Nuôi thủy sản, người mừng, kẻ lo

Những ngày này, người nuôi tôm, cá lóc, cá điêu hồng... ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang vui như tết vì giá các loại thủy sản này bất ngờ tăng mạnh. Ngược lại, những người “chung thủy” với con cá tra vẫn đang trong chuỗi ngày ảm đạm bởi giá cá chưa có dấu hiệu ngừng sụt giảm.

Giá tôm, cá lóc tăng gần 20%


Gia đình anh Trần Trung Hậu ở huyện An Phú (An Giang) có 4 ao, tổng diện tích hơn 1 ha mặt nước. Năm nay, anh quyết định chuyển hướng đầu tư nuôi cá lóc đen và loại cá này đang được thương lái “săn đón”. “Lứa cá này đã được hơn 4 tháng. Tôi đang chuẩn bị tát ao thu hoạch cá. Dự kiến, tôi sẽ thu hơn 10 tấn cá thương phẩm. Tôi chưa muốn bán ngay vì giá cá sẽ còn tăng trong những ngày tới”, anh Hậu cho biết.

Trong khi giá cá tra tiếp tục sụt giảm thì các loại thủy sản khác như tôm, cá điêu hồng lại được giá.


Giá các loại thủy sản khác như tôm, cá điêu hồng..., cũng tăng từ 15 - 20% so với cùng kỳ năm 2012. Cụ thể, tôm thẻ chân trắng cỡ nhỏ có giá từ 115.000 - 125.000 đồng/kg; tôm sú loại lớn dao động từ 210.000 - 220.000 đồng/kg... Còn cá điêu hồng sau thời gian rớt giá “thê thảm” do những tin đồn thất thiệt, nay người tiêu dùng bắt đầu quay trở lại tiêu thụ mạnh nên giá cũng tăng lên. Tại các bè chuyên nuôi cá điêu hồng ở huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), TP Mỹ Tho (Tiền Giang)..., giá thu mua đã tăng khoảng 24.000 đồng/kg so với cùng thời điểm năm 2013; như vậy, loại cá này hiện có giá từ 37.000 – 39.000 đồng/kg.

“Khó khăn với ngành nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra chỉ là tạm thời. Tôi vẫn tin vào tương lai tươi sáng của ngành cá tra Việt Nam”.

Ông Trương Đình Hòe,
Tổng Thư ký VASEP


Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), 6 tháng đầu năm, mặc dù thời tiết không thuận lợi, dịch bệnh hay xảy ra nhưng nhờ ứng phó kịp thời nên tình hình nuôi tôm tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long khá ổn định. Diện tích và sản lượng tôm của một số tỉnh đạt khá cao, cụ thể: Bến Tre gần 5.700 tấn tôm sú và 3.200 tấn tôm thẻ chân trắng, Kiên Giang trên 10.000 tấn tôm sú. Với mức giá tôm như hiện nay, nếu thu hoạch đúng tuổi và nuôi đúng quy trình, người nuôi thu lãi từ 45 - 70 triệu đồng/ha. Với trường hợp con cá lóc, cá điêu hồng..., sau khi trừ chi phí, người nuôi cũng có lãi khoảng 10.000 đồng/kg.


Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nguyên nhân khiến giá tôm, cá lóc, cá điêu hồng tăng cao là do nguồn cung đang khan hiếm, trong khi nhu cầu thị trường lại tăng mạnh. Trước đây, giá những loại thủy sản này giảm mạnh, người nuôi thua lỗ liên tục đã quyết định “treo” ao, bè hoặc chuyển sang nuôi con giống khác. Riêng tôm đang được giá do nhu cầu thị trường nhập khẩu tăng đột biến, trong khi đó sản lượng tôm trong nước và thế giới giảm mạnh do dịch bệnh...

Theo Bộ NN&PTNT, do các nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu vẫn trong tình trạng khó khăn cả về thị trường và nguồn vốn nên tình hình sản xuất cá tra đến nay vẫn chưa khởi sắc. Những hộ nuôi cá tra tại Cần Thơ chỉ ký hợp đồng mua bán với doanh nghiệp chế biến khi cá tra đạt kích cỡ thương phẩm nên giá cá không ổn định. Trong khi đó, các hộ nuôi gia công cho các doanh nghiệp vẫn có lãi từ 1.000 - 2.000 đồng/kg.

Giá cá tra vẫn thấp


Trái ngược với không khí nhộn nhịp “người mua kẻ bán” đối với các loại thủy sản này thì con cá tra vẫn đang trong cảnh “chợ chiều”. Sản lượng cá tra 6 tháng đầu năm ước đạt hơn 560.000 tấn, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2012. Hầu hết những tỉnh trọng điểm về nuôi cá tra xuất khẩu đều giảm diện tích nuôi như: Vĩnh Long giảm 10%, Bến Tre giảm 7%, An Giang giảm 3%... Dù nguồn cung giảm nhưng giá cá tra vẫn “tụt dốc không phanh”. Theo khảo sát của phóng viên báo Tin Tức, giá cá tra loại 1 trong những ngày đầu tháng 7 chỉ còn khoảng 18.000 - 19.000 đồng/kg, loại 2 giá 17.500 - 18.000 đồng/kg và người nuôi đang “gánh” lỗ 2.000 - 3.000 đồng/kg.


Vẫn có cái nhìn lạc quan về con cá tra, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho biết, nhu cầu thủy sản trên thị trường thế giới đã bắt đầu có dấu hiệu tăng trở lại và giá cá tra sẽ hồi phục. Mặc dù gặp nhiều rào cản của các thị trường nhập khẩu, nhưng cơ hội tăng giá trị gia tăng từ việc xuất khẩu cá tra vẫn khá cao. Ngoài ra, những tháng cuối năm, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản nói chung và cá tra nói riêng sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp; điều này sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp tái đầu tư, thu mua dự trữ nguyên liệu...


Bài và ảnh:Lê Nghĩa - Huyền Tím

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN