Phát triển nhanh giống mới cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Thực hiện dự án “Tăng cường khảo nghiệm để phát triển nhanh những giống cây trồng mới phục vụ chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng tỉnh Hưng Yên, giai đoạn 2021-2025", ngành nông nghiệp tỉnh đã lựa chọn những giống cây trồng cho năng suất cao, chất lượng tốt và thích ứng với biến đổi khí hậu vào sản xuất, qua đó giúp nâng cao giá trị canh tác, tăng thu nhập cho người nông dân.

Những mùa vàng bội thu

Chú thích ảnh
Các đại biểu tham quan mô hình trồng lúa TBR 87 tại xã Đức Thắng (Tiên Lữ, Hưng Yên). Ảnh: Mai Ngoan/TTXVN

Những ngày này, gia đình ông Dương Văn Tiên, xã Đức Thắng, huyện Tiên Lữ đang tất bật thu hoạch lúa Xuân. Năm nay, gia đình ông rất phấn khởi bởi 5 sào trồng từ giống lúa TBR 87 được mùa. Ông Tiên cho biết, giống lúa này có thời gian sinh trưởng ngắn hơn, cây cứng, đẻ nhánh khỏe, khóm gọn, đặc biệt năng suất cao hơn hẳn so với các giống lúa trước đây. Nếu như trước đây 1 sào lúa của gia đình chỉ được khoảng 1,8-2 tạ/sào thì giống lúa này đạt trên 2,5 tạ/sào nên gia đình ông rất phấn khởi. Với 5 sào lúa TBR 87, vụ Xuân năm nay, gia đình ông cho thu hoạch trên 1,2 tấn thóc.

Giống lúa TBR 87 là giống lúa thuần, đây là bản quyền của Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận lưu hành theo Quyết định số 423/QĐ-TT-CLT ngày 22/11/2023. Mô hình được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên phối hợp với Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed triển khai, trình diễn tại xã Đức Thắng, huyện Tiên Lữ trên với diện tích 10 ha.

Theo đánh giá, giống lúa TBR 87 có thời gian sinh trưởng khoảng 130 ngày và phát triển tốt; chiều cao cây khoảng 110-115 cm; đẻ nhánh khỏe, số nhánh hữu hiệu cao (9-11 nhánh/khóm), bản lá đòng to, xanh bền, lá đòng ngang. Năng suất ước đạt 71 tạ/ha (khoảng 255 kg/sào Bắc bộ); hạt thóc sáng, dạng hạt tròn, dài.

Ông Trần Mạnh Báo, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed cho hay, các giống lúa TBR87 là giống lúa ngắn ngày, cho năng suất cao, chất lượng gạo ngon, khả năng chống chịu tốt với bệnh đạo ôn và bạc lá. Thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục phối hợp với ngành nông nghiệp tỉnh Hưng Yên mở rộng diện tích, để sản xuất đại trà; đồng thời, tổ chức triển khai khảo nghiệm, trình diễn một số giống lúa mới có nhiều triển vọng.

Cũng giống như người dân xã Đức Thắng, niềm vui về vụ lúa Xuân được mùa cũng đến với bà con các xã Thụy Lôi, Lệ Xá (huyện Tiên Lữ); Hiệp Cường (huyện Kim Động), khi canh tác giống lúa mới ĐT120, kết hợp sử dụng phân bón hữu cơ nano và chế phẩm sinh học". Đây là kết quả từ sự phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên vàViện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chuyển giao kỹ thuật đến bà con nông dân trên diện tích 50ha.

Chú thích ảnh
Các đại biểu tham quan mô hình trồng lúa TBR 87 tại xã Đức Thắng (Tiên Lữ, Hưng Yên). Ảnh: Mai Ngoan/TTXVN

Bà Nguyễn Thị Minh Tuyết, Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp cho biết, giống lúa ĐT120 có thời gian sinh trưởng ngắn, từ 125-130 ngày, kiểu cây gọn, bông to, chống chịu khá với bệnh đạo ôn, bệnh bạc lá và rầy nâu. Giống lúa ĐT120 có hạt dài, màu vàng sáng, cơm mềm, đậm và có mùi thơm nhẹ. Năng suất ước đạt từ 220-270 kg/sào, cao hơn từ 15-30% so với giống đối chứng Bắc thơm số 7.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Tuyết, giống lúa ĐT120 đạt năng suất cao là sự kết hợp giữa việc sử dụng phân bón hữu cơ nano UPLML (phun khi lúa phân hóa đòng và sau trỗ thoát) và chế phẩm sinh học Neem Ferno (dòng chế phẩm sinh học thảo mộc có đến 90% thành phần là tinh dầu Neem, đây là tinh chất từ cây xoan chịu hạn) giúp cây sinh trưởng, phát triển khỏe, chống chịu tốt với các đối tượng sâu bệnh hại. Qua theo dõi, so với giống Bắc thơm số 7, giống ĐT120 chỉ nhiễm nhẹ một số sâu bệnh hại như đạo ôn, khô vằn, cuốn lá, đục thân và rầy nâu...

Lựa chọn những giống cây trồng hiệu quả

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên, dự án khảo nghiệm giống cây trồng, giai đoạn 2021-2025” với mục tiêu thực hiện khảo nghiệm và trình diễn các giống cây trồng như: lúa, hoa, ngô và những cây rau màu ngắn ngày.

Theo đó, trong giai đoạn này, tỉnh Hưng Yên phấn đấu sẽ chọn được từ 5-6 giống lúa; 3-4 giống rau màu và hoa các loại có năng suất cao, chất lượng tốt, dễ tiêu thụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao để bổ sung vào cơ cấu giống cây trồng của tỉnh.

Đồng thời, tỉnh cũng đặt mục tiêu xây dựng được từ 3-5 mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật canh tác mới trên cây trồng theo hướng sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững để nông dân các địa phương thăm quan, học tập, áp dụng vào thực tiễn sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Tráng, đối với các dự án khảo nghiệm sản xuất, tỉnh sẽ hỗ trợ 100% kinh phí mua giống và 50% kinh phí mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và một số vật tư cần thiết khác.

Chú thích ảnh
Giống lúa TBR 87 cho năng suất ước đạt 71 tạ/ha, cao hơn các giống lúa khác nên rất thích hợp để trồng đại trà tại Hưng Yên. Ảnh: Mai Ngoan/TTXVN

Đối với dự án trình diễn các giống mới hỗ trợ 100% kinh phí mua giống, 30% kinh phí mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và một số vật tư cần thiết khác và hỗ trợ 100% kinh phí mua giống và vật liệu nghiên cứu ứng dụng. Đồng thời, tỉnh cũng hỗ trợ 30% kinh phí mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và vật tư cần thiết khác đối với dự án ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

"Những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã lựa chọn những giống cây trồng có năng suất cao, chất lượng tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu, qua đó, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người dân. Điển hình như: các giống lúa TBR 279; TBR 87; TBR 88; lúa thuần Hương Bình; Gia Lộc 56, ĐT 120", ông Nguyễn Văn Tráng cho biết thêm.

Thời gian tới, Sở tiếp tục cập nhật, lựa chọn các giống lúa tốt, phù hợp với mục tiêu sản xuất của tỉnh để khảo nghiệm và phát triển giống trong sản xuất; tập trung vào những giống lúa có chất lượng cao, năng suất ổn định, ít nhiễm các loại sâu bệnh hại nguy hiểm, thích ứng với biến đổi khí hậu, dễ tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị sản xuất.

Đồng thời, đẩy mạnh áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác mới vào sản xuất; sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật mới có nguồn gốc sinh học, thảo mộc để phòng trừ sâu bệnh nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm; ứng dụng đưa cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch và sau thu hoạch.

Vụ Xuân năm 2024, tỉnh Hưng Yên gieo cấy trên 24.000 ha lúa; trong đó, gieo cấy 100% trà xuân muộn, gieo cấy lúa chất lượng cao đạt từ 70% diện tích trở lên; với năng suất ước đạt 67 tạ/ha.

Quang Nhiều (TTXVN)
Triển vọng từ giống lúa TBR 87
Triển vọng từ giống lúa TBR 87

Ngày 28/5, tại xã Đức Thắng, huyện Tiên Lữ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên phối hợp với UBND huyện Tiên Lữ, Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed tổ chức Hội nghị đầu bờ tham quan, đánh giá mô hình sản xuất tập trung giống lúa TBR 87.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN