Nhập khẩu 100.000 tấn, giá đường chưa chắc hạ nhiệt

Theo các chuyên gia kinh tế, động thái của Chính phủ cho phép nhập khẩu 100.000 tấn đường trong bối cảnh nguồn cung trong nước sụt giảm sẽ góp phần ổn định cung - cầu. Tuy nhiên, giá đường có hạ nhiệt hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố liên quan đến những bất cập của khâu sản xuất và phân phối.

Sản lượng sụt giảm, giá tăng cao

Tình trạng hạn hán kéo dài thời gian qua đã tác động mạnh đến ngành mía đường trong nước. Sản lượng mía sụt giảm năm thứ hai liên tiếp. Ông Đỗ Thành Liêm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mía đường cho biết, năm nay ngành mía đường trong nước chỉ cung cấp khoảng 1,2 triệu tấn nguyên liệu và sụt giảm khoảng 1,4 triệu tấn so với niên vụ trước đó. Điều này góp phần khiến giá đường trong nước tăng cao. Đồng thời, giá đường trên thế giới cũng lên cao do một số nước mất mùa mía.

Hiện nay, đường trong nước được bán với mức giá từ 17.000 - 21.000 đồng/kg. Trong khi mức giá đường năm ngoái chỉ khoảng 13.000 đồng/kg.

Thu hoạch mía tại tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Duy Khương - TTXVN

Bà Tôn Minh Hương (người tiêu dùng tại Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, giá đường trắng xuất khẩu mua tại chợ hiện là 19.000 đồng/kg, trong khi mới tháng trước chỉ khoảng 17.000 đồng.

Vừa qua, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ xin phép được nhập khẩu 100.000 tấn đường và đã được Chính phủ chấp thuận nhằm bổ sung nguồn cung trong nước, cân đối cung cầu.

Theo ông Đỗ Thành Liêm, theo quy luật kinh tế thị trường thì khi nguồn cung tăng, thị trường đang sốt sẽ phải xuống giá nhưng “không thể nói 100.000 tấn đường vào thị trường thì giá đường sẽ hạ nhiệt”.

Ông Liêm cho biết, giá đường thế giới những ngày gần đây đang lên rất cao, nếu nhập cũng phải nhập giá cao. Khi giá đường quá cao thì sức mua sẽ giảm bởi đường không phải là mặt hàng thiết yếu. Do vậy, nếu giá đường tăng quá cao thì nhu cầu về mặt hàng này cũng sẽ giảm.

Mặt khác, các doanh nghiệp sản xuất lớn đã chuẩn bị mua nguyên liệu từ 3 tháng, thậm chí 1 năm trước đó nên không ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch sản xuất. Chỉ những doanh nghiệp nhỏ lẻ mới bị ảnh hưởng mạnh bởi thiếu hụt nguồn cung.

Còn theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, đường nhập khẩu chủ yếu sử dụng vào mục đích y tế và chế biến công nghiệp (bánh kẹo). Do đó, giá đường tăng không tác động nhiều đến thị trường bán lẻ hay chỉ số giá tiêu dùng.

Khắc phục bất cập cung cầu

Theo ông Vũ Vinh Phú, giá đường cao hiện nay không hoàn toàn là do nguyên nhân thiếu hụt nguồn cung. Đường sản xuất trong nước vẫn đáp ứng được 70 - 80% nhu cầu. Còn lại là đường nhập lậu từ Thái Lan.

“Giá đường cao là do khâu phân phối bất cập. Chi phí sản xuất đường chỉ 13.000 - 14.000 đồng/kg nhưng ra đến chợ giá 19.000 đồng, vào siêu thị giá là 20.000 - 21.000 đồng/kg. Lẽ ra chỉ bán với giá 18.000 đồng là hợp lý”, ông Phú nói.

Ông Vũ Vinh Phú kiến nghị cần cải tiến các khâu phân phối để đường từ nhà máy sản xuất đến thẳng nơi bán lẻ, cắt giảm các khâu trung gian gây nên tình trạng đầu cơ. Mặt khác, phải tạo thêm lợi ích cho người trồng mía, để họ không chặt bỏ mía do giá quá thấp. Ông Phú dẫn chứng, Nhà máy Mía đường Lam Sơn đã cho nông dân góp vốn trở thành cổ đông. Cách làm này sẽ giúp nông dân yên tâm trồng mía, hạn chế tình trạng bất ổn về nguồn cung.

Giá bán đường trong nước cao còn là lý do để đường nhập lậu có đất “lộng hành”. Giá đường nhập lậu Thái Lan chỉ khoảng 11.000 đồng/kg. Nếu chúng ta không hạ được giá đường thì không thể cạnh tranh nổi, nhất là khi thuế suất về 0%, đường Thái sẽ “đường hoàng” vào thị trường nội địa.

Đại diện Hiệp hội Mía đường cho biết thêm, trước đây, Việt Nam không hề thua kém trong cạnh tranh mía đường với Thái Lan. Nhưng hiện nay, Thái Lan có số lượng xuất khẩu mía đường đứng nhì thế giới và sản lượng đứng thứ 3, 4 thế giới, vượt xa Việt Nam với định hướng phát triển đúng đắn.

“Áp lực lớn nhất của các nhà máy mía đường là làm thế nào để bà con nông dân trồng mía, sống được nhờ mía. Nếu không, họ sẽ tìm đến cây khác, nhà máy mất nguồn nguyên liệu. Nhà máy đường không có mía là nhà máy đường chết”, lãnh đạo Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho hay.

Các chuyên gia cho rằng, để cạnh tranh với đường ngoại, điều quan trọng là ngành mía đường cần những giải pháp căn cơ để nâng cao năng suất, đầu tư hiệu quả hơn cho khâu chế biến, phân phối…

Tháng 10 sẽ bắt đầu vào vụ mía mới, một số nhà máy đường tại khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ bắt đầu đi vào sản xuất. Việt Nam còn hạn ngạch nhập khẩu theo cam kết với WTO khoảng 85.000 tấn, cộng với 100.000 tấn Chính phủ mới cho phép nhập khẩu. Ngoài ra, có một lượng đường nhất định từ đường nhập lậu. Do đó, có thể nói nguồn cung đường trong nước sẽ không thiếu.




Hoàng Dương
Cần chính sách hỗ trợ ngành mía đường
Cần chính sách hỗ trợ ngành mía đường

Báo Tin tức Cuối tuần đã ghi nhận lại một số ý kiến của người trồng mía, doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý nhằm tháo gỡ những khó khăn cho ngành mía đường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN