Chuyển biến tích cực sau dồn điền đổi thửa

Dồn điền đổi thửa (DĐĐT) được Hà Nội xác định là khâu đột phá trong xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân, thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa, tạo nên những vùng chuyên canh lớn.


Phát triển theo quy hoạch


Nhờ con đường ra giữa cánh đồng mở rộng hơn 3 m nên việc đi lại của bà con nông dân xã Tản Hồng, Ba Vì dịp này đã dễ dàng hơn trước. Bà Nguyễn Thị Đoàn, người dân trong xã cho biết: “Giờ đi làm đồng thuận tiện, không bị lầy lội như trước. Việc DĐĐT (DĐĐT) giúp chúng tôi đưa cơ giới vào làm, thuận tiện thâm canh, không phải đi 5 - 6 mảnh như trước”.


Nông dân xã Đan Phương chuyển dịch sang trồng hoa cho hiệu quả kinh tế.

 

Ông Phương Văn Liểu, Chủ tịch UBND xã Tản Hồng, cho biết: “Bên cạnh vận động tuyên truyền, xã đã thành lập Ban chỉ đạo các tiểu ban ở 19 cụm dân cư với những người có năng lực, trình độ, uy tín và am hiểu về đồng ruộng. Ban chỉ đạo tiến hành rà soát danh sách các hộ giao đã được giao đất trước đây rồi tiến hành khảo sát thực địa, phân loại loại đất để xây dựng phương án phù hợp; đồng thời, khi DĐĐT kết hợp với quy hoạch lại hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng để đảm bảo các thủy ruộng tiếp giáp với đường giao thông và mương để tiện lợi cho việc tưới tiêu, vận chuyển. Nhờ cách làm sâu sát đến nay xã đã cơ bản đạt được kế hoạch DĐĐT theo kế hoạch”.


Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), sau gần 2 năm triển khai, Hà Nội đã DĐĐT được hơn 73.000 ha, đạt 95,9% so với kế hoạch. Đây là nỗ lực mà hơn 10 năm qua chưa triển khai được.


Nhờ DĐĐT, toàn bộ diện tích đất nông nghiệp đã được quy hoạch lại, đào đắp mương máng, giao thông nội đồng theo tiêu chuẩn, tiêu chí nông thôn mới. “Mỗi hộ gia đình trước DĐĐT có 7 - 15 ô, thửa, thậm chí gần 40 ô thửa như tại Sóc Sơn, Chương Mỹ... Đến nay, mỗi hộ chỉ còn 1- 2 ô, thửa, thuận lợi cho người dân trong tổ chức sản xuất, giảm ngày công, tiết kiệm chi phí vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu”, ông Lê Thiết Cương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết.


Đến nay, Hà Nội đã có 50 xã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới với cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn không ngừng được nâng cấp và hoàn thiện. Đời sống nông dân được cải thiện và từng bước nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đã tăng từ 14 triệu đồng năm 2011 lên 24 triệu đồng năm 2013. Mỗi năm, thành phố đã giải quyết thêm việc làm cho từ 136.500 đến 140.000 lượt người lao động nông thôn.


Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết: Để khuyến khích DĐĐT, xây dựng kiên cố hóa đường giao thông nông thôn, Hà Nội đã hỗ trợ kinh phí đo đạc, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau DĐĐT, xây dựng bản đồ, quy hoạch đồng ruộng, hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng; hỗ trợ 70% kinh phí đào đắp giao thông, thủy lợi nội đồng (trong đó thành phố hỗ trợ 50%, ngân sách huyện hỗ trợ 20%); hỗ trợ toàn bộ tiền mua vật tư khi kiên cố hóa giao thông, thủy lợi nội đồng. Việc thực hiện DĐĐT thực hiện theo quy chế dân chủ nên được đa số người dân ủng hộ.
Nhân rộng mô hình


Ông Nguyễn Công Soái, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, công tác DĐĐT được coi là khâu đột phát trong xây dựng nông thôn mới, tạo thành phong trào lan rộng tại nhiều địa phương, khẳng định vai trò chủ thể của người dân. Sau DĐĐT, vấn đề tích tụ ruộng đất đã và đang được thực hiện ở nhiều nơi, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn với ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến và đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất nông nghiệp.


Thực tế cho thấy, sản xuất nông nghiệp vẫn mang tính truyền thống nên còn gặp nhiều bấp bênh, thiếu bền vững và chưa tương xứng với tiềm năng. Điều này dẫn đến việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất chưa hiệu quả, hàng hóa nông sản có thương hiệu chưa nhiều… Sau khi DĐĐT, nhiều cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa chất lượng cao đã hình thành tại các huyện có quy hoạch sản xuất lúa.


Các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa đem lại giá trị cao ra đời như mô hình trồng hoa tại một số xã tại Đan Phượng, Hoài Đức, Mê Linh, Thanh Trì, Đông Anh… với giá trị 0,5 - 1,5 tỷ đồng/ha/năm; mô hình cây ăn quả ở Hoài Đức, Thanh Oai, Mê Linh… trị giá 0,5 - 1,5 tỷ đồng/ha/năm; các mô hình chăn nuôi tập trung xa khu dân cử ở Sơn Tây, Chương Mỹ, Đan Phượng… với giá trị 1 - 2 tỷ đồng/ha/năm. Tuy nhiên, việc triển khai các mô hình này sau DĐĐT cần tuân theo quy hoạch và có sự hỗ trợ tiêu thụ từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Ông Bùi Đình Mẫn, một người dân huyện Thường Tín chia sẻ: “Nếu xã nào cũng trồng một loại rau, hoa quả hoặc trồng trọt không theo quy hoạch sẽ dẫn đến dư thừa sản phẩm và dẫn đến giá hạ, làm không lãi”.


Ông Lê Thiết Cương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội thừa nhận, việc tổ chức sản xuất trên vùng đất đã được DĐĐT phải thực hiện đúng quy hoạch phát triển nông nghiệp TP Hà Nội, quy hoạch sử dụng đất và điều kiện thực tế của địa phương cũng như nhu cầu thị trường. Phòng kinh tế các huyện, thị xã phải có trách nhiệm cung cấp thông tin, hướng dẫn và giúp đỡ các hộ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả.


Hiện nay, Sở NN&PTNT đã định hướng quy hoạch các vùng sản xuất nông sản hàng hóa như: Vùng sản xuất rau đậu thực phẩm, vùng rau an toàn ở Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn, Thanh Trì; vùng hoa, cây cảnh 2.100 ha tập trung ở các huyện Mê Linh, Từ Liêm, Đông Anh, Sóc Sơn, Đan Phượng, Hoài Đức, Thường Tín...; vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao quy mô khoảng 18.700 ha tại các huyện Ứng Hòa, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Ba Vì, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Thanh Oai…; vùng phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm tại Ba Vì, Gia Lâm, Đan Phượng, Phúc Thọ…

 

Với các chương trình đề án xây dựng nông thôn mới, Hà Nội phấn đấu tăng trưởng sản xuất nông nghiệp khoảng 2%/năm, giá trị sản xuất nông nghiệp thực đạt 231 triệu đồng/ha. Đến năm 2015, có trên 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ đường giao thông được bê tông hóa đạt 87%, thu nhập của nông dân phấn đấu đạt 29 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ lao động nông nghiệp còn dưới 20% lao động xã hội; trung bình mỗi năm giải quyết việc làm cho 70.000 lao động nông thôn.

Ông Phan Đăng Long, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội: Hà Nội luôn coi trọng tới khu vực phát triển nông nghiệp, nông thôn bởi đây là vùng chiếm 50% dân số của Hà Nội. Thực hiện DĐĐT là chủ trương lớn của thành phố tạo điều kiện cho phát triển hàng hóa, nâng cao giá trị sản xuất. Dù đã đạt những kết quả nổi bật nhưng trong quá trình thực hiện DĐĐT tại một số nơi chưa thực hiện quy chế dân chủ cơ sở nên dẫn đến thắc mắc trong bà con nông dân. Vì vậy, trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân vì cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới.

 

Ông Nguyễn Hồng Yên, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai: Việc DĐĐT đã mang lại lợi ích cho thúc đẩy sản xuất khu vực nông thôn. Trước kia, nhiều hộ có tới 7 - 8 thửa ruộng và phải làm vài ngày mới xong, nhưng từ khi DĐĐT, mỗi hộ chỉ còn 1 - 2 thửa, thuận tiện đưa cơ giới sản xuất, giải phóng sức lao động để chuyển sang làm nghề thủ công. Tại những vùng chưa hoàn thành DĐĐT, huyện tiếp tục vận động nhân dân hoàn thành gắp phiếu giao ruộng cho dân, hoàn thành sớm việc DĐĐT; trong giai đoạn 2014 - 2016, thực hiện rải đá cấp phối các tuyến đường trục giao thông thủy lợi nội đồng sau khi cấy xong; tổ chức đo đạc, hoàn thiện hồ sơ trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các xã hoàn thành công tác DĐĐT.

 

Ông Phùng Mạnh Thực, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong xã Hòa Trạch, Quốc Oai, Hà Nội: Trước khi xây dựng nông thôn mới, đường xá xã Hòa Trạch chật hẹp, phần lớn chưa cứng hóa, việc đi lại của nhân dân khó khăn, nhất là vào mùa mưa, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp. Hưởng ứng cuộc vận động nhân dân hiến đất làm đường giao thông thôn xóm và nội đồng. Đặc biệt, nhiều hộ dân trong thôn, xã cũng đã hiến đất để làm đường giao thông rộng hơn, có gia đình đã hiến 758 m2 đất để làm giao thông nội đồng. Thực tế, sau khi mở đường lớn, việc đi lại của dân thuận tiện, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Trong quá trình triển khai DĐĐT, mọi việc công khai minh bạch, thực hiện đúng quy chế dân chủ thì mọi người sẽ đồng thuận, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp hơn.

Xuân Minh

Hỗ trợ 686 tỷ đồng để dồn điền đổi thửa

Theo thống kê của Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội, đến nay, thành phố đã thực hiện dồn điền đổi thửa (DĐĐT) được 58.000 ha/75.000 ha (đạt 77,3%) đất nông nghiệp có thể DĐĐT...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN