Tham dự có lãnh đạo đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông Hòa Bình, cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp, cùng đại diện của Trung tâm Khuyến nông các tỉnh: Hưng Yên, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái, Hòa Bình.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Kim Văn Tiêu nhấn mạnh, nhằm phát triển bền vững nghề nuôi cá nước ngọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chủ trì phối hợp với các địa phương xây dựng các dự án khuyến ngư về nuôi cá lồng bè, nuôi thâm canh cá rô phi theo VietGAP, nuôi ghép các đối tượng cá truyền thống, nuôi cá trên ruộng lúa...
Các dự án đã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, tạo sản phẩm sạch, an toàn phục vụ cho nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Qua đó, kết quả các dự án nuôi thủy sản tại các tỉnh miền Bắc góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, xóa đói giảm nghèo, thay đổi cơ cấu sản xuất, hạn chế phá rừng, cải thiện đời sống cho người nông dân, tạo ra sản phẩm có giá trị tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình Vương Đắc Hùng nhấn mạnh, diễn đàn giúp cho các nhà quản lý trong tỉnh cũng như người dân và doanh nghiệp được tiếp cận với các thông tin về tiến bộ khoa học kỹ thuật, cũng như được chia sẻ học hỏi các kinh nghiệm trong việc tổ chức thực hiện phát triển nghề nuôi thủy sản lòng hồ đạt hiệu quả cao và bền vững, hướng tới sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm).
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, diện tích tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản vùng các tỉnh phía Bắc còn rất lớn khoảng 330.000 ha; trong đó, 89,4% diện tích nuôi nước ngọt, khoảng 11,6% nuôi nước mặn, lợ. Ngoài ra, còn có hàng trăm nghìn héc ta diện tích mặt nước hồ chứa, hồ thủy điện, hồ thủy lợi có thể phát triển nuôi cá lồng bè, nuôi cá hồ chứa. Ước tính thực hiện năm 2019, diện tích nuôi trồng thủy sản của các tỉnh phía Bắc đạt hơn 194.000 ha, sản lượng thu hoạch đạt khoảng 902.000 tấn.
Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình, hồ Hòa Bình có diện tích trên 10.450 ha nằm ở thành phố Hòa Bình, huyện Cao Phong, Đà Bắc, Tân Lạc, Mai Châu với chiều dài 80 km, nguồn thủy sản trong lòng hồ phong phú, đa dạng. Vùng nước giàu dinh dưỡng nên rất thuận lợi để nuôi các loại thủy sản có giá trị kinh tế như cá tầm, cá lăng, cá chiên, cá bỗng, cá trắm...
Đến nay, toàn tỉnh Hòa Bình có 2,7 nghìn ha mặt nước nuôi trồng thủy sản. Lồng nuôi truyền thống được thay thế bằng lồng cải tiến khung sát, lưới đã phát huy tiền năng mặt nước hồ thủy điện Hòa Bình. Năm 2020, có 4,6 nghìn lồng nuôi cá trên hồ. Sản lượng cá ước tính 7,7 nghìn tấn; trong đó, khai thác 1,4 nghìn tấn, nuôi trồng 5,3 nghìn tấn.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tham luận đưa ra các khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ như đẩy nhanh việc công nhận tiến bộ khoa học kỹ thuật mới hiệu quả để chuyển giao sản xuất nhân rộng mô hình; tăng nguồn kinh phí khuyến ngư để đáp ứng nhu cầu thực tiễn phát triển của ngành thủy sản; tăng cường quan trắc cảnh báo môi trường, dịch bệnh để cảnh báo nhằm giảm thiệt hại cho người chăn nuôi; thông tin tuyên truyền, đào tạo tập huấn nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của việc nuôi thủy sản đảm bảo an toàn môi trường, an toàn vệ sinh gắn với tiêu thụ sản phẩm.