Cụ thể, sản lượng khai thác dầu lũy kế 11 tháng đạt 9,97 triệu tấn, vượt 2,5% kế hoạch cả năm. Đặc biệt, sản lượng khai thác dầu đạt 9,72 triệu tấn, về đích sớm 39 ngày so với kế hoạch. Sản xuất đạm, xăng dầu, các sản phẩm dầu khí khác cũng bám sát kế hoạch, hướng tới hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra. Với kết quả đó, PVN ghi nhận các chỉ tiêu tài chính tăng trưởng cao so với cùng kỳ.
Lũy kế 11 tháng 2021, nộp ngân sách nhà nước của PVN ước đạt 84,7 nghìn tỷ đồng, vượt 52% kế hoạch 11 tháng, vượt 36% kế hoạch năm và tăng 27% so với cùng kỳ năm 2020.
Tính đến hết tháng 11, PVN có 16 đơn vị thành viên hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất cả năm 2021 bao gồm: Công ty mẹ - PVN, PV GAS, BSR, Vietsovpetro, PVEP, PVOIL, PVFCCo, PVPower, PVCFC, PTSC, PVTrans, PETROSETCO, PVI, PVD, Rusvietpetro và PVMR.
Cũng trong 11 tháng qua, hoạt động tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí được triển khai tích cực; PVN có 1 phát hiện dầu khí mới tại giếng khoan Sói Vàng-1X; đưa 3 mỏ và công trình vào khai thác gồm: mỏ Sư Tử Trắng pha 2A và các công trình BK-18A, BK-19.
Bên cạnh đó, PVN tiết giảm chi phí ước đạt gần 2.470 tỷ đồng, bằng 90,6% kế hoạch năm 2021. Đây là cơ sở để PVN tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, ủng hộ công tác phòng chống dịch COVID-19. Tổng kinh phí hỗ trợ toàn Tập đoàn cho Quỹ phòng chống COVID -19 là hơn 770 tỷ đồng; trong đó, đóng góp cho quỹ vaccine phòng COVID-19 gần 455 tỷ đồng, hỗ trợ 50 xe cứu thương, 300 máy thở cùng nhiều sự đóng góp khác cho ngành y tế và các địa phương.
Ngoài ra, công tác chuyển đổi số tại Tập đoàn ghi nhận những bước tiến mạnh mẽ, đi vào thực tiễn. Công ty mẹ - Tập đoàn đang triển khai giai đoạn 1 của Dự án chuyển đổi số, trong đó tập trung vào triển khai các phân hệ phần mềm quản lý doanh nghiệp lớn (ERP) cốt lõi tại Cơ quan Tập đoàn.
Việc triển khai áp dụng ERP tại Công ty mẹ - Tập đoàn sẽ là định hướng cho các đơn vị thành viên trong công tác chuyển đổi số cũng như lộ trình tích hợp, trao đổi thông tin và dữ liệu giữa Công ty mẹ và các đơn vị thành viên; cũng như triển khai các giải pháp liên quan đến số hóa quy trình nội bộ, quản lý công việc, quản lý nội dung số.
Theo PVN, trong tháng 11 vừa qua, có nhiều yếu tố tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn. Giá dầu thô trung bình tháng 11/2021 đã giảm so với tháng 10/2021, đặc biệt sau khi biến thể Omicron xuất hiện.
Nhu cầu huy động khí để sản xuất điện tiếp tục ở mức thấp do ảnh hưởng của COVID-19, ưu tiên thủy điện và phát triển năng lượng tái tạo và khách hàng công nghiệp tiếp tục chịu ảnh hưởng tác động của dịch COVID-19 buộc phải dừng, giảm sản xuất và duy trì hoạt động cầm chừng.
Việc nới lỏng giãn cách xã hội, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu đã tăng trở lại nhưng giá dầu giảm mạnh kéo theo các đầu mối gia tăng chiết khấu để bán hàng, gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động của các đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Theo Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng, để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, duy trì sản xuất và về đích sớm, PVN và các đơn vị thành viên tiếp tục duy trì thực hiện tốt “mục tiêu kép”, phối hợp tổ chức tốt tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3 trong điều kiện cho phép, trang bị thuốc điều trị COVID-19 cho người lao động.
Cùng đó, PVN tăng cường dự báo tình hình kinh tế vĩ mô, thị trường cho thời gian còn lại của năm 2021 và năm 2022 nhằm xây dựng các kịch bản, giải pháp để điều hành hiệu quả kế hoạch sản xuất kinh doanh; tập trung đẩy mạnh rà soát công tác đầu tư, quản trị danh mục đầu tư, xây dựng kế hoạch tài chính, vốn, kết hợp với sản xuất kinh doanh để xây dựng kế hoạch dòng tiền cho giai đoạn tới.
PVN cũng tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện tốt Đề án Tái tạo văn hóa PVN với phương châm hành động “Đoàn kết - kỷ cương - sáng tạo - hiệu quả” nhằm xây dựng tập đoàn phát triển ổn định và bền vững.