Sau nhiều năm kiên trì thực hiện, dồn điền đổi thửa ở Phú Thọ đã có kết quả tốt đẹp.
Thành công bước đầu
Phú Thọ có 96% diện tích đất nông nghiệp đã được giao cho nông dân quản lý, sử dụng canh tác. Tuy nhiên, ruộng đất manh mún, một hộ sử dụng nhiều thửa đất nằm rải rác ở nhiều cánh đồng. Bình quân mỗi hộ canh tác 10 thửa, có nơi lên đến 60 thửa. Đây chính là rào cản cho tổ chức sản xuất tập trung, làm tăng chi phí công lao động, khó áp dụng cơ giới hóa, điều hành thủy lợi và quản lý đất đai.
Nhiều hộ dân huyện Lâm Thao đã thực hiện chuyển đổi đất ruộng để làm trang trại VAC. |
Trước thực trạng trên, Phú Thọ đã ban hành Nghị quyết về tiếp tục dồn đổi ruộng đất nông nghiệp theo hướng giảm số thửa. Theo đó, vùng đồng bằng, giảm số thửa còn không quá 5 thửa/hộ; ruộng bậc thang thì bố trí liền khu liền khoảnh; chuyển nhượng diện tích cây lâu năm, cây lâm nghiệp tạo điều kiện thâm canh cao… Nhờ đó, công tác DĐĐT ở hầu hết các địa phương trong tỉnh đã phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy nhanh lộ trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Ông Nguyễn Đức Lân, Chủ tịch UBND xã Đỗ Xuyên, huyện Thanh Ba, cho biết: Ruộng đất manh mún không còn phù hợp với tình hình sản xuất vì không thể đầu tư thâm canh, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi không đưa được cơ giới hóa vào gây lãng phí công lao động rất lớn. Mặt khác ruộng đất manh mún, ô thửa nhỏ còn gây khó khăn cho việc lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quản lý đất đai. Nhờ dồn đổi, xã đã có những cánh đồng nghìn mét vuông, trung bình còn 3 thửa/hộ. Năm 2012, thu nhập bình quân của người dân đạt 20 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 5 lần so với trước khi dồn đổi.
Dồn điền đổi thửa (DĐĐT) không phải là tiêu chí cụ thể trong xây dựng nông thôn mới ở Phú Thọ, nhưng để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân thì thực hiện DĐĐT là việc cần làm. Đây được coi là “cánh cửa” tạo ra những vùng sản xuất quy mô lớn, góp phần thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa… |
Triển khai thực hiện Nghị quyết, Phú Thọ đã có 244 xã thực hiện dồn đổi tại thực địa với diện tích gần 10.000 ha, đạt 85% diện tích theo kế hoạch. Tuy nhiên, số diện tích được dồn đổi mới chỉ gần 30% diện tích đất trồng lúa. Công tác DĐĐT ở Phú Thọ đang có không ít vướng mắc do việc đo đếm, giao đất còn phụ thuộc vào thời vụ và nhiều địa phương còn lúng túng, chưa triển khai và thậm chí cán bộ chủ chốt chưa hiểu hết chủ trương. Một số địa phương triển khai còn mang tính đối phó, việc chỉ đạo thực hiện của cấp ủy thiếu quyết liệt nên kết quả không cao…
Ông Quách Văn Chiến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ cho biết: Toàn tỉnh đã có 97% số xã triển khai thực hiện Nghị quyết nhưng tỷ lệ diện tích ruộng đất đã dồn, đổi còn thấp, chưa đạt kế hoạch, kết quả thực hiện dồn đổi không đều ở các địa phương. Trong quá trình thực hiện, toàn tỉnh mới chỉ tập trung dồn đổi ruộng đất từ ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn, chưa quan tâm chỉ đạo đổi ruộng đất cho liền vùng, liền khoảnh; quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa chưa rõ; đầu tư cho giao thông, thủy lợi nội đồng còn hạn chế. Ở những địa phương vùng miền núi, chủ yếu là ruộng bậc thang nên người dân còn quen tập quán canh tác lạc hậu, còn tư tưởng bảo thủ, ngại thay đổi dẫn đến việc dồn đổi ruộng đất gặp rất nhiều khó khăn.
“Cú hích” trong xây dưng nông thôn mới
Ở những địa phương của Phú Thọ sau khi dồn đổi có ô thửa lớn, cộng với giao thông, thủy lợi nội đồng bảo đảm đã tạo điều kiện thuận lợi thực hiện cơ giới hóa đồng ruộng, hỗ trợ nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, giải phóng sức lao động.
Thực hiện đồn điền đổi thửa, huyện Lâm Thao đã hình thành nhiều cánh đồng mẫu lớn. Bình quân mỗi hộ có từ 4 đến 6 thửa, mỗi thửa rộng từ 2 đến 5 sào. |
Từ đó các địa phương đạt tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới là nâng cao thu nhập của người nông dân (tiêu chí 10) và góp phần hỗ trợ tiêu chí chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp (tiêu chí 12). Đồng thời, do đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, nhiều địa phương hình thành tổ dịch vụ cơ giới phục vụ sản xuất nông nghiệp trong HTX nông nghiệp, cùng với việc quy hoạch lại đồng ruộng, sẽ giúp tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thuận lợi, hình thành các HTX chuyên canh, hỗ trợ cho hoạt động của HTX nông nghiệp (tiêu chí 13).
Ông Nguyễn Hồng Toàn, Chủ tịch UBND xã Tứ Xã huyện Lâm Thao cho biết: Việc dồn đổi đã tạo ra nhiều ô, thửa lớn thuận tiện cho việc canh tác, áp dụng máy móc vào sản xuất, giảm chi phí đầu tư và sức lao động. Thành công trong việc dồn đổi ruộng đất tại Tứ Xã, một phần nhờ vào sự vận động xã viên của hai HTX Thạch Vỹ và Vân Hùng. Xã đã lấy ý kiến người dân công khai, dân chủ, lấy đa số thuyết phục thiểu số, trong đó đảng viên phải là người gương mẫu đi đầu nhằm tránh tư tưởng tư lợi cá nhân… Chủ tịch UBND xã Đỗ Xuyên (Thanh Ba), ông Nguyễn Đức Lân cho hay: Xã hiện có 60 máy làm đất các loại, 5 máy gặt đập liên hợp để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đến nay, hầu hết các khâu trong sản xuất đã được cơ giới hóa. Đây được coi là “cú hích” mạnh mẽ để xã tiến tới xây dựng nông thôn mới nhanh và bền vững.
Thành công trong DĐĐT còn là điều kiện tiên quyết thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp. Đây là xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp để tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao và nâng cao thu nhập cho nông dân. Ông Nguyễn Mạnh Toàn, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lâm Thao khẳng định: So với các địa phương khác, Lâm Thao có địa lý, đất đai thuận lợi để DĐĐT. Toàn huyện xuất hiện ngày càng nhiều ô, thửa có diện tích từ 1.000 m2 đến 8.000 m2 để trồng lúa hoặc nuôi trồng thủy sản… Lâm Thao đang hướng tới sản xuất nông nghiệp hàng hóa chuyên canh, tập trung. Toàn huyện hiện đã có 7 trong tổng số 12 xã đạt từ 14 -16 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, 5 xã còn lại cũng đạt từ 10 - 12 tiêu chí.
Như vậy, có thể nói việc DĐĐT thành công sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tổ chức, nông dân mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, làm giàu, góp phần cho các xã trên địa bàn tỉnh Phú Thọ sớm hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Tạ Văn Toàn