Vườn của anh Trần Văn Lành ở phường Chánh Lộ, thành phố Quảng Ngãi có hơn 100 chậu dừa cảnh bonsai; trong đó, có 40 chậu được tạo hình con trâu.
Anh Lành chia sẻ: “Con trâu tượng trưng cho sức mạnh, sự bền bỉ, dẻo dai. Hình ảnh này gắn liền với người nông dân, với ruộng đồng, vì thế tôi nghĩ ra cách tạo “điểm nhấn” bằng cây lúa vươn cao trồng bên cạnh cho thêm sinh động. Ông bà từng có câu “Con trâu là đầu cơ nghiệp” nên thông qua tác phẩm này, tôi muốn gửi lời chúc các khách hàng có mùa màng bội thu, cuộc sống sung túc, no đủ trong năm mới".
Việc chế tác hình ảnh con trâu trên quả dừa khá phức tạp, đòi hỏi người thợ phải có tư duy, tỉ mẫn, khéo tay. Từ lỗ tai, cặp sừng đến các bộ phận khác đều được làm từ vật liệu gáo dừa (sọ dừa). Sau đó, phải trải qua nhiều công đoạn như cưa xẻ, mài bóng, đính keo, tạo hình, quét sơn mài, thêm tiểu cảnh… trước khi thành sản phẩm hoàn chỉnh.
Anh Lành dự kiến, mỗi chậu trâu dừa bonsai có giá dao động từ 700.000 - 1 triệu đồng, tùy theo mẫu mã, chất liệu của chậu.
Anh Trần Quang Trường ở phường Nghĩa Lộ, thành phố Quảng Ngãi bày tỏ sự thích thú khi được giới thiệu những chậu dừa bonsai có hình con trâu. Theo anh, hình ảnh này rất ngộ nghĩnh, dễ thương, dễ liên tưởng đến làng quê Việt Nam xưa với hình ảnh “Con trâu đi trước, cái cày theo sau”. "Nhất định tôi sẽ mua nó về trưng lấy may trong ba ngày Tết", anh Trường hào hứng nói.
Tại vườn của anh Lành, một giống mới được anh chọn trồng phục vụ dịp Tết là hoa ngũ sắc, có nguồn gốc từ Nhật Bản. Thú chơi hoa ngũ sắc chỉ mới rộ một thời trở lại đây và ngày càng có nhiều người đam mê. Hoa ngũ sắc rất dễ chăm sóc, chơi được lâu, càng lớn thế dáng càng đẹp, càng sai hoa. Loại hoa này cho nhiều màu khác nhau vàng, hồng, cam, đỏ… rất đẹp, bắt mắt, có mùi thơm thoang thoảng, nhất là về ban đêm.
Hiện vườn của anh Lành đang ươm hơn 200 chậu lớn, nhỏ; trong đó 2/3 số chậu đã cho hoa. Một vài khách thân quen đã đến thăm quan và đặt hàng trước, chỉ chờ tới ngày chở về chơi Tết.
Ông Võ Quang Hiếu ở thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành là người tiên phong trong việc nhập ngoại giống hoa tử la lan (hay còn gọi là hoa chuông tình yêu) từ Brazil về Quảng Ngãi để trồng với quy mô lớn.
Việc ông lựa chọn hướng đi mới mẻ này nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng cao cấp, cũng như thị hiếu người dùng ngày càng khắt khe. Cùng với đó, giá các loại hoa truyền thống thiếu ổn định nên đòi hỏi các nhà vườn phải có sự thay đổi, thích nghi cho phù hợp.
Ông Hiếu đánh giá, hoa giống nhập ngoại được nhiều người ưa thích, và chọn mua, vì có khả năng chống chịu tốt với nhiều mức độ thời tiết khác nhau, ra hoa sớm, lâu tàn hơn các hoa khác.
Dù kỹ thuật trồng giống hoa này rất khó, nhưng với sự am hiểu và tay nghề kỹ thuật cao, sau 3 tháng chăm sóc từ tháng 10/2020, hầu hết các chậu đều cho hoa đỏ rực, hứa hẹn mang lại thêm thu nhập trong vụ Tết cho gia đình ông.