Phát triển bền vững nghề nuôi thủy sản lồng bè trên đầm, vịnh biển

Nghề nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè trên đầm, vịnh biển ở Khánh Hòa là nghề mang lại lợi ích kinh tế rất lớn với các loại thủy, hải sản có giá trị cao và được thị trường ưa chuộng như: tôm hùm, cá mú, cá bớp...

Tuy nhiên, do nghề này phát triển “nóng”, nên các đầm, vịnh biển nơi đây dần bị quá tải, môi trường nước bị ô nhiễm. 

Quá tải và ô nhiễm 

Vùng đầm, vịnh biển của tỉnh Khánh Hòa hội tụ các yếu tố thuận lợi để phát triển nghề nuôi thủy sản lồng bè, mà không nhiều địa phương ven biển có được. Đó là hai đầm Nha Phu và Thủy Triều, cùng ba vịnh Vân Phong, Nha Trang và Cam Ranh, có nước sâu, kín gió do có hệ thống đảo ven bờ che chắn, khí hậu ôn hòa, ít có bão nên rất phù hợp cho việc nuôi thủy sản. Tuy nhiên, những yếu tố bất lợi cũng thường xuyên xảy ra như dịch bệnh, môi trường nước bị ô nhiễm... ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bền vững của nghề này. 

Lồng bè nuôi tôm hùm trên vịnh Vân Phong.

Từ đầu tháng 9/2016 đến nay, nhiều hộ nuôi cá bớp, cá chim ở đầm Nha Phu và ven vịnh Cam Ranh đã phải “treo lồng”, bởi cá chết rải rác nhưng lại kéo dài liên tục, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Cá bớp bị chết, loại nhỏ cũng đã 0,5 kg, loại to lên đến 4 kg. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa, thời gian qua, trên đầm Nha Phu có trên 94 tấn cá bớp, cá mú, cá chim của 40 hộ bị chết; trong đó, nhiều nhất là cá bớp, thiệt hại 4,6 tỷ đồng. Ở vùng nuôi thuộc phường Cam Phúc Nam, vịnh Cam Ranh có trên 160.000 con bớp của 29 hộ bị chết, thiệt hại khoảng 6,7 tỷ đồng. 

Theo ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa, qua kiểm tra ở đầm Nha Phu, lực lượng liên ngành phát hiện các hộ nuôi cá bớp, cá chim tự phát, vùng nước nuôi không thông thoáng, khiến môi trường nước bị ô nhiễm, mật độ nuôi từ 150 - 200 con/lồng là phù hợp, nhưng người dân nuôi đến 300 - 500 con/lồng, dẫn đến cá thiếu ô xy. Qua kiểm tra vùng nuôi cá bớp ở vịnh Cam Ranh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa phát hiện, có dấu hiệu ô nhiễm, nên việc nuôi trồng gặp nhiều khó khăn như, cá chết rải rác, chậm lớn, bị bệnh nhiễm khuẩn làm cho tỷ lệ cá chết tích lũy cao. Tỉnh Khánh Hòa hiện có trên 4.500 lồng nuôi cá ở “2 đầm, 3 vịnh”, cho sản lượng khoảng 3.500 tấn/năm, trong đó cá bớp trên 3.500 lồng, cá mú hơn 700 lồng... Các loại cá này cho giá trị kinh tế lớn do bán được giá cao như, cá bớp từ 150.000 - 180.000 đồng/kg, cá mú 250.000 - 300.000 đồng/kg. 

Bên cạnh cá bớp, nghề nuôi tôm hùm lồng của Khánh Hòa phát triển nhất cả nước, bình quân hàng năm thả nuôi trên 23.000 lồng, cho sản lượng từ 800 - 1.100 tấn. Đây cũng là đối tượng nuôi mang lại giá trị kinh tế cao nhất, khi tôm hùm có giá từ 1,2 -1,5 triệu đồng/kg. Nghề nuôi tôm hùm lồng ở Khánh Hòa tập trung chủ yếu ở hai vịnh Vân Phong và Cam Ranh, một số ít ở vịnh Nha Trang. Hiện nay, một số vùng nuôi tôm hùm đã “quá tải”, nhất là ở một số khu vực gần bờ của vịnh Vân Phong, làm cho môi trường nước ngày càng xấu đi, dịch bệnh diễn biến phức tạp. 

Tôm hùm lồng ở Khánh Hòa thường bị chết do mắc các bệnh đen mang, đỏ thân, long đầu và nhất là bệnh sữa được phát hiện năm 2006. Tuy nhiên, việc “trị bệnh” cho tôm hùm lồng vẫn chưa có giải pháp căn cơ, do nghề này phát triển khó kiểm soát. Theo Thạc sĩ Nguyễn Cơ Thạch, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III, nghề nuôi tôm hùm lồng hiện nay thiếu sự kiểm soát và không giới hạn được số lồng nuôi trên một vùng biển, điều này đã làm xuất hiện những vấn đề khó giải quyết như, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh... 

Đồng bộ các giải pháp 

Theo các nhà quản lý và nghiên cứu về nuôi trồng thủy sản, để giải quyết những bất cập của nghề nuôi trồng thủy sản trên “2 đầm, 3 vịnh” ở Khánh Hòa, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Đó là quy hoạch chi tiết vùng nuôi; nâng cao ý thức, kỹ thuật nuôi, vệ sinh trong và ngoài vùng nuôi, thu gom rác thải, xử lý thức ăn thừa, tôm cá bị chết do nhiễm bệnh, tổ chức liên kết theo chuỗi giá trị, chủ động được nguồn giống sạch bệnh. 

Hiện nay, ngoài vịnh Nha Trang có quy hoạch chi tiết vùng nuôi trồng thủy sản; các vịnh, đầm còn lại chưa có quy hoạch chi tiết, nên người dân gặp khó khăn trong việc xác định vùng nuôi. Vì vậy, việc hoàn thiện quy hoạch chi tiết theo hướng chuyển vùng nuôi ra xa bờ là vấn đề cấp bách đặt ra. Bà Nguyễn Thị Toàn Thư, Phó trưởng Phòng Nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản Khánh Hòa đánh giá: Quy hoạch chi tiết vùng nuôi xa bờ vừa giải quyết được tình trạng ô nhiễm, vừa giảm quá tải cho vùng gần bờ. 

Đối với vùng gần bờ hai đầm Nha Phu và Thủy Triều, nhiều nhà nghiên cứu khuyến cáo, nên nuôi xen ghép các loài thân mềm, nhuyễn thể vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa góp phần cải tạo môi trường nước, qua đó giúp nghề nuôi tôm, cá lồng ở đây được thuận lợi hơn. Riêng với nghề nuôi tôm hùm lồng, Tiến sĩ Thái Ngọc Chiến, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III cho rằng, cần chú ý đến công nghệ nuôi mới, cụ thể là nuôi xa bờ với hệ thống lồng hiện đại có thể hạ sâu xuống tầng giữa vào mùa mưa bão, nuôi trong bể trên đất liền, nuôi đáy nhằm giảm áp lực nuôi ven bờ. Về môi trường, các tổ nuôi tôm hùm tự quản cần giám sát việc thực hiện vệ sinh, thu gom và tiêu hủy rác thải. 
Bài và ảnh: Nguyên Lý
Nuôi thủy sản nước ngọt theo hướng bền vững
Nuôi thủy sản nước ngọt theo hướng bền vững

Tỉnh Hậu Giang xác định phát triển nuôi thủy sản nước ngọt là một thế mạnh của địa phương, là hướng ưu tiên để chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao; nuôi thủy sản kết hợp với chế biến xuất khẩu có tính cạnh tranh cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN