Tiếp nối những giá trị của phong trào Tết trồng cây do Bác Hồ khởi xướng và phát động những năm 60 của thế kỷ trước, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng phát triển hoa cây cảnh thành ngành kinh tế sinh thái gắn liền với mục tiêu bảo vệ môi trường hình và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đến nay cả nước có khoảng 35.000 ha tập trung chuyên canh hoa cây cảnh, phân bổ đều ở cả hai miền (diện tích trồng hoa cây cảnh phân tán tại các hộ gia đình chưa thống kê đầy đủ). Trong vòng 10 năm (2005 - 2015) diện tích hoa đã tăng hơn 2,3 lần, giá trị sản lượng tăng 7,2 lần đạt 6.500 tỷ đồng trong đó xuất khẩu trên 60 triệu USD.
Mức tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị ha gấp 3 lần, hình thành nhiều mô hình sản xuất hoa, cây cảnh đạt từ 800 triệu đồng đến 2,5 tỷ đồng/ha/năm ở Lào Cai, Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Bình Định, Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Đồng Tháp...
Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Rau quả (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT), nhu cầu về hoa cây cảnh trên thị trường ngày càng tăng mạnh. Chỉ tính trong 5 năm gần đây, nhu cầu hoa cây cảnh bình quân tăng khoảng 15% một năm, là tiền đề cho phát triển hoa cây cảnh một cách bài bản và thành hàng hóa lớn.
Trong những năm qua, hoạt động sản xuất và kinh doanh hoa, cây cảnh có những đóng góp tích cực trong kim ngạch xuất khẩu trên 4 tỷ USD của nhóm ngành rau, hoa quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, tạo thêm công ăn việc làm, cải thiện môi trường sống trong lành, tạo điểm nhấn trong xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.
Theo PGS. TS. Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, Việt Nam nói chung và miền Bắc nói riêng có nhiều lợi thế để phát triển hoa cây cảnh. “Vùng trung du miền núi phía Bắc và vùng Bắc Trung Bộ có rất nhiều quỹ đất để phát triển lĩnh vực này. Với các lợi thế về khí hậu vùng núi cao mát mẻ quanh năm thích hợp với nhiều loài hoa giống hoa cao cấp, đặc biệt như ở Mộc Châu (Sơn La), Điện Biên, Lai Châu có điều kiện hình thành các trang trại các doanh nghiệp sản xuất hoa công nghiệp phục vụ nội địa và xuất khẩu”, PGS. TS. Đào Thế Anh chia sẻ.
Ông Trần Xuân Định, nguyên Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cũng khẳng định: Hoa cây cảnh được đánh giá là một ngành hàng chủ lực góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành trồng trọt. Trong khi đó, vị trí địa lý, điều kiện đất đai, khí hậu và đặc biệt là sự khéo tay, con mắt tinh tế của người làm nghề của nước ta là những lợi thế không nhỏ trong việc phát triển ngành hoa, cây cảnh. Thêm vào đó, việc sản xuất hoa cây cảnh không đòi hỏi quá nhiều về đất đai, nước tưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lại dễ áp dụng công nghệ mới, công nghệ cao trong khi cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng thông thường khác trong điều kiện canh tác trong cùng điều kiện tương tác.
Tại hội thảo cũng diễn ra các hoạt động ra mắt ban vận động thành lập hiệp hội sản xuất và kinh doanh hoa lan Việt Nam, ký cam kết đồng hành cùng chương trình trồng mới 1 tỷ cây xanh của Chính phủ gắn với việc học tập và làm theo tinh thần tết trồng cây do Bác Hồ phát động tôn vinh những nghệ nhân doanh nhân, chủ nhà vườn tiêu biểu có hoạt động thiện nguyện hỗ trợ cộng đồng.
Hướng phát triển ngành hoa, cây cảnh như một trong những ngành trồng trọt mũi nhọn, Bộ NN&PTNT những năm gần đây cũng xác định thế mạnh và tính hiệu quả của lĩnh vực hoa, cây cảnh. Các viện nghiên cứu như Viện Nghiên cứu Rau quả, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Viện Cây lương thực, thực phẩm (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), Viện Di truyền Nông nghiệp... đã được đầu tư nhiều chương trình đề tài nghiên cứu chọn tạo giống hoa, các dự án về giống. Nhiều địa phương cũng quan tâm đầu tư cho việc nghiên cứu chuyển giao tiến bộ khoa học trồng hoa như hoa hồng, hoa ly, hoa đồng tiền, hoa cúc, đầu tư trang bị nhà kính, nhà lưới, nuôi cấy tế bào...
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sự phát triển ngành hoa, cây cảnh vẫn chưa tương xứng với vị thế tiềm năng. PGS. TS. Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả cho biết: Mặc dù hiện nay, sản lượng và thu nhập từ hoa cây cảnh đều tăng, tương lai không xa sẽ là một ngành sản xuất nông nghiệp nhiều tiềm năng góp phần quan trọng công cuộc tái cơ cấu trồng trọt phát triển làng nghề xây dựng nông thôn mới nhưng thực tiễn còn đang có những hạn chế nhất định kìm hãm sự phát triển. Cụ thể, hoạt động xuất khẩu và kinh doanh hoa cây cảnh cần mang muốn tự phát; ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế; h động liên kết lỏng lẻo. Cùng với đó, thị trường hoa, cây cảnh xuất hiện những diễn biến phức tạp, nhất là luồng ý kiến trái chiều về các hoạt động sản xuất kinh doanh hoa lan đột biến trong thời gian vừa qua.
Lý giải về việc có tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhưng hoa, cây cảnh Việt Nam lại chưa thể trở thành một cường quốc hoa, GS. TS. Nguyễn Quang Thạch - Viện sinh học Nông nghiệp (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) chia sẻ: Chúng ta chưa phát triển ổn định và bền vững ngành hàng hoa theo cách tiếp cận chuỗi giá trị, chưa sản xuất theo yêu cầu thị trường về số lượng và chất lượng với giá cạnh tranh. Vì vậy, ngành hàng rất cần phân tích yêu cầu của từng thị trường, nghiên cứu xu hướng giá cả, hàng hóa cạnh tranh và hội nhập kinh tế sản xuất trong môi trường cạnh tranh cao phải sản xuất nông nghiệp tốt GAP và hàm lượng khoa học công nghệ cao để nâng cao khả năng cạnh tranh về số lượng, chất lượng và về giá. Trên thực tế, cả nước mới có Đà Lạt đầu tư trọng điểm phát triển thành ngành công nghiệp sản xuất hoa.
Một ý kiến khác từ GS. TS. Trần Duy Quý - Chủ tịch Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam, tiềm năng, cây cảnh trong nước vẫn chưa thể phát triển mạnh một phần còn do chính sách về thưa thỏa đáng.
“Chúng ta chưa có chính sách thuế phù hợp để thúc đẩy ngành trồng hoa công nghệ cao phát triển đúng với tiềm năng vốn có. Hiện nay, vẫn còn thiếu công nghệ sản xuất tiên tiến sản xuất hoa hướng tới sản xuất theo công nghệ cao với cả dây chuyền thiết bị tiên tiến, liên hoàn từ sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, chế biến. Về mặt này người trồng hoa rất cần được trợ giúp và chuyển giao công nghệ. Hơn thế nữa, việc hầu hết các giống hoa đang được trồng ở Việt Nam là nhập theo con đường không chính thức từ nước ngoài nên không có bản quyền giống cây nên không thể xuất khẩu”, GS. TS. Trần Duy Quý nhận định.
Chia sẻ về mục tiêu trong nghiên cứu hoa, cây cảnh từ nay đến năm 2030, PGS. TS. Đặng Văn Đông cho biết, trước năm 2000, giống cây cảnh chủ yếu có nguồn gốc trong nước như đào bích, quất Văn Giang, cúc đại đóa, hồng Đà Lạt, lay ơn hồng phấn Hải Phòng. Từ năm 2010 trở lại đây, các giống hoa trồng của Việt Nam chủ yếu được nhập về từ nước ngoài như Hà Lan, Thái Lan, Trung Quốc bằng nhiều con đường khác nhau. Việc nhập giống cây trồng như vậy khiến thị trường bị động và muốn xuất khẩu hoa lại gặp khó khăn về vấn đề bản quyền.
Để thay đổi điều này, ngành hoa, cây cảnh rất cần có đầu tư bài bản ngay từ con giống. Tuy nhiên, theo đại diện của Viện Nghiên cứu Rau quả, khả năng tạo được giống mới trong nước trong một vài năm tới đây còn rất khó khăn, nếu được đầu tư thích đáng thì phải ít nhất 5 năm sau chúng ta có thể chủ động tạo ra nguồn giống thương hiệu “made in Vietnam”.
Điểm sáng của ngành nghiên cứu giống hoa, cây cảnh là đội ngũ cán bộ được đào tạo bài bản, chuyên sâu đã của ngành ngày càng gia tăng.
Mục tiêu ngành hoa, cây cảnh Việt Nam trong giai đoạn từ 2021 - 2025 sẽ là tạo ra được thứ 3 - 5 giống hoa cây cảnh mới mỗi năm, tự công bố lưu hành 15 - 20 giống và hoàn thiện 5 - 7 quy trình kỹ thuật phục vụ sản xuất. Đến năm 2025, ngành hoa, cây cảnh Việt Nam có thể mở rộng diện tích lên 50 nghìn ha, tăng 110% so với năm 2020. Giá trị sản lượng trung bình đạt 750 triệu đồng/ha/năm, giá trị xuất khẩu đạt 150 - 200 triệu USD/năm.
Để thực hiện được mục tiêu kể trên, một số giải pháp được các chuyên gia đưa ra là hoàn thiện chu trình khép kín từ nghiên cứu đến sản xuất; tăng cường công tác nghiên cứu gắn với sản xuất quy hoạch một số vùng sản xuất; tăng cường hỗ trợ đầu tư xúc tiến thương mại về hoa cây cảnh.
Giải quyết những khó khăn về nguồn giống, ngành nông nghiệp cần một mặt mua bản quyền một số hoa, cây cảnh có giá trị, mặt khác nhanh chóng liên kết với chuyên gia nước ngoài tạo giống, đầu tư cho các cơ quan của năng lực tạo giống mới. Trong đó, ngành cần ưu tiên các giống hoa cây cảnh có yêu cầu kỹ thuật công nghệ ít như hoa ly, lay-ơn, loa kèn, đồng tiền..., phấn đấu đến năm 2025 chủ động được 1/3 lượng giống hoa cây cảnh trong nước.
Cùng với đó, để phát triển thị trường, ngành hoa, cây cảnh cần xây dựng thương hiệu, triển khai một số trung tâm giao dịch chợ đầu mối bán buôn cây cảnh ở một số vùng trọng điểm có sản lượng hoa cây cảnh lớn nhất Tây Hồ, Mê Linh (Hà Nội), Đức Trọng (Lâm Đồng), Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh), khuyến khích các doanh nghiệp các nhà kinh tế cùng tham gia đầu tư sản xuất hoa cây cảnh xuất khẩu có những cơ chế cụ thể rõ ràng giống như đối với một số đối tượng cây trồng.
Ngày 23/4, Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam (Bộ NN&PTNT) và Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp cùng Hội Khoa học Phát triển nông thôn Việt Nam, Hội Sinh vật cảnh Hà Nội, Viện nghiên cứu truyền thống và phát triển (Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam) tổ chức hội thảo “Phát triển hoa cây cảnh - Ngành kinh tế sinh thái trong xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”. Sự kiện là cơ hội để các chuyên gia ngành nông nghiệp cùng trao đổi các giải pháp nhằm tăng cường liên kết sản xuất kinh doanh hoa cây cảnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.