Phát huy vai trò hợp tác xã kiểu mới ở Sơn La

Những năm gần đây, tỉnh Sơn La đang tập trung đẩy mạnh phát triển mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc thay thế cho trồng lúa, ngô và sắn kém hiệu quả.

Hợp tác xã kiểu mới chính là một trong những mắt xích quan trọng, giúp người dân tìm được phương án sản xuất hợp lý và đầu ra ổn định.

Mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc của Hợp tác xã cam Văn Yên, xã Mường Thải, huyện Phù Yên hiện có 9 ha trồng cam được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGap, mang lại nguồn thu nhập trung bình cho mỗi thành viên khoảng 30 triệu đồng/năm.

Từ diện tích đất khai hoang chủ yếu là đồi dốc, các thành viên hợp tác xã đã từng trồng ngô, rồi chuyển sang trồng thử nghiệm một số cây như: mận hậu, xoài lùn... Nhưng đi vào thu hoạch mới nhận thấy những loại cây này có giá trị kinh tế thấp, giá cả bấp bênh và đầu ra không ổn định.

Kể từ khi chuyển sang triển khai mô hình hợp tác xã kiểu mới để trồng cây ăn quả trên đất dốc, mới thực sự có hiệu quả kinh tế. Hiện nay, hợp tác xã đã có gần 30 thành viên tham gia. Việc tìm đầu ra của sản phẩm và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cho người dân đã được hợp tác xã từng bước đảm bảo.

Ông Nguyễn Văn Ngân, Giám đốc Hợp tác xã cam Văn Yên cho biết, do điều kiện địa hình ở Sơn La chủ yếu là đồi dốc, nên trồng cây gì cũng khó phát triển. Trước đây, ông đã 2 lần phải chặt bỏ các cây trồng không hiệu quả để chuyển đổi, nhưng vẫn thất bại.

Vì thế ông đã đi nhiều nơi, tìm hiểu một số mô hình thì nhận thấy họ trồng cây cam trên đồi dốc thu hoạch rất tốt. Sau đó, ông đã trồng 500 cây cam để thể nghiệm, khi thấy loại cây này có hiệu quả ông đã nhân rộng mô hình và thành lập Hợp tác xã để bà con cùng tham gia.

Trong thời gian gần đây, nhận thấy mô hình hợp tác xã kiểu mới đang thực sự phát huy hiệu quả, tại nhiều địa phương ở tỉnh Sơn La đã từng bước áp dụng mô hình này. Khu đất hơn 1ha của gia đình bà Vì Thị Đóa ở Bản Chiềng Ban 2, huyện Yên Châu, cách đây 3 năm chỉ có ngô là cây trồng chính, mỗi năm được một vụ.

Tuy nhiên, năng suất và giá trị kinh tế mà cây ngô mang lại rất thấp, có khi không đủ bù giống và phân bón. Thấy các hộ gia đình xung quanh chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, cây ngắn ngày, bà quyết định làm theo. Mới được vài năm chuyển sang trồng đậu và dưa, cả nhà ai cũng mừng vì thu nhập tăng lên con số mà trước cũng chẳng dám nghĩ tới.

Bà Vì Thị Đóa người dân bản Chiềng Ban 2, huyện Yên Châu chia sẻ, trước đây trồng ngô thì tốn rất nhiều phân giống, mà chi phí đầu tư lại cao. Từ khi chuyển sang trồng rau, hiệu quả kinh tế đã thay đổi rõ rệt, hàng năm thu nhập của gia đình bà đạt hơn 100 triệu đồng/năm.

Những ngày đầu chuyển đổi, khó khăn chồng chất khó khăn, từ tìm nguồn giống, tìm phân cho đến tự kéo điện, nước phục vụ cho sản xuất. Cũng như gia đình nhà bà Đóa, nhiều hộ gia đình trong quá trình này cũng đều mang nỗi lo chung: trồng ra rồi bán cho ai. Nhưng vấn đề đó đã được giải quyết khi trên địa bàn bắt đầu có những hợp tác xã kiểu mới được thành lập.

Với 100 xã viên quy hoạch nằm trên 8 xã thuộc 3 huyện Mộc Châu, Yên Châu và Mai Sơn, hợp tác xã hoa quả Quyết Tâm được thành lập từ cuối năm 2015 đang cho thấy vai trò thiết thực của mình trong việc giúp đỡ người dân sản xuất và bao tiêu sản phẩm đầu ra.

Theo Giám đốc Hợp tác xã hoa quả Quyết Tâm Dương Mạnh Hà, với đặc thù là địa phương có diện tích sản xuất chủ yếu là đồi dốc, nên việc thay thế các cây trồng mới, năng suất, chất lượng cao đã thực sự mang lại hiệu quả.


Ông Dương Mạnh Hà cho biết, hiện nay, những loại cây trồng phù hợp với địa hình đồi dốc như nhãn, xoài, ớt có thể mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng trên 1ha. Ví dụ dụ như trồng ớt xuất khẩu trung bình 1ha sẽ cho thu nhập trên 300 triệu đồng; trồng cây ăn quả như xoài, nhãn 1ha bây giờ cho thu nhập tương ứng 400 triệu/ha. Ngoài ra, bà con xã viên còn được hỗ trợ phân bón, kỹ thuật chăm sóc và quan trọng nhất là đầu ra cho các sản phẩm luôn được đảm bảo.

Hiện nay, tỉnh Sơn La đã xác định phát triển mô hình trồng cây trên đất dốc là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế của toàn tỉnh. Và để giúp người dân tiếp cận mô hình mới này, các hợp tác xã kiểu mới được khuyến khích và hỗ trợ thành lập.

Với 36 hợp tác xã sản xuất cây ăn quả có tổng diện tích sản xuất lên đến 990 ha bước đầu đã mang lại những kết quả khả quan. Thông qua mô hình hợp tác xã kiểu mới, nhiều vấn để xã viên không thể làm được sẽ được hỗ trợ giải quyết. Khi tham gia mô hình này, bà con xã viên sẽ được hỗ trợ trên nhiều phương diện như: mua vật tư; vay vốn cho sản xuất; quy hoạch trồng cây, nuôi con phù hợp với nhu cầu thị trường; bao tiêu sản phẩm cho xã viên...

Ông Nguyễn Văn Điện, Trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Yên Châu cho biết, mô hình trồng cây ăn quả, cây ngắn ngày trên đất dốc đã tận dụng tối đa thời gian và diện tích nông nhàn, có vốn đầu từ thấp mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đến năm 2020, có thể nâng diện tích cây ăn quả của huyện Yên Châu lên 56.000 ha. Huyện sẽ tiếp tục tăng cường công tác tập huấn, khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap để đảm bảo chất lượng tốt. Đặc biệt, tiếp tục thành lập các hợp tác xã nông nghiệp để liên kết đầu tư, bao tiêu sản phẩm cho nông dân trên thị trường.

Lê Hữu Quyết (TTXVN)
Xây dựng hợp tác xã kiểu mới ở Đồng bằng sông Cửu Long
Xây dựng hợp tác xã kiểu mới ở Đồng bằng sông Cửu Long

Có 175 hợp tác xã của Đồng bằng sông Cửu Long tham gia mô hình hợp tác xã kiểm mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN