Hiện Quảng Nam cũng đang bê tông hóa 152km đường giao thông nông thôn với tổng kinh phí gần 115 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh đã hỗ trợ 61 tỷ đồng, phần còn lại được các địa phương bố trí nguồn vốn và huy động đóng góp của nhân dân hơn 53 tỷ đồng.
Nhằm đẩy mạnh chương trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn và giao thông nội đồng, ngay từ đầu năm, nhiều địa phương trong tỉnh như: Đông Giang, Điện Bàn, Tiên Phước, Tam Kỳ, Đại Lộc, Duy Xuyên, Quế Sơn đã chủ động ứng trước kế hoạch năm 2017 để thực hiện, đảm bảo nguồn kinh phí cho các xã triển khai xây dựng đường giao thông đạt chuẩn nông thôn mới.
Ngoài nguồn vốn do ngân sách hỗ trợ 170 tỷ đồng, các địa phương này còn huy động nhân dân đóng góp ngày công lao động, vật tư tại chỗ, vận động nhân dân không nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng để kiên cố hóa 65,3km đường rộng từ 3,5 - 5,5 mét nhằm kết nối các trục đường liên huyện, liên xã, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa nông lâm sản từ vùng sản xuất đến các nhà máy chế biến ở các khu và cụm công nghiệp trên địa bàn.
Với việc lồng ghép các nguồn vốn trong chương trình xây dựng nông thôn mới để bê tông hóa đường giao thông nông thôn và đường giao thông nội đồng, năm 2016 Quảng Nam đã làm mới 170 km đường bê tông, xây mới hơn 250 cầu cống các loại, mở rộng đường giao thông đến các vùng nguyên liệu. Giao thông nông thôn và giao thông nội đồng phát triển không những tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại, vận chuyển hàng hóa mà còn tạo ra các mô hình liên kết vùng, mô hình dồn điền đổi thửa và cánh đồng mẫu lớn.
Nhờ triển khai các công trình giao thông nông thôn và giao thông nội đồng đảm bảo sự liên tục, năm sau kế thừa năm trước, nên trong quá trình thực hiện không có nhiều vướng mắc phát sinh. Các địa phương chủ động cân đối ngân sách và tổ chức thực hiện theo cơ chế của UBND tỉnh để chủ động đẩy nhanh tiến độ bê tông hóa giao thông nông thôn trên địa bàn như huyện Núi Thành, Nam Trà My, Duy Xuyên, Đại Lộc... Nhờ vậy, những địa phương này luôn đi đầu trong công tác phát triển giao thông nông thôn và giao thông nội đồng.
Đặc biệt, năm 2016, có 8 xã trên địa bàn tỉnh đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới, các địa phương đã chủ động phân rã, bố trí đủ nguồn vốn cho 8 xã để phát triển giao thông nông thôn; đến nay 8/8 xã đã hoàn thành, đạt tiêu chí số 2 về giao thông trong chương trình xây dựng nông thôn mới.