Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phù hợp với định hướng phát triển Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thể hiện tư duy, tầm nhìn mới để tạo ra cơ hội, động lực phát triển mới cho tỉnh. Với mục tiêu đến năm 2030, kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh, toàn diện và bền vững; đưa Tây Ninh trở thành một trong những trung tâm công nghiệp và dịch vụ du lịch của vùng Đông Nam bộ và cả nước.
Tầm nhìn mới, động lực mới
Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, Nguyễn Thanh Ngọc cho biết, tỉnh xác định lấy công nghiệp và dịch vụ du lịch là động lực chủ yếu cho tăng trưởng, gắn với phát triển không gian mới. Nông nghiệp phát triển theo hướng chuỗi giá trị, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để mở rộng thị trường, nâng cao hiệu suất và lợi nhuận thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, số hóa, cơ giới hóa, tự động hóa và kinh tế tuần hoàn.
Kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đô thị được đầu tư đồng bộ, hiện đại, văn minh. Khoa học, công nghệ, kinh tế tri thức phát huy mạnh mẽ, trở thành yếu tố chủ yếu góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng; chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tổng Giám đốc Tập đoàn De Heus khu vực châu Á, ông Gabor Fluit cho biết, hiện Tập đoàn đã thấy được tiềm năng phát triển tại Tây Ninh nên đã mạnh dạn triển khai đầu tư dự án khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao tại huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh. Đây là dự án thuộc chuỗi tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với tổng vốn đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng, đã được Tập đoàn Hùng Nhơn và Tập đoàn De Heus cam kết đầu tư vào Tây Ninh. Trong quá trình đầu tư triển khai dự án, Tập đoàn De Heus đã nhận được rất nhiều sự hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền địa phương.
Ông Gabor Fluit cũng cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay khi đầu tư vào tỉnh là tìm kiếm thị trường tiêu thụ và mất khá nhiều thời gian trong việc kết nối giao thương với địa phương khác, do hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Tây Ninh chưa được phát triển đồng bộ.
Còn theo ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Mặt Trời (Sun Group), Tây Ninh có rất nhiều tiềm năng phát triển, tuy nhiên, hệ thống giao thông là một trở ngại để Tây Ninh có thể "cất cánh" do địa phương chưa có cao tốc, chưa có sân bay, chưa có đường thủy kết nối với sông Sài Gòn và đường thủy nội địa kết nối với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Vì vậy, Sun Group mong muốn đồng hành cùng địa phương trong việc đầu tư phát triển, đồng bộ hệ thống hạ tầng kết nối như: Cảng hàng không Tây Ninh, Đường cao tốc Gò Dầu - Xa mát, Đại lộ ven sông kết nối Thành phố Hồ Chí Minh - Tây Ninh....
Để thu hút đầu tư cho ngành công nghiệp, xây dựng, du lịch... tỉnh Tây Ninh cũng xác định phải cạnh tranh mạnh mẽ với các tỉnh lân cận như Long An, Bình Dương, Đồng Nai đang thu hút vốn đầu tư lớn. Theo đó, điều kiện để Tây Ninh đủ sức cạnh tranh cần được đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông và thu hút được dòng vốn đầu tư lớn, có giá trị gia tăng cao, từ đó tốc độ tăng trưởng của tỉnh mới có thể đạt được ở mức cao như kỳ vọng.
Xác định mục tiêu phát triển
Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, Nguyễn Thanh Ngọc cho biết, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề ra 7 đột phá chiến lược gồm: Đột phá về phát triển hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, cải cách thể chế, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển bền vững Tây Ninh xanh, phát triển du lịch và phát triển kinh tế dịch vụ.
Theo đó, phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp sẽ phân bố chủ yếu theo các trục Quốc lộ 22, Quốc lộ 22B, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, đường Hồ Chí Minh, các trục đường ĐT 784, ĐT 789, ĐT 782 - hướng kết nối với trung tâm kinh tế của vùng là Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương; Ngoài ra, Tây Ninh còn trục kết nối Bình Dương, Long An qua địa giới tiếp giáp 3 huyện, thị thuộc tỉnh là thị xã Trảng Bàng, huyện Gò Dầu và huyện Dương Minh Châu, những địa phương có dư địa đất đai lớn, thuận lợi kết nối các hạ tầng để thu hút lao động, kết nối thị trường, kết nối với các cảng hàng không, cảng biển lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng Đông Nam bộ là điều kiện thuận lợi cho việc kết nối giao thương trong nước và quốc tế. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng Đông Nam bộ đã được nghiên cứu quy hoạch dựa trên tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên và trên cơ sở các hành lang kinh tế trong vùng Đông Nam bộ, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của vùng, quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch ngành, quốc gia, lĩnh vực giao thông vận tải với trung tâm của vùng là Thành phố Hồ Chí Minh. Kết hợp vành đai để kết nối liên vùng đến các vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng Tây Nguyên và các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung bộ thông qua hệ thống đường bộ cao tốc, quốc lộ, đường vành đai Thành phố Hồ Chí Minh và các tuyến đường sắt, đường thủy. Giao thông đối ngoại được thực hiện thông qua hệ thống cảng biển, cảng hàng không, đường bộ cao tốc và đường sắt kết nối đến các cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Xa Mát, Hoa Lư… chuẩn bị hình thành.
Do đó, Tây Ninh xác định phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài và Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát theo định hướng và động lực mới, tạo đột phá góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương và góp phần vào sự phát triển chung của vùng Đông Nam bộ.
Tây Ninh sẽ tăng cường huy động vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), coi đây là giải pháp đột phá để hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và hướng tới mục tiêu xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Đồng thời tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, tạo lợi thế trong việc thu hút nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài, khuyến khích, ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh...