Nuôi thủy sản nước ngọt theo hướng bền vững

Tỉnh Hậu Giang xác định phát triển nuôi thủy sản nước ngọt là một thế mạnh của địa phương, là hướng ưu tiên để chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao; nuôi thủy sản kết hợp với chế biến xuất khẩu có tính cạnh tranh cao.

Vươn lên làm giàu

Anh Nguyễn Văn Hiệp, trú tại ấp 2, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, trước đây đời sống rất khó khăn nên luôn trăn trở phải làm gì để thoát nghèo. Anh đã sang các địa phương lân cận học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm của những người nuôi cá rồi về chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả để nuôi cá rô đồng với diện tích 6.000 m2. Sau 5 tháng nuôi cho thu hoạch hơn 7 tấn cá thịt với giá bán 25.000 đồng/kg, trừ chi phí còn lãi trên 50 triệu đồng. Sau khi học lớp nuôi trồng thủy sản do Trường Đại học Cần Thơ phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh tổ chức, anh Hiệp đã chuyển sang ương, ép cá sặc rằn giống và thả nuôi cá thịt. Hiện tại, cá được hơn 5 tháng tuổi phát triển khá tốt và sẽ xuất bán vào 2 tháng tới, dự tính cho thu nhập hơn 100 triệu đồng.

Nông dân huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang thu hoạch cá thát lát.Ảnh: Huỳnh Sử - TTXVN

Ông Đỗ Văn Danh, trú tại ấp 1 xã Vĩnh Thuận Đông, tận dụng diện tích mặt nước 900 m2 để nuôi cá và ương giống cá sặc rằn. Từ 15 kg cá bố mẹ, sau thời gian ép 2 tháng bán được 1 tấn cá giống, với giá 50.000 đồng/kg thu được 50 triệu đồng. Ông Danh còn giữ lại cá giống và chia ra 2 hầm để nuôi, ước tính cuối vụ này sẽ thu về khoảng 20 tấn cá thịt. Nếu giá cá sặc rằn thương phẩm vẫn giữ mức 30.000 đồng/kg như hiện nay, gia đình ông sẽ có lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Anh Võ Đình Chiến sinh năm 1975, ngụ ấp Bình Hiếu, xã Long Bình, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang đã cho biết: “Trước năm 2003, gia đình có 3 công đất ruộng làm 3 vụ lúa nhưng hiệu quả mang lại không cao. Năm 2004, tôi mạnh dạn ép cá thát lát giống để cung cấp cho địa phương và các xã xung quanh, nhờ có sự hỗ trợ của các nhà khoa học mà tôi đã thành công sản xuất giống cá thát lát đặc sản của địa phương”.

Hiện cơ sở của anh Chiến có 10 ao nuôi cá thát lát và sặc rằn với số lượng cá giống bán ra thị trường lên đến khoảng 1 triệu con/năm. Tổng thu từ mô hình của anh Chiến tăng dần qua các năm, chỉ tính riêng sản phẩm từ cá thác lát, năm 2011 đạt gần 500 triệu đồng, đến nay là khoảng 800 triệu đồng/năm, lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Chiến lược lâu dài

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang đánh giá: “Để ngành nuôi thủy sản địa phương phát triển một cách bền vững và hiệu quả, ngành nông nghiệp tỉnh đang tiến hành những giải pháp như các ngành chức năng thường xuyên tổ chức tư vấn, hỗ trợ người nuôi nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản, cung cấp thông tin, giá cả, thị trường, giảm bớt các khâu trung gian khi bán sản phẩm. Cùng với đó, nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học trong công tác bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản, nghiêm cấm những ngành nghề gây xâm hại hệ sinh thái trong khai thác nhằm nâng cao hiệu quả và bảo vệ tốt nguồn lợi thủy sản; tập huấn ngắn hạn, tham quan mô hình và tiếp xúc trực tiếp với người dân.

“Xác định khâu chế biến và tiêu thụ thủy sản là một trong những khâu quan trọng nên tỉnh đã có chiến lược phát triển lâu dài. Đó là nâng cấp các cơ sở hiện có, từng bước gia tăng công suất chế biến cân đối với khả năng đáp ứng của nguồn nguyên liệu; chuyển đổi cơ cấu mặt hàng từ thô sang tinh, nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản chế biến đáp ứng ngày càng cao của thị trường; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, chú trọng xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường cho các sản phẩm chủ lực như cá tra, thát lát”, ông Nguyễn Văn Đồng cho hay.

Chi cục Thủy sản tỉnh Hậu Giang đang triển khai dự án “Ứng dụng vắc-xin Alpha Zect Panga 1 để phòng trừ bệnh gan thận mủ trên cá tra nuôi thâm canh trong ao đất” tại thị xã Ngã Bảy, nhằm đánh giá tính hiệu quả của vắc-xin, từ đó nhân rộng việc sử dụng vắc-xin cho các hộ nuôi trong tỉnh và bước đầu đã thành công.

Về quy hoạch vùng nuôi thủy sản đến nay đã có 2 dự án quy hoạch, cụ thể là Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản tỉnh Hậu Giang đến năm 2020; lập quy hoạch chi tiết chế biến cá tra trong tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Bà Nguyễn Thị Thùy Lam, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Hậu Giang cho biết, để giữ vững và phát triển việc nuôi trồng thủy sản, trong thời gian tới, ngành sẽ lập ra những kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn, tiếp tục phấn đấu đạt kế hoạch về chỉ tiêu và diện tích, sản lượng thủy sản đặt ra hàng năm. Đồng thời, tăng cường tập huấn và khuyến khích người dân áp dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng thức ăn viên công nghiệp thay thế dần thức ăn tươi sống, đảm bảo an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Ngành thủy sản cũng tập trung sản xuất thâm canh, bán thâm canh các đối tượng nuôi chủ lực như: cá thát lát, cá rô, cá tra và một số loài thủy sản đặc sản: lươn, ba ba, tôm càng xanh, ếch.

Từ nay đến năm 2020, tỉnh Hậu Giang đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng để thực hiện các giải pháp phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững. Theo đó, tỉnh Hậu Giang phát triển nuôi thủy sản theo 3 loại hình: Nuôi chuyên canh, nuôi kết hợp và nuôi lồng, vèo; xác định cá tra là đối tượng nuôi chủ lực với hình thức nuôi thâm canh, tập trung ven các sông lớn thuộc các huyện Long Mỹ, Châu Thành, thị xã Ngã Bảy, huyện Phụng Hiệp.


Trần Hữu Hiếu
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN