gắn với các tour du lịch sinh thái, phục vụ nhu cầu du khách trong ngoài nước ….

Để đạt hiệu quả cao, đưa chương trình mỗi xã một sản phẩm ngày càng có sức lan tỏa rộng khắp, đóng góp vào phát triển sản xuất và đời sống tại địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng yêu cầu các cấp, các ngành, các huyện, thành, thị trong tỉnh vào cuộc quyết liệt, hỗ trợ các chủ thể xây dựng sản phẩm đạt OCOP, kết nối doanh nghiệp với chủ thể để đưa sản phẩm OCOP đến với thị trường cũng như tích cực quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP thông qua hoạt động thương mại điện tử…

Là địa phương đi tiên phong trong phát triển sản phẩm OCOP tại Tiền Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây Lê Văn Nê cho biết, đến nay, toàn huyện đã có 32 sản phẩm được chứng nhận đạt OCOP cấp tỉnh với những thương hiệu nổi tiếng đang được khẳng định trên thị trường.

Cụ thể như sản phẩm đông trùng hạ thảo của Công ty TNHH Thiên Ân (xã Long Vĩnh); các loại mắm truyền thống vùng Gò Công của Công ty TNHH Mắm Bà Hai Diễm (xã Thành Công, huyện Gò Công Tây)…

Theo ông Lê Văn Nê, để phát huy chương trình OCOP, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương nhiều hơn nữa, thời gian tới, Gò Công Tây gắn kết chương trình với quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ trong ngoài tỉnh và khu vực.

Mặt khác, khuyến khích các chủ thể chú trọng chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vừa cải tiến mẫu mã, bao bì vừa đẹp vừa tiện ích cho người tiêu dùng, đưa sản phẩm OCOP vào các siêu thị phục vụ bà con một cách rộng rãi…

Bà Huỳnh Thị Diễm, Giám đốc Công ty TNHH mắm Bà Hai Diễm phấn khởi cho biết, trong đợt này, doanh nghiệp có các sản phẩm được công nhận đạt OCOP 4 sao là mắm tôm chà, mắm ruốc, mắm ruốc xào xả ớt, mắm cá linh.

Theo bà Huỳnh Thị Diễm, các chủ thể có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh đứng trước cơ hội rất lớn để phát triển sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ bởi sản phẩm được chứng nhận, khẳng định thương hiệu, phù hợp với tiêu chí vệ sinh, an toàn thực phẩm theo đòi hỏi của thị trường và khách hàng nên dễ dàng đi vào các siêu thị đáp ứng người tiêu dùng có nhu cầu cao, khách hàng cao cấp và những đối tượng tiêu dùng khó tính… Nhờ vậy, doanh thu của doanh nghiệp mỗi năm tăng thêm hàng trăm triệu đồng so với trước khi tham gia chương trình OCOP.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng nhận định, thực tế cho thấy, chương trình OCOP hướng đến khuyến khích, hỗ trợ các đối tượng sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ và vừa ở nông thôn khai thác tiềm năng về đất đai, lợi thế so sánh, phát huy vai trò của cộng đồng, giá trị truyền thống để thúc đẩy tổ chức sản xuất, mở rộng thị trường, nâng cao giá trị cho sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình và kinh tế nông thôn tại Tiền Giang.

Từ những lợi ích thiết thực nhiều mặt, trong năm 2023, địa phương tiếp tục đẩy mạnh chương trình, tuyên truyền, vận động các chủ thể tham gia một cách rộng rãi và hiệu quả, hướng tới mục tiêu mỗi năm phấn đấu phát triển thêm từ 40 - 50 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh.

Tin, ảnh: Minh Trí (TTXVN)
Sóc Trăng phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị
Sóc Trăng phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị

Sóc Trăng đang triển khai nhiều giải pháp phát triển sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) theo chuỗi giá trị nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN