Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nam Định đã không ngừng tìm tòi, sáng tạo, tìm hướng đi trên chính ruộng đất quê hương. Ngay sau khi Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương Đảng (khóa X) ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, Nam Định đã xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn đồng thời là khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đưa cơ giới hóa vào sản xuất ở Nam Định. |
Khi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trước rất nhiều nhiệm vụ cần tập trung chỉ đạo tỉnh Nam Định đã xác định nhiệm vụ trước mắt là phải tiến hành công tác dồn điền, đổi thửa, tạo thuận lợi cho việc sản xuất hàng hóa tập trung, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất lao động, từ đó cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tại các vùng nông thôn, coi đây là khâu đột phá trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Thời gian đầu khi mới triển khai thực hiện, công tác dồn điền đổi thửa của tỉnh gặp phải không ít khó khăn. Trước hết là tâm lý e ngại, không muốn thay đổi của nhân dân tại các vùng nông thôn trước việc dồn điền đổi thửa, chất lượng ruộng đất tại các khu vực không thực sự đồng đều. Mặt khác, nhận thức của người dân và một số cấp ủy, chính quyền về công tác dồn điền đổi thửa vẫn còn hạn chế. Trước tình hình đó, ngày 19/9/2011 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 07-CT/TU, Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 45/KH-UBND ngày 30/8/2011 về việc tiếp tục thực hiện dồn điền đổi thửa trong sản xuất nông nghiệp nhằm xác định rõ hướng đi, cách làm trong dồn điền đổi thửa của tỉnh.
Các huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, tập trung chỉ đạo làm tốt công tác xây dựng phương án, tuyên truyền, vận động các hộ nông dân dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp gắn với chỉnh trang, kiến thiết đồng ruộng và đóng góp đất xây dựng các công trình nông thôn mới. Từ huyện tới các thôn, xóm, đội, việc triển khai dồn điền đổi thửa được tiến hành đồng bộ trên cơ sở sự thống nhất cao giữa chính quyền và nhân dân. Trước khi tiến hành dồn điền, đổi thửa, các tổ, đội, thôn, xóm đều tổ chức họp dân, lấy ý kiến công khai của nhân dân về nội dung và cách làm. Quá trình triển khai thực hiện, luôn đề cao tinh thần gương mẫu, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, phát huy ảnh hưởng của các chức sắc tôn giáo và những người có uy tín trong họ tộc. Vì vậy, sau vụ mùa năm 2011, có 90 xã triển khai dồn điền đổi thửa, đã có 57 xã hoàn thành giao đất tại thực địa, Hải Hậu là huyện đầu tiên hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp.
Thông qua dồn điền đổi thửa, nhân dân các địa phương đã góp được 2.851 ha đất (bình quân 10-15m/sào), tạo thêm nguồn lực quan trọng để xây dựng nông thôn mới; đồng thời đồng ruộng, kênh mương, giao thông nội đồng được chỉnh trang, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển sản xuất. Số thửa bình quân/hộ giảm từ 4 thửa/hộ xuống còn 1 - 2 thửa/hộ, nhiều xã đạt 75 - 80% số hộ chỉ còn 1 thửa/hộ. Quỹ đất công sau dồn điền đổi thửa đã tăng lên đáng kể, phục vụ tốt hơn cho việc xây mới, mở rộng, nâng cấp các công trình phục vụ dân sinh như trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, chợ... Đặc biệt, sau 5 năm triển khai công tác dồn điền đổi thửa, toàn tỉnh đã đắp được trên 5.400 km đường giao thông, thủy lợi nội đồng, đã cứng hóa được trên 1.000 km đường giao thông; hình thành các vùng sản xuất tập trung với 150 cánh đồng mẫu lớn, góp phần phát triển sản xuất hàng hóa theo hướng hiệu quả, bền vững.
Do làm tốt công tác dồn điền đổi thửa nên việc xây dựng nông thôn mới của Nam Định đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Trong 96 xã xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2015 đã có 74 xã đạt chuẩn, 22 xã cơ bản đạt chuẩn, trong đó, huyện Hải Hậu đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Nam Định được Trung ương đánh giá là một trong 5 địa phương dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 3,1%/năm. Sản lượng lương thực bình quân hàng năm đạt 940 nghìn tấn. Giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha canh tác tăng từ 75,6 triệu đồng/ha năm 2010 lên 100 triệu đồng/ha. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tại các vùng nông thôn được nâng lên đáng kể.
Có rất nhiều nguyên nhân để Nam Định đạt được những kết quả phấn khởi như trên. Tuy nhiên, lý do lớn nhất chính là quyết tâm cao độ trong việc lấy dồn điền đổi thửa là khâu đột phá trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nam Định. Không những thế phương châm của dồn điền đổi thửa nói riêng và xây dựng nông thôn mới nói chung của Nam Định là “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” và “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân hưởng thụ’’ cùng với bước đi "Làm từ đồng ruộng về làng; làm từ hộ gia đình ra thôn, xóm; làm từ thôn, xóm lên xã; các xã chủ trì xây dựng các công trình chính của xã; các thôn, xóm vận động nhân dân đóng góp xây dựng các công trình của thôn, xóm... Lấy thôn, xóm làm cơ sở và lấy hộ gia đình là hạt nhân để vận động xây dựng nông thôn mới" được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ.
Trong thời gian tới Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nam Định tiếp tục nỗ lực phấn đấu để đạt tới mục tiêu: Từ năm 2016, hàng năm toàn tỉnh có thêm ít nhất 20 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đến hết năm 2020 tỉnh Nam Định có tối thiểu 80% số xã đạt chuẩn quốc gia nông thôn mới; 80% số huyện, thành phố đạt chuẩn quốc gia nông thôn mới; tỉnh Nam Định đạt chuẩn Quốc gia tỉnh nông thôn mới. Để đạt được mục tiêu đó, Nam Định vẫn luôn xác định dồn điền đổi thửa chính là khâu đột phá trong quá trình xây dựng nông thôn mới.