Năm 2013, Hà Nội sẽ dồn điền đổi thửa xong

Tính đến tháng 3/2013, Hà Nội đã dồn điền đổi thửa (DĐĐT) được hơn 35.000 ha. Thành phố phấn đấu đến hết năm nay sẽ dồn điền đổi thửa xong. Thông tin trên được đưa ra tại cuộc giao lưu trực tuyến do Báo Kinh tế và đô thị tổ chức về chương trình DĐĐT ở Hà Nội diễn ra ngày 11/4.

Hỗ trợ xây dựng nông thôn mới


Ông Lê Thiết Cương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, việc DĐĐT không những giúp bà con nông dân giảm chi phí về phân bón, giống, công sức mà còn góp phần tăng năng suất, giải phóng sức lao động để người dân có điều kiện làm thêm ngành nghề khác, nâng cao thu nhập.

Đo ruộng phục vụ dồn điền đổi thửa tại Chương Mỹ, Hà Nội.


Ông Lê Thiết Cương cho biết hiện nay 6 - 7 huyện triển khai công tác DĐĐT rất tốt, được hơn 35.000 ha, đạt 181% kế hoạch đã đề ra. “Đây là một thắng lợi rất lớn nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt và tuyên truyền tốt”, ông Cương nhấn mạnh.


Đặc biệt, việc DĐĐT đóng góp rất lớn vào triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), tác động đến tất cả các tiêu chí XDNTM. Điển hình như các xã Đại Thắng (Phú Xuyên), Tân Hưng, Minh Trí (Sóc Sơn), Hợp Thanh (Mỹ Đức)... nhờ thực hiện DĐĐT nên đã có điều kiện chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp và nâng cao thu nhập cho người nông dân. Bên cạnh đó, cũng theo ông Cương, DĐĐT còn tạo điều kiện để doanh nghiệp thuận lợi hơn trong đầu tư vào nông nghiệp.

Tiếp tục tháo gỡ vướng mắc


Tại cuộc giao lưu, nhiều người dân cũng băn khoăn về việc sử dụng diện tích đất dôi dư sau khi DĐĐT. Ông Nguyễn Văn Bình, Phó trưởng phòng Quy hoạch Nông thôn, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết, những diện tích đất dôi dư đã giúp cho các địa phương có thêm quỹ đất công thực hiện quy hoạch bờ vùng, bờ thửa, cũng như các công trình phúc lợi. Đơn cử như xã Nghĩa Hương (huyện Quốc Oai) sau DĐĐT dôi dư ra 8,3 ha; xã Liên Mạc (huyện Mê Linh) sử dụng đất dôi dư xây dựng khu thể thao của xã. Một số xã như Song Phượng (Đan Phượng), Tây Tựu (Từ Liêm) dùng quỹ đất đổi đất của nhân dân để mở rộng đường giao thông.


Cũng có nhiều thắc mắc về việc phân chia ruộng công bằng cho người dân vì ở mỗi địa phương đều có chân ruộng tốt, xấu, cao, trũng... Ông Lê Thiết Cương giải đáp: “Để đảm bảo tính công bằng trong DĐĐT, trong quá trình thực hiện phải tuân thủ theo nguyên tắc tôn trọng quy chế dân chủ ở cơ sở”.


Theo hướng dẫn của Sở NN&PTNT Hà Nội về quy trình thực hiện công tác DĐĐT đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội, địa phương phải xây dựng phương án DĐĐT trong đó có quy hoạch bờ vùng, bờ thửa, đường giao thông, kênh mương thủy lợi nội đồng đảm bảo sau khi DĐĐT tất cả các thửa ruộng đều gần đường giao thông, thủy lợi. Do đó, địa phương phải làm tốt quy hoạch này thì mới đảm bảo tính công bằng cho người dân và để người dân yên tâm tham gia DĐĐT. Một số nơi như Ba Vì, Chương Mỹ, Quốc Oai, Mỹ Đức, Sóc Sơn... có các chân ruộng bậc thang. Tuy nhiên, do làm tốt quy hoạch nên vẫn DĐĐT thành công. Đơn cử xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn dù có 25 thung lũng nhưng khi tiến hành DĐĐT các hộ tự bỏ tiền san ủi hạ dần ruộng, chỉ sau một vài vụ là ruộng có thể bằng phẳng, thuận tiện cho sản xuất.


“Mặc dù có những nơi DĐĐT chậm trễ, tuy nhiên, quan điểm của thành phố là dứt khoát phải tiến hành DĐĐT xong trong năm nay”, ông Cương khẳng định.


Bài và ảnh: Mạnh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN