Nhu cầu tăng đột biến
Theo công điện, các hãng hàng không Việt Nam và quốc tế được phép khai thác bay với tần suất, đường bay giữa Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ trên cơ sở các thỏa thuận tại hiệp định hàng không song phương, đa phương đã ký kết. Nhà chức trách hàng không của các quốc gia, vùng lãnh thổ nằm trong danh sách thị trường bay thí điểm giai đoạn đầu và từ ngày 15/2/2022 có thể khôi phục các đường bay quốc tế thường lệ chở khách đến Việt Nam.
Hành khách quốc tế khi nhập cảnh vào Việt Nam trên các chuyến bay quốc tế thực hiện các quy định hiện hành về nhập cảnh và phòng chống dịch.
Liên quan đến tình hình vận chuyển nội địa, giai đoạn Tết Nguyên đán vừa qua, Cục Hàng không Việt Nam thống kê, nhu cầu đi lại của người dân tăng đột biến, một số thời điểm đã xảy ra ùn tắc quá tải tại Tân Sơn Nhất, Nội Bài. Tuy nhiên, đây là tín hiệu đáng mừng của ngành Hàng không trong điều kiện thích ứng linh hoạt theo chủ trương của Chính phủ, khi mật độ tiêm vacccine được phủ rộng, ý thức phòng chống dịch của người dân được nâng cao.
Bên cạnh đó, ngành Hàng không và các doanh nghiệp hàng không đã chuẩn bị sẵn sàng từ giữa năm 2021 để có thể khai thác trở lại từ quý IV/2021. Theo thống kê, trước khi mở lại các đường bay quốc tế thường lệ, trung bình khách quốc tế đi/đến Việt Nam khoảng từ 40.000 - 50.000 khách/tháng. Kể từ thời điểm thí điểm mở lại các đường bay quốc tế từ tháng 1/2022, lượng khách quốc tế đi/đến Việt Nam tăng lên hơn 103.000 khách trong tháng 1/2022 và cập nhật đến hết ngày 14/2/2022 là 153.000 khách.
Còn theo Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp bàn mới đây về phương án mở cửa lại hoạt động du lịch, Phó Thủ tướng đã đồng ý với ý kiến đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về thời gian mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về “thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19” từ ngày 15/3/2022.
Tiếp tục cấp phép khai thác hãng hàng không mới?
Trước nhu cầu bay tăng cao, CHKVN vừa có Công văn số 462/CHK-VTHK gửi Bộ GTVT về đánh giá lại việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho các hãng hàng không mới.
Liên quan đến cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho hãng hàng không mới, theo CHKVN, tại Văn bản số 5833/VPCP-CN ngày 17/7/2020, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có ý kiến đồng ý về nguyên tắc kiến nghị của Bộ GTVT nêu tại Công văn số 4620/BGTVT-VT ngày 14/5/2020: Việc thành lập hãng hàng không mới sẽ được xem xét sau thời điểm thị trường hàng không phục hồi (dự kiến năm 2022).
Cuối tháng 5/2021, CHKVN đã kiến nghị Bộ GTVT về việc chỉ thành lập hãng hàng không kinh doanh vận chuyển hàng không vận chuyển hành khách đến sau năm 2024 và xem xét cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không vận chuyển hàng hóa, với quy mô đội máy bay không quá 10 chiếc.
Thực tế, hiện dịch COVID-19 đã từng bước được kiểm soát và dần đi vào ổn định. Thị trường hàng không tại Việt Nam và các nước có đường bay thẳng tới Việt Nam đã bắt đầu hồi phục. Để có đủ cơ sở xem xét, đánh giá về việc thành lập mới các hãng hàng không trong thời gian tới, Bộ GTVT yêu cầu CHKVN khẩn trương đánh giá lại tình hình thị trường và đề xuất phương án.
Trước đó, theo kiến nghị của CHKVN tại Công văn số 1572/CHK-VTHK ngày 21/4/2020, “giai đoạn từ nay đến năm 2022, tạm thời chưa xem xét cấp giấy phép kinh doanh vận tải hàng không cho các hãng hàng không mới”, Bộ GTVT có Văn bản số 4620/BGTVT-VT ngày 14/5/2020 về việc rà soát, xem xét việc thành lập thêm những hãng hàng không trong tình hình mới, nhằm đảm bảo quản lý Nhà nước về hàng không, phát triển bền vững.
Tại văn bản trên, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ: “Trước mắt, tập trung phục hồi thị trường vận tải hàng không trong nước và quốc tế, tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam đang hoạt động; việc thành lập hãng hàng không mới sẽ được xem xét sau thời điểm thị trường hàng không phục hồi (dự kiến năm 2022)".
Tháng 1/2022, CHKVN tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp phép thành lập hãng bay mới.
Còn đại diện Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho hay, mặc dù thị trường hàng không đã có nhiều tín hiệu phục hồi, nhưng việc có xem xét cấp phép lập thêm hãng bay mới hay không vẫn cần nhận được ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ.
Đến ngày 31/12/2021, cả nước có 6 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không: Vietnam Airlines, Pacific Airlines, Vasco, Vietjet, Bamboo Airways, Vietravel Airlines và 4 đơn vị có giấy phép kinh doanh hàng không chung là Công ty Cổ phần Hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt, Công ty Cổ phần Hàng không Hành tinh xanh, Tổng công ty Trực thăng Việt Nam và Công ty Cổ phần Hàng không Hải Âu.