Tại hội thảo, ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, hiện Bến Tre đang đẩy mạnh thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Bến Tre năm 2020. Đồng thời, nhiều sở, ngành của tỉnh cũng tăng cường mở rộng kết nối kinh tế giữa tỉnh Bến Tre và Tp. Hồ Chí Minh, cũng như những tỉnh, thành khác trên cả nước.
Theo ông Nguyễn Trúc Sơn, thông qua sự kiện lần này, sở, ngành tỉnh Bến Tre cũng hỗ trợ của doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh quảng bá thương hiệu, sản phẩm hàng hóa, nắm bắt nhu cầu thị hiếu khách hàng... để từng bước cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng và phát triển sản phẩm đặc sản, OCOP của địa phương.
Hơn thế nữa, đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bến Tre được tạo điều kiện thuận lợi tìm kiếm đối tác, cơ hội đầu tư, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường nội địa và thúc đẩy xuất khẩu ra thế giới.
Cùng với Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên, bán đảo Cà Mau, tiểu vùng ven biển phía Đông là một trong bốn tiểu vùng tạo động lực liên kết phát triển Đồng bằng sông Cửu Long. Trong số đó, tỉnh Bến Tre nổi lên không chỉ có vai trò quan trọng trong tiểu vùng mà còn có thể trở thành "nút kép" kết nối liền Đồng bằng sông Cửu Long và Tp. Hồ Chí Minh.
Bà Bùi Thị Thanh An, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho rằng, tỉnh Bến Tre cần tận dụng thế mạnh là kinh tế vườn và kinh tế biển để phát triển và xây dựng thương hiệu xuất khẩu cho nhiều sản phẩm như trái cây, thủy hải sản...; trong đó, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP và đặc sản Bến Tre sẽ giúp đơn vị sản xuất trên địa bàn tỉnh mở rộng cơ hội giao thương, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - phân phối.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Ngô Thị Kiều Dương, Giám đốc Công ty cổ phần Mỹ phẩm dừa Phú Long (tỉnh Bến Tre) cho hay, doanh nghiệp mong muốn nhà bán lẻ, nhà phân phối trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành, tạo điều kiện hỗ trợ sản phẩm OCOP và đặc sản Bến Tre vào kênh phân phối hiện đại. Đặc biệt, doanh nghiệp kỳ vọng sở, ngành các địa phương kết nối nhà bán lẻ, nhà phân phối với mức chiết khấu phù hợp, dành riêng cho đơn vị sản xuất địa phương, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã sản xuất sản phẩm OCOP và đặc sản địa phương.
Liên quan đến vấn đề đưa sản phẩm OCOP và đặc sản vào kênh phân phối hiện đại, ông Nguyễn Tô Kiều Trinh, Giám đốc thu mua hệ thống siêu thị Big C cho biết, đơn vị sản xuất cần yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, chứng nhận tiêu chuẩn. Đơn cử, doanh nghiệp khởi nghiệp cần chú trọng đảm bảo sản lượng, khâu vận chuyển và cung ứng sản phẩm. Bên cạnh đó, nhà cung cấp cũng cần tích cực tham gia những chương trình tiếp thị, trưng bày, giới thiệu dùng thử sản phẩm mới dành cho người tiêu dùng.
Còn theo đại diện Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), hàng hóa của doanh nghiệp địa phương có sự đầu tư mẫu mã, thiết kế bao bì... so với trước đây. Tuy nhiên, hiện tại sản phẩm OCOP chưa được đầu tư đúng mức về khâu quảng bá, tiếp thị giúp nhà bán lẻ và người tiêu dùng nhận biết trên thị trường. Cùng với đó, nhà bán lẻ, nhà phân phối cần biết quy trình lựa chọn sản phẩm OCOP bao gồm những tiêu chuẩn và có giá trị gia tăng như thế nào.
"Đặc biệt, những sản phẩm này hướng đến đối tượng khách hàng nào thì nhà bán lẻ, nhà phân phối mới có thể hợp tác hỗ trợ đưa sản phẩm ra thị trường, cũng như đến với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần nghiên cứu, đổi mới sáng tạo sản phẩm mới trên cơ sở khảo sát thị trường, nắm bắt thị hiếu tiêu dùng để nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm", đại diện Saigon Co.op chia sẻ thêm.
Đánh giá về hoạt động kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP và đặc sản Bến Tre vào thị trường Tp. Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, trong thời gian dài tăng cường xúc tiến thương mại giữa hai địa phương đã mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, nhà bán lẻ... Những hoạt động này, không nằm ngoài mục tiêu tạo điều kiện cho bên bán và bên mua gặp gỡ, trao đổi và bàn giải pháp hợp tác trong việc đưa sản phẩm ra thị trường, hình thành thương hiệu Việt.
Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, doanh nghiệp cũng phải nhìn nhận thực tế là cần giải bài toán cung gì cho thị trường, chứ không chỉ dừng lại việc cung những gì sản xuất được. Hiện nay, thị trường rất đa dạng sản phẩm nên vấn đề quan trọng là doanh nghiệp lựa chọn hướng đi bền vững và đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng. Đồng thời, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ được thể hiện được sản phẩm đảm bảo chất lượng, sản lượng, mẫu mã, bao bì...
Dịp này, đại diện doanh nghiệp đến từ tỉnh Bến Tre và nhà bán lẻ, nhà phân phối trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác cung ứng hàng hóa trong thời gian tới.